8/11/2017 | 4:42:44 PM

Hiểu rõ để chặn nguy biến do sởi

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính lây theo đường hô hấp do virut Paramyxoviridae gây ra. Hay gặp ở trẻ nhỏ 1 đến 4 tuổi.

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính lây theo đường hô hấp do virut Paramyxoviridae gây ra. Hay gặp ở trẻ nhỏ 1 đến 4 tuổi. Người lớn có thể mắc nếu chưa mắc hoặc chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh. Bệnh sởi tuy ít gây tử vong nhưng có thể gây ra nhiều biến chứng, trong đó hay gặp là biến chứng viêm đường hô hấp, đặc biệt nếu không chăm sóc tốt trẻ sẽ dễ bị suy dinh dưỡng sau mắc sởi.

Dấu hiệu nhận biết

Trên lâm sàng bệnh sởi diễn biến qua 4 thời kỳ:

Thời kỳ nung bệnh: Khoảng 10 - 12 ngày sau khi tiếp xúc với siêu vi sởi.

Thời kỳ khởi phát (giai đoạn viêm xuất tiết): 3 - 4 ngày. Sốt nhẹ hoặc vừa, sau sốt cao; Viêm xuất tiết mũi, họng, mắt: chảy nước mắt nước mũi, ho, viêm màng tiếp hợp, mắt có gỉ kèm nhèm, sưng nề mi mắt. Nội ban xuất hiện (ngày thứ hai): gọi là hạt Koplick, đó là các hạt trắng, nhỏ như đầu đinh ghim, từ vài nốt đến vài chục nốt mọc ở niêm mạc má (phía trong miệng, ngang răng hàm), xung quanh hạt Koplick niêm mạc má thường có sung huyết. Các hạt Koplick chỉ tồn tại 24 - 48 giờ. Đây là dấu hiệu có giá trị chẩn đoán sớm và chắc chắn. Hạch bạch huyết sưng. Xét nghiệm ở giai đoạn này có bạch cầu tăng vừa, neutro tăng.Bệnh sởi thông thường lành tính

Bệnh sởi thông thường lành tính, vết ban sẽ nhạt dần rồi biến mất sau khoảng 1 tuần.

Thời kỳ toàn phát (giai đoạn mọc ban):  ban mọc ngày thứ 4 - 6, ban dát sần, ban nhỏ hơi nổi gờ trên mặt da, giữa các ban là khoảng da lành. Ban mọc rải rác hay dính liền với nhau thành từng đám tròn 3 - 6mm. Ban mọc theo thứ tự: Ngày 1: mọc ở sau tai, lan ra mặt; Ngày 2: lan xuống đến ngực, tay; Ngày 3: lan đến lưng, chân. Ban kéo dài 6 ngày rồi lặn theo thứ tự trên. Ban mọc ở trong niêm mạc (nội ban): ở đường tiêu hóa gây rối loạn tiêu hóa, đi lỏng, ở phổi gây viêm phế quản, ho. Toàn thân: khi ban bắt đầu mọc, toàn thân nặng lên, sốt cao hơn, mệt hơn. Khi ban mọc đến chân nhiệt độ giảm dần, triệu chứng toàn thân giảm dần rồi hết. Xét nghiệm ở giai đoạn này có bạch cầu giảm, neutro giảm, lympho tăng.

Thời kỳ lui bệnh (giai đoạn ban bay): Thường vào ngày thứ 6 ban bắt đầu bay. Ban bay theo thứ tự từ mặt đến thân mình và chi, để lại các nốt thâm có tróc da mỏng, mịn kiểu bụi phấn hay vảy cám. Những chỗ da thâm của ban bay và chỗ da bình thường tạo nên màu da loang lổ gọi là dấu hiệu “vằn da hổ” đó là dấu hiệu để truy cứu chẩn đoán. Toàn thân bệnh nhân hồi phục dần nếu không biến chứng...

Bệnh sởi thông thường là lành tính. Ở thể nhẹ thì khoảng một tuần sau, những vết đỏ này sẽ nhạt dần, vết nào xuất hiện trước sẽ hết trước để lại trên da dấu hiệu vằn da hổ. Tuy nhiên, cần thận trọng với những biến chứng do sởi.

Biến chứng đường hô hấp

Biến chứng hô hấp là biến chứng hay gặp trong bệnh sởi.

Viêm thanh quản: Giai đoạn sớm là do virut sởi: xuất hiện ở giai đoạn khởi phát, giai đoạn đầu của mọc ban thường mất theo ban, gây cơn khó thở do co thắt thanh quản. Giai đoạn muộn: do bội nhiễm (hay gặp do tụ cầu, liên cầu, phế cầu...), xuất hiện sau mọc ban. Diễn biến thường nặng: sốt cao vọt lên, ho ông ổng, khàn tiêng, khó thở, tím tái.

Viêm phế quản: Thường do bội nhiễm, xuất hiện vào cuối thời kì mọc ban. Biểu hiện sốt lại, ho nhiều, nghe phổi có ran phế quản, bạch cầu tăng, neutro tăng, Xquang có hình ảnh viêm phế quản.

Viêm phế quản - phổi: Do bội nhiễm, thường xuất hiện muộn sau mọc ban. Biểu hiện nặng: sốt cao khó thở, khám phổi có ran phế quản và ran nổ; Xquang có hình ảnh phế quản phế viêm (nốt mờ rải rác hai phổi). Bạch cầu tăng, neutro tăng, thường là nguyên nhân gây tử vong trong bệnh sởi, nhất là ở trẻ nhỏ.

Cách chăm sóc trẻ khi bị sởi

Bệnh sởi do virut gây ra nên cho đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chủ yếu là điều trị triệu chứng - chăm sóc và nuôi dưỡng. Khi trẻ bị sởi, các bậc phụ huynh cần chú ý những điều dưới đây: Kiêng gió, giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, cách ly trẻ khi phát hiện dấu hiệu của sởi; thường xuyên vệ sinh thân thể sạch sẽ; Cho trẻ ăn các thức ăn lỏng, dễ tiêu và uống nước hoa quả; không nên cho trẻ ăn các loại thủy sản, hải sản; Cho trẻ uống 6-8 cốc nước mỗi ngày để giảm tình trạng mất nước khi sốt; Nhỏ thuốc mũi và thuốc mắt cho trẻ 3- 4 lần/ngày; Nếu trẻ không xuất hiện những biến chứng do sởi thì tuyệt đối không cho trẻ uống kháng sinh, chỉ nên dùng thuốc bổ như B1, C... Nếu xuất hiện những biến chứng thì nên cho trẻ uống kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ hoặc cho trẻ nhập viện để điều trị.

 

Lời khuyên của thầy thuốc

Tiêm vắc-xin là biện pháp phòng ngừa tốt nhất. Tiêm mũi thứ nhất khi trẻ được 9 tháng tuổi; Giữ gìn vệ sinh thân thể cho trẻ (thay quần áo, tắm rửa sạch sẽ cho trẻ mỗi ngày, giữ vệ sinh phòng ngủ, chăn, đệm...).
Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814