16/11/2012 | 9:38:55 PM

Ho, khạc đờm nhiều coi chừng phổi tắc nghẽn mạn tính

Bệnh thường gặp ở người hút thuốc lá hoặc trong nhà có người hút. Tuy nhiên, không mấy ai trong số họ nghĩ mình mắc bệnh.

Từ trước đến nay, phổi tắc nghẽn mãn được xem là bệnh người già. Tuy nhiên, bệnh nhân đang có xu hướng trẻ hóa. Nhiều người chưa đến 30 đã bị do hút thuốc từ năm 7-8 tuổi hoặc sống trong gia đình có người hút thuốc.

Thống kê tại Bệnh viện Phổi Trung ương cho thấy, trong số 6.000 bệnh nhân được khám quản lý thì 78% là ở độ tuổi 31-50. Trong đó nguyên nhân chủ yếu là do hút thuốc lá.

Có 15-20% bệnh nhân không hề hút thuốc mà do hút thuốc thụ động, phơi nhiễm với bụi, khói độc ở nơi làm việc hay nơi ở. Các bệnh nhân làm nghề liên quan đến các loại bụi chiếm tỷ lệ cao: như giáo viên, thợ may, thợ mộc, sau đó là học sinh, sinh viên.

Tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ở Việt Nam là khoảng 4% dân số. Do tình trạng hút thuốc lá, thuốc lào và ô nhiễm môi trường, con số này đang có chiều hướng gia tăng, phó giáo sư Ngô Quý Châu, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết.

Những người thấy ho, khạc đờm keo dài, khó thở khi gắng sức nên đi khám để được sàng lọc bệnh. Ảnh: P.N.

Cũng theo ông, bệnh được coi là “sát thủ” vô hình vì diễn biến âm thầm hàng chục năm, lại không gây nguy hiểm tức thì. Tuy nhiên, người bệnh sẽ thường xuyên bị thiếu ôxy trong máu, gây mệt mỏi, khó thở, tức ngực, ho, suy nhược, thậm chí không di chuyển được. Hậu quả là giảm sức lao động, thậm chí không thể tự chăm sóc bản thân.

"Nguy hiểm hơn, bệnh dễ dẫn đến các biến chứng ở phổi như: viêm phổi, u phổi, tràn khí màng phổi và khiến nhiều bệnh khác nặng thêm như đái tháo đường, suy tim... Bệnh được xếp vào hàng thứ 6 trong 10 bệnh thường gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong cao thứ tư trên thế giới, sau các bệnh mạch vành, ung thư và tai biến mạch máu não", phó giáo sư Châu khuyến cáo.

Không những thế chi phí điều trị bệnh hết sức tốn kém, cao hơn nhiều so với việc điều trị bệnh hen, lao, viêm phổi... Bệnh cũng không thể chữa khỏi hoàn toàn mà chỉ có thể làm giảm triệu chứng, làm chậm quá trình tổn thương ở phổi, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Bệnh nguy hiểm là thế nhưng số người hiểu biết và kiểm soát được bệnh chưa nhiều. Ngay cả khi đã được nhắc nhở bỏ thuốc nhưng nhiều người vẫn không bỏ được thói quen này, có lẽ vì bệnh không "chết ngay” nên chưa sợ. Bệnh nhân đến khám chủ yếu vì đợt cấp, ra viện ít được tư vấn, điều trị và chỉ đến khi có cơn khó thở khác mới lại vào viện, tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung, Phó giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết.

Theo các chuyên gia, biểu hiện của bệnh gồm: ho, khạc đờm vào buổi sáng. Ở độ tuổi 40, triệu chứng khó thở và khạc đờm nặng hơn, đôi lúc khò khè. Tuy nhiên, người hút thuốc lá nhiều thường chủ quan cho rằng ho khạc là do hút thuốc lá mà không nghĩ rằng mình bị bệnh.

Vào độ tuổi 50, bệnh bắt đầu xuất hiện những đợt bùng phát với những đợt ho nặng hơn, khó thở, hụt hơi. Khó thở khi vận động sẽ xuất hiện rõ vào độ tuổi 60. Lúc đầu, bệnh nhân chỉ mệt khi đi vội hay đi lên dốc, lên cầu thang nhưng về sau thì ăn uống, tắm rửa, thay quần áo cũng khó thở.

Vì thế, để phát hiện bệnh kịp thời, những người thuộc nhóm có nguy cơ cao và có các triệu chứng ban đầu là ho, khạc đờm kéo dài, khó thở khi gắng sức nên đến gặp ngay bác sĩ để được chẩn đoán và kiểm tra chức năng phổi. Khi đã mắc bệnh thì cần tuân thủ đúng hướng dẫn: dùng đúng thuốc, khám lại định kỳ hàng tháng, bỏ hút thuốc lá. Ngoài ra cần giữ không khí trong nhà thật sạch, thoáng, tránh khói và các loại khí gây khó thở, tránh tiếp xúc với khói bếp than...


Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814