18/8/2012 | 10:51:58 AM

Hội chứng đuôi ngựa và những hệ lụy

Hội chứng đuôi ngựa là một cấp cứu ngoại thần kinh phức tạp. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ liệt vận động kèm rối loạn cảm giác, dinh dưỡng ở một hoặc hai chân và vùng sinh dục hậu môn, rối loạn cơ tròn bàng quang. Các triệu chứng của hội chứng đuôi ngựa xuất hiện nhanh chóng và thường phối hợp với nhau ở nhiều mức độ: đau vùng thắt lưng hông, chi dưới, rối loạn cảm giác, vận động…

Nguyên nhân chính của hội chứng đuôi ngựa

Thoát vị đĩa đệm vùng thắt lưng:

Là nguyên nhân chính của chèn ép vùng đuôi ngựa. Bệnh thường xuất hiện ở độ tuổi lao động (35 - 55 tuổi), nam giới mắc bệnh nhiều hơn nữ. Bệnh thường diễn biến đột ngột, đôi khi không đau, có lúc lại phối hợp với đau thần kinh tọa dữ dội. Những triệu chứng thường ở một bên (một nửa hội chứng đuôi ngựa). Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm có thể do chấn thương cột sống; bê vác nặng hoặc sai tư thế; tuổi cao và một số bệnh lý cột sống bẩm sinh hoặc mắc phải như gai đôi, thoái hóa, gù vẹo cột sống cũng là yếu tố thuận lợi gây thoát vị đĩa đệm. Chụp IRM cho phép đánh giá vị trí, số lượng, mức độ thoát vị và mức độ chèn ép. Tùy theo mức độ thoát vị đĩa đệm nhiều hay ít, một tầng hay đa tầng mà có thể áp dụng phương pháp điều trị nội khoa đơn thuần (dùng thuốc giảm đau paracetamol hay chống viêm giảm đau không corticoid; thuốc giãn cơ; vitamin; tập phục hồi chức năng; châm cứu…) hay phối hợp với điều trị ngoại khoa (phẫu thuật mổ mở hay kỹ thuật giảm áp đĩa đệm bằng laser qua da).

Hẹp ống sống:

Khoảng 15% các trường hợp đau rễ thắt lưng hông có liên quan đến hẹp ống sống. Bình thường, kích thước trước sau của ống sống thắt lưng khoảng từ 13 - 15mm, nếu kích thước trước sau dưới 13mm là hẹp ống sống. Người bệnh thấy đau hoặc dị cảm hai chân (đi khập khiễng cách hồi) xuất hiện sau một khoảng đi bộ một vài trăm mét (phải dừng lại) hay ở tư thế đứng lâu hoặc rối loạn cơ tròn bàng quang. Nguyên nhân bao gồm hẹp ống sống bẩm sinh, nặng lên do thoái hóa và thoát vị đĩa đệm; gãy hoặc xẹp đốt sống; viêm đốt sống; quá phát dây chằng vàng… Phương pháp điều trị bao gồm nội khoa phối hợp với cắt bỏ dây chằng vàng của ống sống vùng thắt lưng.

 Tổn thương vùng thắt lưng từ L2 đến rễ cùng 5 gây hội chứng đuôi ngựa.

U dây thần kinh vùng đuôi ngựa:

Đây là nguyên nhân trong màng cứng hay gặp của hội chứng đuôi ngựa. Hầu hết các trường hợp u dây thần kinh vùng đuôi ngựa đều có kết quả tốt khi cắt bỏ sớm khối u.

U ống nội tủy vùng đuôi ngựa: Là loại u hay gặp, được sinh ra từ vùng tận cùng của tủy sống và tổn thương tăng dần, chiếm toàn bộ túi cùng thắt lưng làm cho phẫu thuật khó khăn.

Những dấu hiệu khi người bệnh mắc hội chứng đuôi ngựa

Thế nào là hội chứng đuôi ngựa?

Vùng đuôi ngựa được tạo nên bởi toàn bộ các rễ thần kinh ở dưới chóp cùng của tủy sống, bao gồm các rễ từ thắt lưng 2 đến rễ cùng 5 (L2, L3, L4, L5, S1, S2, S3, S4 và S5) cộng thêm đôi rễ cụt. Những rễ vùng đuôi ngựa này đảm bảo chi phối vận động, cảm giác và dinh dưỡng của hai chi dưới, vùng đáy chậu, cơ quan sinh dục. Tất cả các trường hợp chèn ép ở vùng đuôi ngựa xuất hiện hoặc tiến triển nhanh đều là một cấp cứu ngoại khoa vì nguy cơ di chứng không hồi phục.

Người bệnh cảm thấy đau hoặc dị cảm ở một hoặc hai bên chân; đôi khi khu trú ở vùng hậu môn hoặc đáy chậu; tăng lên khi gắng sức (ho, đại tiện) và khi thay đổi tư thế. Mất cảm giác có thể gặp ở toàn bộ một hoặc hai chân, ở vùng đáy chậu (mất cảm giác vùng yên ngựa) đôi khi mất cảm giác đại tiểu tiện.

Giảm vận động ở một hoặc hai chân với mất phản xạ gân gót, gối và phản xạ da gan bàn chân (không phải là dấu hiệu Babinski khi tổn thương bó tháp, mà đây chỉ là một hội chứng ngoại biên đơn thuần). Bệnh nhân gặp những rối loạn về cơ tròn như tiểu không kìm được hoặc bí tiểu, bí đại tiện, liệt dương. Những rối loạn dinh dưỡng biểu hiện loét vùng cùng cụt hoặc gót chân trong những thể liệt nặng.

Tùy theo vị trí tổn thương, có thể gặp hội chứng đuôi ngựa hoàn toàn hoặc không hoàn toàn. Trên thực tế, có thể gặp 3 hội chứng đuôi ngựa gồm: Hội chứng đuôi ngựa trên (liệt ngoại biên toàn bộ ở hai chân, rối loạn cảm giác hai chân từ nếp bẹn trở xuống, rối loạn cơ tròn ngoại biên), thể này ít gặp vì thoát vị đĩa đệm ở đoạn cao (L1 - L2 và L2 - L3) ít khi xảy ra. Hội chứng đuôi ngựa dưới do thoát vị đĩa đệm L5 - S1: biểu hiện rối loạn cơ tròn, rối loạn cảm giác vùng đáy chậu, không liệt hoặc chỉ liệt một số động tác của bàn chân. Hội chứng đuôi ngựa giữa thường gặp do thoát vị đĩa đệm L3 - L4 và L4 - L5 biểu hiện: liệt gấp cẳng chân, liệt các động tác của bàn chân và ngón chân, mất cảm giác toàn bộ ngón chân, cẳng chân, bàn chân, mặt sau đùi và mông, rối loạn cơ tròn.

Xác định chính xác bệnh bằng cách nào?

IRM (chụp cộng hưởng từ) cột sống thắt lưng và vùng đuôi ngựa là xét nghiệm tốt nhất để chẩn đoán xác định bệnh. Chụp cột sống thắt lưng thẳng, nghiêng, chếch 3/4; Chụp cắt lớp cột sống tập trung tại vùng nghi ngờ; Chụp tủy cản quang với thuốc cản quang tan trong nước bằng con đường phía trên và chụp bao rễ thần kinh (cần chú ý trong trường hợp chụp rễ cùng cụt qua đường thắt lưng có thể rất nguy hiểm vì nguy cơ làm nặng lên).

Biện pháp phòng ngừa 

Nguyên nhân chủ yếu gây hội chứng đuôi ngựa là thoát vị đĩa đệm, do đó, để phòng tránh thoát vị đĩa đệm cần tránh ngồi quá lâu hoặc ngồi sai tư thế; tránh mang hay vác nặng, chấn thương cột sống; tránh các động tác cúi gập người tối đa sau đó ngửa ra đột ngột sẽ gây rách vòng xơ bao quanh nhân nhầy đĩa đệm làm nhân nhầy thoát ra và chèn ép vào rễ thần kinh vùng đuôi ngựa; tránh tăng cân, béo phì…

Với những bệnh nhân được điều trị phẫu thuật, cần nghỉ ngơi hợp lý trong vòng một tháng đầu, đi lại nhẹ nhàng sau mổ 48 giờ nhưng nên mang theo áo nẹp ở lưng. Những tháng tiếp theo, bệnh nhân có thể làm những công việc nhẹ nhàng và tập luyện tăng dần.

Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814