8/3/2012 | 1:31:17 PM

Hơn 50% người bị glôcôm không biết mình mắc bệnh

Bệnh glôcôm (hay thiên đầu thống) là nguyên nhân gây mù lòa thứ 2 nhưng tỷ lệ phát hiện bệnh lại rất thấp. Nhiều người chỉ đến viện khi đã muộn, thị lực đã không thể cứu vãn được.

Tiến sĩ Đào Thị Lâm Hường, Trưởng khoa glôcôm, Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội) cho biết, glôcôm là một nhóm bệnh mà nhãn áp tăng quá mức chịu đựng của mắt bình thường, gây lõm, teo đĩa thị thần kinh và tổn hại thị trường đặc hiệu. Đây là một bệnh nguy hiểm, thường gây đau nhức và mất thị lực vĩnh viễn không thể hồi phục, có thể gây mù.

Có thể phòng tránh được mù lòa do bệnh này bằng cách phát hiện sớm, điều trị kịp thời bằng thuốc hoặc can thiệp phẫu thuật và theo dõi thường xuyên, tái khám định kỳ. Tuy nhiên có một hạn chế là tỷ lệ phát hiện được rất thấp.

Ảnh: N.P.
Biểu hiện bệnh glôcôm thường không rõ ràng nên ít người bệnh để ý. Ảnh: N.P.

Theo tiến sĩ Hường, bệnh thường khởi phát đột ngột buổi chiều tối hoặc khi bệnh nhân đang cúi xuống đọc sách, hoặc sau những sang chấn tinh thần mạnh. Mắt đột ngột đau nhức dữ dội từng cơn, lan lên nửa đầu cùng bên, ngoài ra người bệnh có thể thấy buồn nôn, nôn, đau bụng, mắt đỏ lên và nhìn mờ. Tuy nhiên có những người, bệnh lại xuất hiện âm thầm, tiến triển trong một thời gian dài, đến khi phát hiện được thì tình trạng đã rất nặng.

"Đa số bệnh nhân không cảm thấy đau nhức mắt, một số trường hợp đôi khi thấy mắt căng tức nhẹ thoáng qua hoặc nhìn mờ như qua một màn sương rồi tự hết. Những triệu chứng trên thường không rõ ràng nên bệnh nhân ít để ý đến", tiến sĩ Hường nói.

Theo một nghiên cứu tại 2 tỉnh Nam Định và Thái Bình gần đây, tỷ lệ glôcôm trong một số cộng đồng dân cư chiếm tới hơn 2%. Đến 94% người dân tham gia khám sàng lọc còn mơ hồ hoặc không biết gì về bệnh.

Nhiều bệnh nhận khi nhập viện thị lực rất thấp, nguy cơ mù lòa cao. Bên cạnh đó, nhiều người điều trị nhưng không tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc nên nguy cơ tái phát rất cao. "Qua theo dõi bệnh nhân glôcôm góc mở điều trị tại khoa thì có tới 43% bệnh nhân có tiến triển nặng lên", tiến sĩ Hường cho biết.

"Số người mắc bệnh có xu hướng gia tăng. Một trong những nguyên nhân chính là việc người dân lạm dụng và tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt. Trên thị trường hiện có bán các loại thuốc nhỏ mắt có chứa steroids để điều trị chứng ngứa, khô mắt, viêm kết mạc, nếu lạm dụng quá có thể khiến mắt bị glôcôm", tiến sĩ Hường nhấn mạnh.

Các chuyên gia khuyến cáo, khi phát hiện bệnh, bệnh nhân cần được điều trị ngay bằng thuốc tra mắt và uống thuốc hạ nhãn áp. Mắt chưa bị glôcôm cũng cần phải điều trị dự phòng bằng lade hoặc phẫu thuật. Bệnh có yếu tố di truyền nên người bệnh và người thân cần có kiến thức để phát hiện bệnh sớm để được điều trị kịp thời. Những người mắc bệnh toàn thân như: đái tháo đường, cao huyết áp..., có tiền sử dùng corticoid kéo dài (tra mắt hoặc toàn thân)... đều có nguy cơ cao bị bệnh.

Hưởng ứng Tuần lễ Glôcôm Thế giới, Bệnh viện Mắt Trung ương tiến sẽ khám, tư vấn cấp thuốc miễn phí cho tất cả bệnh nhân glôcôm đã và đang được điều trị, theo dõi bệnh. Bệnh viện cũng khám sàng lọc và điều trị miễn phí bệnh này cho người nghèo, thuộc diện chính sách, thương bệnh binh, người khuyết tật. Chương trình sẽ kéo dài từ ngày 11 đến 17/3 tại bệnh viện.

Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814