3/11/2012 | 8:55:31 PM

Kẻ thù quanh ta…

Chúng ta đang sống trong thế giới tràn ngập bệnh lây nhiễm: trên mỗi xăngtimét vuông bàn tay có thể đếm được một ngàn con vi trùng. Tuy nhiên chớ hoảng loạn, không phải tất cả đều gây bệnh.

Hệ miễn dịch của chúng ta đã kịp thuần hóa không ít. Nếu trở thành nạn nhân nhiễm bệnh, phần lớn vì lý do những vi trùng, mà cơ thể chưa kịp học cách tự vệ.

– Nguy hiểm nhất đối với trẻ sơ sinh là sự tiếp xúc với anh (chị) lớn hơn – những đối tượng vô tình mang về nhà mầm bệnh lạ lây nhiễm từ bạn bè trong nhà trẻ hoặc trường mẫu giáo – GS. BS Andzej Radzikowski, giám đốc Bệnh viên Nhi Mazowiec (Ba Lan) khẳng định. Nguy cơ này cũng đe dọa người trưởng thành, đối tượng thường sập bẫy cảm cúm từ con cái mang về nhà những chủng vi trùng virus hoàn toàn xa lạ. Suốt nhiều năm hệ đề kháng của người bố hoặc người mẹ đã kịp tôi luyện chống lại nhiều kẻ thù, tuy nhiên bởi các cơ thể siêu nhỏ liên tục tiến hóa, trường học hoặc lớp mẫu giáo đông đúc là trại chăn nuôi lý tưởng của vi trùng virus, thế nên mũi và tay con trẻ luôn vô tình mang về nhà mối đe dọa mới.

- Không thể tiêm chủng chống lại đa số bệnh truyền nhiễm, vậy nên cách thức né tránh nhiễm bệnh tốt nhất là quan tâm vệ sinh và thông thoáng nơi ở - GS. BS Radzikowski khuyến cáo. Mới nghe có vẻ khó tin, song các nghiên cứu dịch tế học đều khẳng định tính đúng đắn của câu tục ngữ châu Âu cổ: “Không khí ngoài trời giá lạnh, thậm chí giữa mùa đông, rèn luyện cơ thể và mang lại nhiều lựi ích cho sức khỏe hơn không khí ấm cúng trong phòng kín”. Đa số các trường hợp cảm cúm con người mắc phải là hệ quả sự lây truyền lẫn nhau trong những ngôi nhà khép kín. Hoàn toàn nhầm lẫn khi cho rằng, cái lạnh – chứ không phải sự tiếp xúc thân mật với thành viên khác trong gia đình – có thể là nguồn lây bệnh. Sự thật ngược lại: phần lớn các trường hợp cảm cúm xuất hiện vào mùa thu và mùa đông không phải vì lý do nhiệt độ thấp, mà vì lý do quen sống trong phòng ở kín gió!

Tránh xa... bệnh viện ?!

Những nơi khác là “căn cứ” xuất phát của đủ loại vi trùng là các cơ sở chăm sóc sức khỏe. Thêm nữa, nhiều chủng trong đội quân đó miễn dịch với thuốc kháng sinh, vậy nên vũ khí hiệu nghiệm nhất chống lại chúng là vệ sinh. Vô số bệnh lây nhiễm được phát tán qua áo blu, tai nghe, kính hiển vi, cặp nhiệt độ, và thậm chí găng tay sử dụng một lần. – Nhiều đồng nghiệp của tôi sử dụng găng tay không để bảo vệ bệnh nhân, mà bảo vệ chính họ - GS Jacek Juszczyk, chuyên gia về các bệnh lây nhiễm (Đại học Y Poznan, Ba Lan), nhà khoa học đã nhiều năm phát động chiến dịch vệ sinh bệnh viện, khẳng định.

Hiệp hội Vệ sinh Điều trị Ba Lan từ lâu đã phê phán quan niệm sai lầm của không ít giám đốc bệnh viện cho rằng, nghĩa vụ sử dụng túi plastic bảo hiểm giầy dép phát huy tác dụng bảo vệ bệnh nhận trước nguy cơ nhiễm bệnh. Trong khi chính những vi trùng được nuôi dưỡng trong bệnh viện thường nguy hiểm hơn đối với người nhà bệnh nhân thỉnh thoảng ghé thăm, ngoài ra kết quả nhiều nghiên cứu đã khẳng định, để bảo vệ bệnh viện trước nguy cơ vì trùng thâm nhập từ bên ngoài, chỉ cần thảm chùi chân đạt tiêu chuẩn. Theo các chuyên gia khẩu trang sử dụng một lần (chỉ theo tên gọi, bởi đa số đối tượng thăm viếng người bệnh sử dụng nhiều lần) thực chất chỉ là công cụ phát tán mầm bệnh.

Tại nhiều bệnh viện nhân viên y tế trách móc bệnh nhân không đeo khẩu trang thường xuyên, trong khi bản thân họ quên rửa tay theo quy định. – Bên cạnh các giường bệnh tại các Bệnh viện ở Thụy Sĩ bao giờ cũng đặt bình nước tẩy trùng đặc biệt có dán mảnh giấy nhắc nhở các nhân viên y tế sử dụng, trước khi tiếp xúc bệnh nhân – GS. BS Katarzyna Dzierzanowka, giám đốc Trung tâm Vi sinh học và Miễn dịch học Ba Lan nhấn mạnh.

Cách đây không lâu nhóm nghiên cứu do GS. BS Dzierzanowska đã tiến hành nghiên cứu thú vị về thực trạng vệ sinh bàn tay người Ba Lan. Và người ta đã tìm thấy trên tay họ không ít loại vi trùng lẽ ra không thể có tại địa bàn ấy. – Ngoài những chủng vi trùng được tính trong dạng “biên chế chính thức”, còn có không ít chủng loại hoàn toàn xa lạ - nhà khoa học bình luận kết quả xét nghiệm. – Điều đó chứng tỏ: nhiều người không hề rửa tay sau khi ra khỏi toa-lét hoặc thường xuyên động chạm vào những bề mặt bị ô nhiễm nặng.

Những bệnh của bàn tay bẩn

Các nghiên cứu cũng bao gồm cả những địa điểm bàn tay chúng ta động chạm nhiều: tay nắm ghế, tay nắm cửa các phương tiện giao thông công cộng, ô cửa trả tiền tại các nhà ga xe lửa, ô cửa bán vé xe buýt, tiền giấy và tiền xu, ghế băng công viên, phòng chờ nhà ga và các trang thiết bị gia đình.

Kết quả thật bất ngờ: ghế băng công viên, phòng chờ nhà ga và tiền giấy sạch hơn nhiều so với bàn làm bếp. Và ổ vi trùng thuộc đội quân phong phú nhất có nguồn gốc từ “chất thải rắn” và nấm mốc chính là cục điều chỉnh máy thu hình! Bác sĩ nhi khoa Piotr Albrecht không mấy bất ngờ với kết quả nghiên cứu: - Tôi hiếm thấy bà mẹ nào quan tâm lau chùi cục điều chỉnh máy thu hình như lau chùi sàn nhà. Và có bao nhiêu người trong chúng ta tranh thủ đi toa-lét trong lúc tivi chạy chương trình quảng cáo, đã rửa tay - khi trở về chỗ cũ?

Trong khi bàn tay bẩn có thể là nguồn gốc không chỉ các bệnh lây nhiễm thức ăn, mà cả bệnh lây nhiễm hệ hô hấp. – Rửa tay bằng nước ấm và xà phòng trong 20-30 giây loại trừ hiệu quả các bệnh lây nhiễm nguy hiểm – GS. BS Dzierzanowska khẳng định. Song hãy lưu ý, ngón tay nào đeo nhẫn và cổ tay – nơi đeo đồng hồ, vòng xuyến…là vị trí ẩm ướt và ấm áp ưa thích của không ít kẻ thù gây bệnh – vì thế cần cởi bỏ tất cả đồ trang sức, mỗi khi rửa tay. Thêm nữa, cần ghi nhớ lời chuyên gia: cố gắng lau khô tay bằng khăn sạch, bởi vi trùng dễ đậu vào da ẩm ướt hơn so với da khô.

Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814