Quyết tâm giải mối lo về thực phẩm bẩn
Cập nhật: 4/7/2016 | 10:02:55 AM
Cùng với việc siết chặt không để thực phẩm không đảm bảo an toàn thẩm lậu qua tuyến biên giới, vấn đề đảm bảo ATTP được tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt tại tất cả các địa phương.
Siết chặt quản lý
Là địa bàn có đường biên giới dài trên biển và trên bộ, với nhiều đường mòn, lối mở tiếp giáp với Trung Quốc, vấn đề kiểm soát buôn lậu, gian lận thương mại nói chung và thực phẩm thẩm lậu vào nội địa luôn được tỉnh chỉ đạo triển khai quyết liệt.
Đoàn liên ngành ATTP tỉnh kiểm tra và lấy mẫu rau tại Siêu thị Big C Hạ Long, tháng 1-2016. |
Tại địa bàn TP Móng Cái, thời gian qua, liên tiếp nhiều vụ vận chuyển, tập kết hàng hóa thực phẩm nhập lậu đã bị các lực lượng chức năng trên địa bàn bắt giữ, xử lý. Các loại thực phẩm thẩm lậu rất đa dạng về chủng loại, mẫu mã, không rõ nguồn gốc xuất xứ, trong đó có nhiều trường hợp thực phẩm đang trong quá trình phân hủy. Thủ đoạn chủ yếu của các đối tượng là xé lẻ hàng hóa, thuê cửu vạn vận chuyển qua đường mòn, lối mở dọc tuyến biên giới để tập kết rồi tìm cách đưa sâu vào nội địa tiêu thụ. Theo thống kê của Ban Chỉ đạo 389 TP Móng Cái, 6 tháng đầu năm nay, các lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố đã thu giữ gần 30 tấn các loại thực phẩm, như: Bánh kẹo, củ cải, bột gạo, xì dầu, đường, mù tạt; 15 tấn hoa quả, rau củ, củ mã kích; gần 97.000 con thủy cầm (chủ yếu là vịt); 23 tấn thủy, hải sản (chủ yếu là cá quả, mực); gần 5,5 tấn thực phẩm đông lạnh (chân gà, hải sâm, nội tạng động vật); trên 4.300 các loại hóa chất dùng trong nuôi trồng thủy sản, gần 8.000 sản phẩm thuốc tân dược, thuốc thú y. Điển hình như ngày 19-6, tại khu 4, phường Hải Hòa, TP Móng Cái, Đội Kiểm soát liên hợp số 2 thuộc Đội Kiểm soát Hải quan số 1 (Cục Hải quan tỉnh) đã phát hiện, bắt giữ một vụ tập kết 3 tấn chân gà đông lạnh, không xác định được nguồn gốc xuất xứ.
Với sự vào cuộc mạnh mẽ của các lực lượng chức năng và các địa phương tuyến biên giới đã phần nào ngăn chặn các loại thực phẩm bẩn có xuất xứ từ nước ngoài không thể đi sâu vào nội địa.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Cùng với việc siết chặt không để thực phẩm không đảm bảo an toàn thẩm lậu qua tuyến biên giới, vấn đề đảm bảo ATTP được tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt tại tất cả các địa phương. Trong “Tháng hành động vì ATTP” năm 2016 của tỉnh (từ ngày 15-4 đến 15-5) với chủ đề “Tiếp tục sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”, công tác thông tin, tuyên truyền được các cấp, các ngành quan tâm đẩy mạnh bằng nhiều hình thức, từ tuyên truyền tại hội nghị cho đến các chợ. Đã có trên 11.000 lượt phát thanh, truyền thanh, gần 2.000 phóng sự, tin, bài trên Đài PTTH tỉnh, Báo Quảng Ninh; hàng nghìn băng rôn, áp phích, tờ rơi, tập gấp, sổ tay tuyên truyền về ATTP… đến người dân. 6 tháng đầu năm nay, các ngành, đơn vị, địa phương triển khai việc ký cam kết sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn; đã tổ chức cho 474 cơ sở, hộ nông dân ký cam kết đảm bảo ATTP, trong đó có 94 cơ sở trồng trọt, 336 cơ sở chăn nuôi, 44 cơ sở nuôi trồng thuỷ sản. Đầu tháng 6 vừa qua, đại diện Sở Du lịch, Sở Y tế cùng 20 doanh nghiệp du lịch và kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh đã ký cam kết tại lễ phát động “Du lịch Quảng Ninh nói không với thực phẩm không đảm bảo an toàn”. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra được các đoàn liên ngành ATTP tỉnh tiến hành trên phạm vi rộng, có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là rau, thịt và sản phẩm chế biến từ rau, thịt trên địa bàn tỉnh. Riêng trong Tháng hành động vì ATTP năm 2016, toàn tỉnh đã thành lập 236 đoàn thanh tra, kiểm tra gần 8.800 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Qua đó, phát hiện 1.404 cơ sở vi phạm về ATTP (chiếm 16,5%); phạt 234 cơ sở gần 570 triệu đồng; tịch thu, tiêu hủy 81 sản phẩm thực phẩm không đảm bảo an toàn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Hầu hết các vụ việc đều được đưa lên phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh và các địa phương để cảnh báo cho người tiêu dùng biết, lựa chọn và sử dụng thực phẩm an toàn.
Quảng Ninh đang đẩy mạnh triển khai “Năm cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp”. Đặc biệt là thực hiện Chỉ thị 13/CT-TTg “Về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP”, Quảng Ninh đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp từ tuyên truyền, vận động, thanh tra, kiểm tra, ký cam kết với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cho đến việc lấy mẫu giám sát ATTP và xử lý vi phạm về ATTP. Với các giải pháp đồng bộ và quyết tâm cao, tin tưởng rằng, toàn tỉnh sẽ sớm ngăn chặn triệt để tình trạng thực phẩm không an toàn, để thực phẩm khi đến bàn ăn của mỗi gia đình người dân, du khách đều đảm bảo an toàn.
(Nguồn: baoquangninh.com.vn)