Cảnh giác với sát thủ quen mặt

Cập nhật: 5/5/2012 | 7:34:59 PM

Khi thời tiết chuyển sang nắng nóng, vi khuẩn gây bệnh phát triển mạnh, thức ăn dễ bị ôi thiu nên nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao.

Đặc biệt có những ca ngộ độc do ăn phải cá nóc hay trường hợp gần đây một người dân ở phường 5, TP. Vũng Tàu ăn sam biển bị ngộ độc rất nặng. Một số bạn đọc đã gửi mail, gọi điện đến báo Sức khỏe&Đời sống hỏi: Vì sao bị ngộ độc thức ăn? Triệu chứng ngộ độc thức ăn như thế nào? Có phòng tránh được ngộ độc hay không? Bài viết sau đây sẽ giúp bạn đọc trả lời các câu hỏi đó.

Ngộ độc thức ăn hay trúng thực là tình trạng người bị ngộ độc do ăn, uống phải những loại thực phẩm nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc có chứa chất gây ngộ độc hay thức ăn bị biến chất, ôi thiu, có chất bảo quản, phụ gia... Triệu chứng ngộ độc thức ăn chủ yếu gồm: nôn mửa, tiêu chảy, chóng mặt, sốt, đau bụng... Bệnh  không chỉ gây hại cho sức khỏe, có thể dẫn đến tử vong và làm cho con người mệt mỏi về tinh thần.
canh_giac_voi_sat_thu_quen_mat_1
 Vi khuẩn Salmonella ...

Thức ăn bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc, ôi thiu biến chất sẽ gây ngộ độc

Nhiều nghiên cứu cho thấy, thực phẩm bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc là nguồn gây ngộ độc... Các chuyên gia về an toàn vệ sinh thực phẩm nhấn mạnh, ngộ độc thực phẩm mùa hè thường do thức ăn nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng… vì mùa hè nhiệt độ cao thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Đặc biệt, các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật như thịt, cá, trứng sữa là các loại giàu chất đạm, rất dễ trở thành môi trường tốt cho vi khuẩn gây bệnh phát triển, khi đó thức ăn đã biến thành chất độc, có thể gây ngộ độc khi người ăn phải.
 
Mầm bệnh bao gồm cả vi khuẩn, virut, nấm, ký sinh trùng hoặc độc tố, dịch tiết của chúng. Khi thời tiết nắng nóng làm vi khuẩn trong thức ăn phát triển nhanh hơn nên nguy cơ ngộ độc rất cao. Các loại thức ăn có nguy cơ cao gây ngộ độc là: thịt gỏi hay thịt chưa chín kỹ; cá và hải sản như sò, hàu, nghêu, cua, ghẹ… tươi sống hay chưa chín kỹ; trứng gà chưa nấu chín kỹ; các món gỏi; các loại rau sống như rau muống, xà lách, rau má, rau thơm như húng, ngò mùi… nước trái cây chưa được tiệt khuẩn; sữa và các sản phẩm từ sữa chưa qua tiệt khuẩn; các loại trái cây không phải bóc vỏ khi ăn như ổi, táo, mận, mơ...

Ở Việt Nam, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm hay xảy ra ở bếp ăn tập thể, tiệc cưới, liên hoan, sinh nhật… Theo một thống kê năm 2008, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 250 - 500 ca ngộ độc thực phẩm với 7.000 - 10.000 nạn nhân và 100 - 200 ca tử vong. Mới đây (ngày 14/4) đã có 300 người ăn cỗ cưới ở bản Hùn, xã Chiềng Cọ, TP. Sơn La bị ngộ độc phải nhập viện cấp cứu. 

Một số thể ngộ độc thức ăn thường gặp

Ngộ độc thức ăn do vi khuẩn Salmonella: hay gặp trong các vụ ngộ độc tại bếp ăn tập thể như ở trường học, cơ quan, các buổi liên hoan, lễ cưới... Do khả năng gây bệnh của vi khuẩn này yếu nên để gây bệnh thường phải có một lượng lớn thức ăn. Ngộ độc xảy ra trong vòng vài giờ đến một ngày sau khi ăn thực phẩm bị nhiễm mầm bệnh. Người bị ngộ độc có các triệu chứng: đau bụng, nôn, tiêu chảy, toàn thân bị lạnh rồi sốt, suy nhược cơ thể. Nếu không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Điểm cần chú ý là khi bị nhiễm Salmonella, mùi vị thức ăn không hề thay đổi nên rất khó phát hiện. Thức ăn dễ nhiễm vi khuẩn Salmonella gồm thịt gia súc, gia cầm, trứng, sữa, sò, ốc, cá, thịt băm nhuyễn, trong đó trứng gà và gan gà dễ bị nhiễm vi khuẩn này hơn cả.

Ngộ độc thức ăn do vi khuẩn E.coli, thường là hậu quả của việc ăn uống mất vệ sinh. Từ phân người và động vật, vi khuẩn E.coli thường nhiễm vào đất, nước… Sau khi ăn phải thức ăn bị nhiễm khuẩn này, thời gian ủ bệnh từ 2-20 giờ. Người bị ngộ độc thấy đau bụng dữ dội, đi phân lỏng nhiều lần trong ngày, ít khi nôn mửa. Có thể hơi sốt. Trường hợp nặng bệnh nhân có thể sốt cao, người mỏi mệt, chân tay co quắp đổ mồ hôi.

Ngộ độc do thức ăn bị ôi thiu biến chất. Thường gặp khi người ăn những loại thức ăn có nguồn gốc từ động vật, thức ăn chưa được nấu chín kỹ, các món gỏi, rau sống chưa được rửa sạch, thức ăn ôi thiu, ươn, bị bốc mùi… Sau khi ăn vài giờ, người ngộ độc có dấu hiệu choáng váng, đau bụng, tiêu chảy, nóng bừng mặt, ngứa ngáy ở cổ và mặt, chảy nước mắt.

Xử lý sơ cấp cứu

Nghĩ đến ngộ độc thức ăn phải có căn cứ là tình trạng xảy ra liên quan đến ăn, uống. Nếu bữa ăn nhiều người cùng ăn thì việc có từ 2 người trở lên cùng ăn thức ăn giống nhau, cùng bị bệnh và có triệu chứng giống nhau giúp ta khẳng định chẩn đoán. Khi nhận thấy các triệu chứng ngộ độc nói trên cần làm cho chất độc thoát ra ngoài càng nhanh càng tốt. Bạn có thể kích thích cổ họng để nôn hết thức ăn ra ngoài. Người bị ngộ độc mất rất nhiều nước, nên cần phải bổ sung kịp thời, tốt nhất là uống dung dịch oresol, nước cháo, nước cam, nước dừa sau mỗi lần nôn hay đi ngoài. Trường hợp ngộ độc nặng, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi cấp cứu khẩn cấp. Chú ý lưu mẫu phân, dịch nôn, thức ăn để cơ quan chuyên môn tiến hành xét nghiệm tìm nguyên nhân.

canh_giac_voi_sat_thu_quen_mat_2
... gây ngộ độc thức ăn.

Cách phòng tránh ngộ độc

Phòng tránh ngộ độc thức ăn phải gồm nhiều khâu: lựa chọn thực phẩm tươi ngon. Chú ý khi mua thực phẩm cần chọn thực phẩm tươi sống, tránh dùng thực phẩm kém chất lượng, ôi thiu, ươn thối... Không dùng thực phẩm đã hết hạn sử dụng. Nếu thực phẩm có mùi hôi, nên hủy bỏ. Đảm bảo vệ sinh trong quá trình giết mổ, chế biến thức ăn. Đối với dụng cụ chế biến cần rửa lần đầu bằng xà phòng với nước ấm 45-500C, rửa lại lần hai bằng nước ấm. Rửa tay trước khi tiếp xúc với thực phẩm và thường xuyên giữ sạch tay trong quá trình chế biến, rửa tay sau khi đi vệ sinh.
 
Phải rửa tay trước và sau khi chuẩn bị món ăn để ngăn ngừa sự lây lan các vi khuẩn gây bệnh qua đường ăn uống. Bảo quản thực phẩm chưa chế biến bằng phương pháp đông lạnh, ướp muối... Thực phẩm sau khi mua khoảng 2 giờ tại cửa hàng hay siêu thị cần được bảo quản lạnh. Ở nhiệt độ phòng (khoảng 320C), trong vòng 1 giờ thì các loại thịt nên được bảo quản trong tủ lạnh. Thịt, cá, hải sản có thể dự trữ trong ngăn đá của tủ lạnh khoảng 2 ngày.
 
Thịt bò, thịt bê, thịt cừu thì có thể giữ được 3 - 5 ngày. Các loại thực phẩm cần được nấu chín trước khi ăn để tiêu diệt vi khuẩn, loại trừ nguy cơ bị ngộ độc. Chỉ ăn, uống thực phẩm đã chín kỹ. Nên ăn ngay sau khi thức ăn được nấu chín. Nếu phải đợi thực khách, thức ăn đã chế biến xong cần đậy bằng lồng bàn, cất trong tủ để tránh ruồi nhặng, thạch sùng, gián... làm nhiễm bẩn.

Khi đi du lịch, dã ngoại, phải ăn ở hàng quán dọc đường thì cần chú ý không ăn ở những quán ẩm thấp, bụi bẩn, bàn ghế, bát đũa không sạch sẽ. Khi vào quán nên quan sát khu bếp, khu chế biến và nơi bảo quản thực phẩm có đảm bảo vệ sinh, an toàn hay không. Nếu muốn thử một món lạ, nên hỏi rõ thành phần của món ăn, tránh những thứ có thể gây ngộ độc, chọn món còn nóng. Yêu cầu đổi nếu bạn nhận thấy thức ăn cũ hay nguội. Không nên gọi món sống hoặc tái, các món rau trộn. Dùng đồ uống của nhà sản xuất có uy tín, nhớ xem kỹ hạn sử dụng trước khi dùng. Nên cảnh giác với các loại “rượu dân tộc”, rượu ngâm thuốc bắc, đồ uống tự chế vì không đảm bảo vệ sinh và dễ gây hại cho sức khỏe.


(Nguồn: Sức khỏe và đời sống)

In bản tin