Hãi hùng rau muống... bẩn
Dù luôn là một trong những dòng sông bị ô nhiễm nặng nề nhất nhưng hàng ngày vẫn có hàng nghìn mớ rau muống cung cấp cho Thủ đô Hà Nội được trồng và hái, rửa trên sông Đáy. Hàng chục năm nay, dọc hai bên bờ sông Đáy, đoạn qua khu vực cầu Mai Lĩnh (Đồng Mai, Hà Đông, Hà Nội), rất nhiều người vẫn đang ngày đêm mưu sinh, kiếm sống bằng những bè rau muống trên dòng sông ô nhiễm này.
Trồng “rau sạch” nhưng... không dám ăn
Tay đang thoăn thoắt đưa liềm cắt những ngọn rau muống xanh non mơn mởn, bác Nguyễn Thị Thái ở Đồng Mai, Hà Đông, Hà Nội cho biết: “Gia đình tôi đã có hơn chục năm trồng và thu hái rau muống trên đoạn sông này. Mỗi ngày vài nhà chúng tôi cũng phải hái được trên nghìn mớ rau muống như thế này để đem bán”.
Mỗi buổi, trung bình một người dân trồng rau ở đây có thể hái được vài trăm mớ rau muống để đem bán. |
Cùng làm với gia đình bác còn có hơn chục hộ dân khác cũng đang sống chủ yếu bằng nghề thả và hái rau muống trên sông. Phần lớn các hộ dân sống bằng nghề trồng và hái rau muống bè dọc hai bên dòng sông Đáy đoạn qua cầu Mai Lĩnh thuộc hai phường Đồng Mai và Biên Giang chỉ cần bỏ một chút công sức để căng dây, kéo bè làm nơi cho rau muống mọc và hoàn toàn không cần chăm sóc, bón phân mà rau vẫn cứ xanh tốt.
Chị Lê Thị Hà (phường Biên Giang, có 3 bè rau muống) cho biết: “Cùng lắm là sau khi hái vài ngày, lúc rau muống đang lên mầm, chỉ cần vẩy cho tí nước dưới sông rồi “đánh” (phun) cho bình thuốc sâu là chả cần phân gio, chăm bón gì mà rau cứ xanh mơn mởn. Mỗi tháng thu được hai lứa, bỏ rẻ cũng được 4-5 triệu, thả rau muống bè như chúng tôi được cái sướng và nhàn ở chố đấy”.
Thuê một chiếc thuyền chuyên sử dụng để hái rau muống đem bán của một người dân địa phương đi dọc theo dòng chảy của sông Đáy hơn 2km, chỉ bằng mắt và các giác quan thông thường, chúng tôi cũng nhận thấy nước sông đang bị ô nhiễm nghiêm trọng với đủ thứ rác thải sinh hoạt nổi lều phều cùng các cống, rãnh nước thải đen ngòm hai bên triền sông của người dân trực tiếp thải xuống. Chỉ thoáng nhìn qua cũng dễ dàng nhận thấy nước sông Đáy nhiều khúc màu xanh đen, có váng, cặn lắng và có mùi tanh hôi đủ cho thấy mức độ ô nhiễm trên tầng nước mặt của nhiều đoạn sông mà người dân sử dụng để trồng và tưới lên các bè rau muống thả trên sông lớn đến mức nào.
Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết hầu hết người dân có các bè rau muống trên sông tiêu thụ rau trồng được bằng cách bán cho các lái buôn đem đi đổ mối tại các chợ nông sản lớn ở Hà Nội như chợ Long Biên (Long Biên), chợ Ngã Tư Sở (Đống Đa), chợ Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy), chợ phía Nam (Hoàng Mai)…
Không chỉ được đem đi đổ mối mà những “vựa” cung cấp rau muống sông còn cung cấp một lượng lớn rau cho các chợ nông sản của những huyện ngoại thành như chợ Vồi (Thường Tín), chợ Nghệ (Sơn Tây), chợ Chiều (Chương Mỹ). “Rau cứ hái cả ngày rồi chở bằng thuyền lên bờ, cứ tầm 4-5 giờ chiều là lái buôn đánh xe tải đến mua. Mỗi mớ rau như vậy chúng tôi bán buôn với giá 2 nghìn đồng/mớ.
Tại đây, rau muống sẽ được rửa trực tiếp dưới dòng nước đen ngòm đầy rác rưởi. |
Độc hại đến mức nào?
Theo tổng hợp của Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương, hiện nay, trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy có các nguồn thải chính gồm 8 khu công nghiệp và cụm công nghiệp (KCN và CCN) với trên 157 dự án và cơ sở đang hoạt động, 266 cơ sở ngoài KCN và CCN, 358 làng nghề và các nguồn nước thải phát sinh từ sinh hoạt của các đô thị, khu dân cư, du lịch, thương mại, khách sạn, nhà hàng; nước thải của các cơ sở y tế; nước thải của các cơ sở công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp quy mô nhỏ; nước thải từ nông nghiệp; nước thải từ các hoạt động giao thông thủy... chưa được thu gom, xử lý.
Lượng nước thải sinh hoạt đổ vào sông Nhuệ - Đáy mỗi năm đều tăng do tốc độ phát triển đô thị cao, nước thải của hàng trăm làng nghề phát sinh khối lượng lớn. Đáng chú ý, đến nay, nhiều KCN, CCN, khu đô thị không có hệ thống thu gom xử lý nước thải tập trung, không thực hiện đầy đủ các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), bản cam kết bảo vệ môi trường.
Khoảng tầm 4–5 giờ chiều là có xe tải xuống tận bờ sông để lấy hàng hóa đem đi phân phối tại các chợ trên địa bàn Thủ đô. |
Kết quả quan trắc của Trung tâm Quan trắc Môi trường (Bộ Tài nguyên & Môi trường) mới nhất cho thấy mức độ ô nhiễm sông Đáy qua khu vực Mai Lĩnh, Hà Đông, Hà Nội: hàm lượng coliform vượt từ 38,9 - 51,86 lần, NH
4+ vượt từ 4,2 - 8,4 lần. Khu vực Cửa Đáy (Ninh Bình), hàm lượng coliform vượt từ 3,36 - 4,5 lần, NH
4+< 0,1 lần.
Nhiều nơi, chất lượng nước suy giảm mạnh, nhiều chỉ tiêu như BOD5, COD, NH4, SS cùng các chất dinh dưỡng chứa nitơ, phốt pho, coliform. Bên cạnh đó là mức độ ô nhiễm chất hữu cơ, chất rắn độc hại lơ lửng trong nước sử dụng để trồng và tưới rau như chì, cadimi, đồng, asen, thủy ngân… đo được trong nước đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép nhiều lần.
Trong khi đó, đánh giá của các chuyên gia y tế cho biết, việc tưới tiêu hoặc làm tươi rau với nước bị nhiễm bẩn là con đường chính khiến rau bị nhiễm các vi sinh vật lây truyền qua thực phẩm. Hàm lượng coliform trong nước tưới rau ở ruộng nước thải của vùng ven đô Hà Nội thường cao hơn ở những ruộng không dùng nước thải và đều vượt quá giới hạn của Tổ chức Y tế Thế giới đối với nước tưới tiêu.
Một kết quả nghiên cứu mới đây cho thấy, rau muống là loại có sinh khối lớn, năng suất cao, hút chất dinh dưỡng rất lớn từ đất và nước. Do vậy, về nguyên lý, nước sông có chất gì thì trong rau trồng trên đoạn sông đó cũng sẽ có chất ấy và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng rau muống trồng trên sông. Nếu rau chỉ bị nhiễm vi sinh thì mức độ ảnh hưởng nhẹ.
Tuy nhiên, nếu nước sông bị ô nhiễm hóa chất và kim loại nặng thì vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn nhiều bởi rau muống trồng trong nước, rễ rau sẽ hút thức ăn từ nước sông đó. Nếu nước tồn dư hóa chất và kim loại nặng thì các chất ô nhiễm này sẽ xâm nhập vào tế bào mô và tồn tại trong đó. Thời gian rau muống trồng trên nước bẩn càng lâu thì mức hấp thụ các chất bẩn, hóa chất độc hại càng lớn.
* Ông Trần Khắc Thi - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả TW: Rau trồng trên sông đang bị ô nhiễm nặng như sông Nhuệ, sông Đáy, thì lượng kim loại nặng, hóa chất, vi sinh vật chứa trong rau càng lớn. Người ăn phải rau muống có hàm lượng các chất như NH4, COD, BOD vượt quá nhiều lần mức cho phép sẽ gây rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, buồn nôn, ảnh hưởng đến tim mạch, não... * GS.TS. Nguyễn Văn Vụ, nguyên Trưởng khoa Sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên: Màu xanh của cây về nguyên lý là tốt cho sức khỏe người dùng. Tuy nhiên, rau xanh quá cần chú ý đến điều kiện trồng rau. Bởi nếu rau được trồng ở các nơi có nguồn nước bẩn hay nhiều chất hữu cơ như kênh rạch, nguồn nước thải từ nhà máy... thường có màu xanh đậm hơn các loại rau trồng trong điều kiện bình thường. Hơn nữa, rễ cây rau muống lấy chất tốt nên khi trồng chỗ nước bẩn rau sẽ tươi tốt hơn, thân cây và lá to, màu xanh đậm, trông bề ngoài rất hấp dẫn. Tuy nhiên, khi cây chưa chuyển hóa hết các chất hữu cơ, rau dễ bị nhiễm các chất kim loại nặng và nitrat. Sự dư thừa các chất này không những có hại cho cây mà còn gây nguy cơ ung thư cho người ăn rất cao. * Theo các chuyên gia, người tiêu dùng nên chọn rau muống có độ tốt vừa phải, thân nhỏ, lá nhỏ, màu xanh bình thường vì loại rau này có vừa đủ chất hữu cơ hơn, nhìn chung sẽ an toàn cho người ăn. Ngoài ra, trước khi nấu nên rửa nhiều lần bằng nước sạch và ngâm rau trong nước sạch khoảng vài giờ đồng hồ để giảm nồng độ các chất hóa học còn bám dính. |