Bổ sung i-ốt từ thực phẩm

Cập nhật: 19/8/2012 | 10:03:23 AM

Cơ thể thiếu i-ốt dễ dẫn đến bướu cổ, giảm sút trí nhớ nhưng nếu nạp quá nhiều, sẽ xảy ra hội chứng cường giáp, hay gặp nhất là bệnh Grave và cả u tuyến độc giáp, viêm tuyến giáp

Mới đây, báo chí đã thông tin về việc 2 sản phẩm sữa của Nhật Bản sản xuất cho trẻ em bán phổ biến ở Việt Nam bị chính quyền Hồng Kông - Trung Quốc yêu cầu thu hồi do thiếu i-ốt.

Trẻ em, thai phụ dễ thiếu i-ốt

Vì sao chính quyền Hồng Kông lại quan tâm đến việc thiếu hay thừa thành phần i-ốt trong sữa cho trẻ em? Bởi lẽ, đây là một vi chất quan trọng để tuyến giáp tổng hợp các hormone điều chỉnh quá trình phát triển của hệ thần kinh trung ương, phát triển hệ sinh dục và các bộ phận trong cơ thể (tim mạch, hệ tiêu hóa, da, lông, tóc, móng...), đồng thời duy trì năng lượng cho cơ thể hoạt động. Khi cơ thể thiếu i-ốt sẽ dẫn đến bướu cổ và giảm sút trí nhớ.


Cá biển là thực phẩm chứa hàm lượng i-ốt cao. Ảnh: XUÂN THẢO

Trẻ em và phụ nữ mang thai là những đối tượng rất dễ bị thiếu i-ốt do nhu cầu tăng cao. Thai phụ thiếu i-ốt dễ xảy ra sẩy thai, thai chết lưu hoặc sinh non, nếu thiếu nặng thì trẻ sinh ra sẽ dễ đần độn, câm, điếc và các dị tật bẩm sinh khác.

Chính vì i-ốt quan trọng đối với sức khỏe nên từ nhiều năm qua, Nhà nước ta đã quan tâm đến các chương trình phòng chống thiếu i-ốt. Chương trình quốc gia phòng chống các rối loạn thiếu i-ốt đã công bố thanh toán tình trạng thiếu i-ốt từ năm 2005. Tuy nhiên hiện nay, số hộ gia đình sử dụng muối i-ốt giảm nên nguy cơ thiếu hụt chất này đang quay lại. Theo một khảo sát của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, vì thiếu i-ốt nên tỉ lệ mắc bướu cổ của người dân ở khu vực miền núi phía Bắc là 38%, miền núi Trung Bộ 27% và Tây Nguyên 29%.

I-ốt rất cần cho cơ thể nhưng không phải được nạp càng nhiều càng tốt. Khoa học  đã chứng minh rằng nếu cơ thể được nạp quá nhiều i-ốt  sẽ xảy ra hội chứng cường giáp, hay gặp nhất là bệnh Grave và cả u tuyến độc giáp, viêm tuyến giáp. Ngoài ra, để tránh nguy cơ xơ vữa động mạch và tăng huyết áp, những bệnh nhân tim và thận được khuyến cáo nên hạn chế sử dụng nhiều i-ốt; người bị bệnh cường tuyến giáp không nên dùng i-ốt vì nguy cơ lồi mắt, run tay sẽ nhiều hơn.

Nhiều thực phẩm giàu i-ốt

Theo các nhà chuyên môn, cơ thể chúng ta chỉ cần khoảng 150 mcg i-ốt/ngày đối với người trưởng thành, 175 mcg cho phụ nữ có thai và 200 mcg cho bà mẹ nuôi con bú.

Với mức độ đó, ngoài việc sử dụng muối i-ốt theo khuyến cáo của ngành y tế, chúng ta nên lưu ý đến các loại thực phẩm giàu chất này. Việc bổ sung qua đường thực phẩm dĩ nhiên sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.  

Lượng i-ốt có trong 100 g của một số loại thực phẩm đã được xác định như sau: Nước mắm: 950 mcg, muối i-ốt: 555 mcg, cá trích: 52 mcg, rau dền: 50 mcg, rau cải xoong: 45 mcg, cá thu: 45 mcg, nấm mỡ: 18 mcg, súp lơ: 12 mcg, khoai tây: 4,5 mcg... Các loại cá biển và động vật vỏ cứng ở biển, trứng, sữa... cũng chứa hàm lượng i-ốt cao, xếp sau đó là các loại thịt.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, i-ốt trong muối biển rất cao nhưng muối biển tinh chế thì hàm lượng lại thấp. Nếu một người trưởng thành chỉ nạp 10 g muối tinh chế/ngày vào cơ thể thì khó đáp ứng nhu cầu phòng tránh thiếu i-ốt.


(Nguồn: nld.com.vn)

In bản tin