Ngộ độc củ ấu tàu - Nguy hiểm tới tính mạng
Cập nhật: 9/10/2012 | 9:31:30 PM
Củ ấu tàu thường được dùng trong Đông y làm rượu thuốc để xoa bóp chữa các chứng đau, tê, nhức, mỏi. Tuy nhiên, trong thành phần của nó chứa aconitin là một chất rất độc. Ngộ độc củ ấu tàu hay gặp trong trường hợp bệnh nhân tự tiện dùng thuốc mà không theo chỉ định của thầy thuốc có kinh nghiệm, một số tình huống hay gặp trên thực tế là: uống nhầm rượu xoa bóp có ngâm ấu tàu, chế biến món ăn (cháo ấu tàu, thịt hầm ấu tàu) không đúng cách… Nếu không biết cách cấp cứu, có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Sử dụng thuốc có thành phần củ ấu tàu phải theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc. |
Củ ấu gây độc thế nào?
Aconitin rất độc với cơ tim, chất này thúc đẩy màng tế bào khử cực hóa, tăng nhanh nhịp đập, rút ngắn giai đoạn trơ. Cơ chế tác động của nó dựa trên sự gia tăng thẩm thấu của các ion Na+ qua các màng ngăn, làm chậm lại quá trình ưu phân cực. Ngộ độc aconitin biểu hiện trên điện tâm đồ đầu tiên làm giảm nhịp tim, sau đó dẫn truyền nhĩ - thất bị phong bế, xuất hiện ngoại tâm thu, nhịp nhanh thất, rung thất, cuối cùng tim ngừng đập. Nguyên nhân có thể là do tính hưng phấn của cơ tim tăng cao.
Trên hệ thần kinh, nó gây ức chế dẫn truyền các xung thần kinh làm dây thần kinh tê liệt, mất khả năng dẫn truyền. Đối với các tận cùng thần kinh cảm giác trong da và niêm mạc, giai đoạn đầu với liều lượng thấp kích thích gây ngứa, với liều cao hơn có cảm giác nóng bỏng, sau đó mất cảm giác, tê dại. Ngoài ra, aconitin còn ức chế trung tâm hô hấp.
Triệu chứng ngộ độc ấu tàu
Trong trường hợp uống nhầm rượu ngâm củ ấu tàu hoặc bệnh nhân tự ý dùng thuốc có chứa aconitin… aconitin ngấm rất nhanh qua da và niêm mạc dạ dày, ruột để vào máu gây nên các triệu chứng: đầu tiên là các rối loạn cảm giác tại chỗ, cảm giác kiến bò ở lưỡi rồi mất hết cảm giác dẫn tới tê môi, lưỡi, họng và mặt, đôi khi gây cảm giác như đầu to ra; các chi cũng có thể mất cảm giác.
Các triệu chứng khác thường gặp là: cảm thấy lo sợ, khó chịu, buồn bã chân tay, tiếp theo là các rối loạn thần kinh thực vật: buồn nôn, nôn mửa, vã mồ hôi, chảy nước dãi, co giật thớ cơ, có thể ngất, hạ thân nhiệt. Rối loạn hô hấp: khó thở, nhịp thở chậm, tình trạng tăng tiết gây ứ đọng khí phế quản, ngừng thở. Rối loạn nhịp tim là triệu chứng hay gặp và thường nặng, có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời và đúng cách, các rối loạn nhịp là: nhịp xoang chậm, ngoại tâm thu thất một ổ, rồi nhiều ổ, bloc nhĩ thất, cuối cùng là cơn nhịp nhanh thất, rung thất. Nguy cơ gây tử vong chủ yếu là các loạn nhịp tim và suy hô hấp diễn biến từ vài phút đến vài giờ.
Xử trí thế nào?
Khi xác định có biểu hiện ngộ độc củ ấu tàu, bệnh nhân cần được xử trí cơ bản như các trường hợp ngộ độc khác, đầu tiên có thể gây nôn, cho uống than hoạt nếu người bệnh còn tỉnh, sau đó nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Tuyệt đối không để người bị ngộ độc ở nhà để tự theo dõi và điều trị vì bệnh nhân có thể tử vong nhanh chóng do suy hô hấp hoặc loạn nhịp tim.
Tại bệnh viện, cần rửa dạ dày nếu bệnh nhân đến sớm, sau đó cho uống than hoạt kèm sorbitol để hạn chế hấp thu và loại trừ chất độc qua đường tiêu hóa. Các điều trị hồi sức khác cần phối hợp như hút đờm dãi, thở ôxy, đặt ống nội khí quản, thở máy với chế độ thích hợp; bù dịch và điều chỉnh các chất điện giải; theo dõi nhịp tim bằng monitor và xử trí loạn nhịp tùy theo kiểu loạn nhịp; rối loạn nhịp hay gặp nhất là ngoại tâm thu thất, điều trị bằng lidocain với liều bolus 2mg/kg cân nặng, sau đó duy trì 2mg/kg/giờ hoặc tùy tình trạng đáp ứng sau đó điều chỉnh liều cho thích hợp; xem xét đặt máy tạo nhịp tim cấp cứu nếu có chỉ định.
Phòng tránh có khó không?
Vì củ ấu tàu rất độc nên người dân tuyệt đối không tự ý sử dụng. Khi dùng các chế phẩm thuốc có thành phần là củ ấu tàu phải hết sức thận trọng và theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc có kinh nghiệm. Không tự chế biến củ ấu tàu làm thức ăn. Các loại rượu ngâm ấu tàu dùng để xoa bóp phải dán nhãn rõ ràng, cất giữ nơi an toàn, xa tầm tay trẻ em và để tránh nhầm lẫn khi sử dụng. Khi có biểu hiện ngộ độc cần nhanh chóng xử trí cấp cứu ban đầu, sau đó đưa bệnh nhân tới bệnh viện nơi có khả năng cấp cứu, chống độc hoặc trung tâm chống độc để xử trí kịp thời.
(Nguồn: Sức khỏe& Đời sống)