Những nguy hiểm tiềm ẩn khi sử dụng dầu chiên đi chiên lại
Cập nhật: 22/7/2013 | 10:30:40 AM
Sử dụng dầu chiên đi chiên lại, quá hạn chế chất béo trong khẩu phần... là một số sai lầm dẫn đến những bệnh lý nguy hiểm. Ông Lê Văn Nhân, Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM chia sẻ với độc giả cách chọn và dùng dầu ăn hợp lý, có lợi cho sức khỏe.
* Thưa ông, hiện nay nhiều người có tâm lý sợ chất béo vì nghĩ nó là nguyên nhân dẫn đến bệnh tim mạch, thừa cân, béo phì... ông nghĩ sao về điều này?
- Ông Lê Văn Nhân: Chất béo được xem là nguồn cung cấp năng lượng quan trọng cho cơ thể, là dung môi hòa tan các loại vitamin tan trong dầu A, D, E, K và là thành phần chính cấu tạo nên tế bào thần kinh, màng tế bào và các mô trong cơ thể.
Tại Việt Nam, quan niệm cắt giảm tối đa lượng chất béo trong phần ăn hằng ngày là không đúng vì họ nghĩ cứ chất béo là nguyên nhân gây thừa cân, béo phì, bệnh tim mạch. Thực tế, những bệnh thừa cân, béo phì, là do dùng nhiều tinh bột và đường. Để giảm cân thì cần giảm lượng bột đường, ăn nhiều rau xanh, tập thể dục đúng cách, uống nhiều nước, tinh thần thoải mái... và tất nhiên là dùng dầu ăn vừa đủ.
|
* Vậy dùng chất béo bao nhiêu là vừa đủ và tốt cho sức khỏe, thưa ông?
- Lượng chất béo bổ sung cho cơ thể theo từng giai đoạn không giống nhau và giảm dần theo độ tuổi. Trẻ em cần 60% lượng chất béo trong khẩu phần hằng ngày, còn người lớn chỉ cần từ 20 - 30%.
* Không ít người dân hiện nay có thói quen dùng dầu chiên đi chiên lại để tiết kiệm. Xin ông cho biết cách dùng đó nguy hại như thế nào đối với sức khỏe?
- Sự chiên rán quá lâu và quá lửa sẽ làm cháy xém một lượng nhỏ dầu ăn, tạo ra các hợp chất ô xy hóa dở dang chứa carbon nguy hiểm, có hại cho cơ thể là thủ phạm gây ra ung thư, kích ứng niêm mạc, rối loạn nội tiết, tiểu đường và tim mạch. Ngoài ra, dầu tái sử dụng còn làm thay đổi mùi và vị thức ăn, tạo mùi khét và vị hơi đắng.
* Thị trường hiện nay có quá nhiều sản phẩm bổ sung chất béo, xin ông tư vấn cách chọn loại tốt và an toàn cho sức khỏe?
- Về cơ bản chất béo mà chúng ta dùng hằng ngày có từ 2 nguồn chính là chất béo từ thực vật (dầu thực vật) và chất béo từ động vật (mỡ động vật). Hiện nay theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng thì nên hạn chế ăn các chất béo từ mỡ động vật và thay thế bằng các chất béo từ thực vật (dầu thực vật). Dầu ăn thực vật có thể được điều chế từ nhiều nguồn: dầu đậu nành, dầu đậu phộng, dầu hạt cải, dầu hướng dương, dầu ô liu, dầu ô lê in, đặc biệt là dầu gạo.
* Dầu gạo, loại dầu này vẫn còn khá mới ở Việt Nam. Thực tế, cơ chế chế biến cũng như tác dụng của loại dầu này như thế nào, thưa ông?
- Dầu gạo được chiết xuất từ lớp vỏ cám và mầm gạo của hạt gạo (chiếm khoảng 8% thành phần hạt gạo), là nơi lưu giữ nhiều nhất các vitamin, đặc biệt là dưỡng chất vàng Gamma Oryzanol vốn chỉ được tìm thấy trong dầu gạo. Gamma Oryzanol có tác dụng ngăn chặn, làm chậm tiến trình lão hóa, bảo vệ sức khỏe ổn định, bền vững, cải thiện vẻ đẹp làn da, giảm cholesterol xấu trong máu và phòng ngừa các bệnh liên quan đến vấn đề tim mạch.
* Xin ông tư vấn cách dùng dầu ăn đúng cách, tốt cho sức khỏe?
- Trong quá trình sử dụng, nên để dầu ăn ở những nơi thoáng mát, khô ráo, không để ở nơi quá nóng, tránh ánh sáng và đậy kín chai sau mỗi lần sử dụng. Ngoài ra, người nội trợ cần lưu ý: dầu sử dụng cho chiên rán, nếu còn thừa thì tốt nhất nên bỏ đi. Khi chọn lựa các loại dầu cho gia đình, người dân nên tìm hiểu rõ nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Bạn cũng cần xem kỹ nhãn sản phẩm với các yếu tố: tên sản phẩm, tên và địa chỉ của nhà sản xuất, hạn sử dụng, thành phần của sản phẩm, cách dùng, cách bảo quản… để chọn được loại phù hợp
(Nguồn: thanhnien.com.vn)