Bí quyết tránh ngộ độc thực phẩm

Cập nhật: 29/7/2013 | 7:50:06 AM

Ai trong chúng ta ít nhất cũng đã bị nhiễm độc thực phẩm, người nhẹ thì tự khỏi, người nặng phải đi bệnh viện. Vì thế, ngộ độc thực phẩm là nỗi ám ảnh của rất nhiều người. Khi bị ngộ độc thực phẩm, người bệnh không chỉ tốn tiền chạy chữa mà còn gây tổn hại cho sức khỏe, thậm chí là tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.


Đâu là nguyên nhân?

Nhiễm vi sinh vật: Nguyên nhân này chiếm từ 33 - 49% các ca ngộ độc thực phẩm các ca ngộ độc thực phẩm. Vi sinh vật gây bệnh chủ yếu là các chủng Salmonella, E.Coli, Clostridium Perfringens, Listeria. Trong số các chủng này, vi khuẩn Salmonella (có trong thịt, nghêu, sò, gà chưa nấu chín, sữa sống, trứng sống...) là nguyên nhân của 70% vụ ngộ độc. Khuẩn Listeria (trong thịt ướp lạnh, chế phẩm sữa chưa tiệt trùng, thịt nguội...) ít gặp hơn nhưng lại khá nguy hiểm bởi chúng vẫn phát triển ngay cả ở nhiệt độ thấp (4-6oC); khuẩn Clostridium Perfringens hay phát sinh trong các món được nấu nướng và hâm nóng.

Nhiễm hóa chất: Chiếm từ 11 - 27%. Các hóa chất thường có mặt trong thực phẩm này là chất bảo quản thực phẩm, chất bảo vệ thực vật. 

Độc tố tự nhiên trong thực phẩm: Chỉ chiếm từ 6 - 37,5% ca ngộ độc, nhưng lại rất nguy hiểm cho sức khỏe vì dễ dẫn đến sốc phản vệ và tử vong, như trường hợp ăn phải nấm độc hay cá nóc là ví dụ. Rất nhiều thực phẩm ẩn chứa đằng sau sự tươi ngon là liều thuốc độc hại cho sức khỏe. Chẳng hạn, măng tươi chứa chất xyanua (CN) có thể gây tử vong ở liều 50-90mg/kg; măng chua acid cyanhydric (HCN) có thể gây ngộ độc cấp tính; khoai tây mọc mầm hay khi vỏ đã chuyển sang màu xanh chứa ancaloid có thể gây ngộ độc cấp tính... Đặc biệt, do thời tiết nóng ẩm của nước ta nên nấm mốc trong thực phẩm có điều kiện phát triển rất nhanh. Không chỉ gây hỏng thực phẩm, nấm mốc còn sản sinh ra các độc tố nguy hiểm có thể gây ung thư gan.

Ngoài các nguyên nhân trên, có rất nhiều trường hợp ngộ độc thực phẩm không thể xác định được nguyên nhân.

Tác hại khi dùng thực phẩm nhiễm bẩn

Các triệu chứng đầu tiên của ngộ độc cấp tính thực phẩm là đau bụng, nôn mửa và tiêu chảy. Nặng hơn thì kèm theo các biểu hiện trên là rối loạn cảm giác, nhức đầu, mệt lả, hôn mê, liệt chi; thay đổi huyết áp, bí tiểu... Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân rất dễ bị tai biến suy tuần hoàn cấp hay trụy tim mạch và tử vong.

Trong trường hợp bị nhiễm độc do kí sinh trùng hoặc do các chất độc chưa đủ mạnh... thì các triệu chứng sẽ diễn ra chậm hơn. Sự nhiễm độc đó được gọi chung là nhiễm độc tiềm ẩn. Nếu bị nhiễm liên tục có thể sau một thời gian sẽ dẫn đến ung thư, các rối loạn chức năng không rõ nguyên nhân, vô sinh, quái thai...

Ngoài ra, còn có những người bị ngộ độc mạn tính do di chứng của ngộ độc cấp hoặc do hậu quả của nhiễm độc tiềm ẩn. Bệnh nhân dạng này có biểu hiện phát bệnh lặp lại thường xuyên hoặc theo chu kỳ. Bệnh thường khó chữa hoặc không chữa khỏi.

Điều nguy hại của ngộ độc thực phẩm dù ở thể nào cũng làm tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân được cấp cứu kịp thời và chữa trị tốt thì thời gian hồi phục cũng rất lâu. Những trường hợp ngộ độc cấp rất nặng, ngộ độc cấp không được cứu chữa kịp thời hoặc hậu quả của nhiễm độc tiềm ẩn kéo dài dẫn đến bệnh hiểm nghèo... chắc chắn sẽ tử vong.

Điều cần làm để có bữa ăn sạch

Sử dụng nước sạch và thực phẩm tươi. Đây là các thực phẩm có độ an toàn cao nhất, vì thế, khi chọn thực phẩm, cần lựa chọn thực phẩm tươi và nguyên vẹn, đã được tiệt khuẩn. Dùng nước sạch để xử lí thực phẩm. Không sử dụng thực phẩm đã hết hạn sử dụng.

Vệ sinh sạch sẽ. Các vi khuẩn có độc tố thường có ở tay, áo quần và dụng cụ nhà bếp, đặc biệt là các loại dao, thớt..., nếu không giữ vệ sinh sạch sẽ, qua sự tiếp xúc có thể truyền chúng vào thực phẩm gây nên ngộ độc. Vì thế, hãy rửa tay sạch sẽ trước khi sử dụng thực phẩm và thường xuyên rửa tay trong suốt quá trình chế biến. Rửa và vệ sinh tất cả bề mặt và thiết bị dùng để chế biến thực phẩm; Bảo vệ khu vực bếp và thực phẩm khỏi gián, bọ, chuột và các động vật khác. Rửa tay sạch sau khi đi vệ sinh.

Để riêng thực phẩm sống và đã nấu chín. Thực phẩm sống, đặc biệt là thịt, gia cầm, hải sản có thể chứa vi sinh vật nguy hiểm, sẽ truyền sang thực phẩm khác trong quá trình chế biến và cất giữ. Hãy sử dụng riêng từng dụng cụ, thiết bị như dao, thớt trong chế biến thực phẩm sống. Khi cất giữ, hãy xếp riêng từng loại vào âu có nắp đậy kín.          

Nấu chín. Nhiệt độ cao sẽ diệt hầu hết các vi khuẩn gây bệnh, vì thế, khi chế biến thực phẩm, bạn nên nấu chín, đặc biệt là thịt, gia cầm, trứng và hải sản.

Giữ thực phẩm ở nhiệt độ an toàn: Dù tươi sống hay đã nấu chín, chỉ sau một thời gian nhất định là các vi khuẩn gây bệnh sẽ tấn công thực phẩm. Chính vì thế, việc bảo quản thực phẩm là rất quan trọng. Không giữ thực phẩm đã chín tới ở nhiệt độ phòng nhiều hơn 2 giờ. Hâm thực phẩm đã nấu chín ở nhiệt độ trên 60oC trước khi sử dụng. Không bảo quản thực phẩm quá lâu dù trong tủ lạnh.            

Xử trí khi bị ngộ độc thực phẩm

Công việc đầu tiên phải là chống mất nước và mất muối khoáng. Xử trí này đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hạn chế tỷ lệ tử vong, nhất là đối với trẻ nhỏ và người cao tuổi. Oresol được coi là một cứu tinh đối với mọi trường hợp mất nước và mất muối do bệnh tiêu chảy gây nên. Nếu bị mất nước nhiều do tiêu chảy đã lâu, cần cho uống ngay một lượng nhiều, sau đó uống dần dần. Nhiều trường hợp chỉ cần điều trị như vậy là đã cầm được tiêu chảy và có thể khỏi.

Trong trường hợp bị mất nước quá nặng do các nguyên nhân bệnh lý nhiễm khuẩn như bị tả, lỵ thì bệnh nhân cần phải được đưa đến bệnh viện để truyền dịch. Dung dịch để tiêm truyền tùy thuộc vào sức khỏe của bệnh nhân và phải được thực hiện tại các cơ sở y tế.

 

(Nguồn: suckhoedoisong.vn)

In bản tin