Thực phẩm bẩn từ “gốc” Cái chết từ từ đi qua đường... miệng!

Cập nhật: 14/8/2013 | 8:15:00 AM

Theo đánh giá của Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường - Bộ Công an, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ người mắc và tử vong do bệnh ung thư cao hàng đầu thế giới. Các nghiên cứu mới đây cho thấy, 70% nguyên nhân các ca mắc ung thư ở nước ta là do chế độ ăn uống không đảm bảo.


Mực bốc mùi thối được nhập lậu từ Trung Quốc

Gia tăng bệnh nan y 

Từng có hàng chục năm kinh nghiệm tham gia chỉ đạo, trực tiếp điều tra, xử lý hàng nghìn vụ việc, tội phạm và vi phạm pháp luật về ATVSTP, Đại tá Trần Trọng Bình - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (PCTP) về môi trường, Bộ Công an đánh giá, các vi phạm pháp luật về ATVSTP chưa lúc nào diễn biến phức tạp, nghiêm trọng và uy hiếp trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của nhân dân như hiện nay. 
Dẫn chứng số liệu được công bố tại một Hội nghị khoa học về phòng chống ung thư do Bộ Y tế tổ chức, Đại tá Trần Trọng Bình thông tin: cả nước hiện có từ 240.000-250.000 người mắc bệnh ung thư, và mỗi năm có thêm khoảng 100.000 ca mắc mới. Đáng chú ý, tỷ lệ tử vong do căn bệnh nan y này gây ra/ca mắc tại Việt Nam lên đến 73,5% (khoảng 82.000 trường hợp) - là một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong cao hàng đầu thế giới. Cùng với đó, số ca ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể đang xảy ra ngày một thường xuyên. Thống kê của Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cho thấy: số vụ, số người mắc, người nhập viện và trường hợp tử vong do “ăn” phải thực phẩm độc gia tăng theo từng năm.
Lãnh đạo Cục Cảnh sát PCTP về môi trường dẫn chứng: các nhà khoa học nghiên cứu độc lập cho rằng: 70% nguyên nhân các ca mắc ung thư là do chế độ ăn uống không đảm bảo, chủ yếu do sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm và nguồn thực phẩm có chứa chất bảo quản độc hại; 20-25% do môi trường sinh hoạt và điều kiện sống kém; 5-10% do di truyền (yếu tố di truyền cũng chứa đựng ảnh hưởng bởi quá trình mắc ung thư do thực phẩm, chế độ ăn uống nên sẽ lặp đi lặp lại nhiều thế hệ). 

Thực phẩm kém chất lượng được ngâm hóa chất để tẩy mùi thối

Ồ ạt nhập về 
Bên cạnh thủ đoạn tẩm ướp hóa chất công nghiệp độc hại vào thực phẩm để bảo quản, tăng màu sắc, mùi vị, hạ giá thành sản phẩm như: Tẩm chất gây ung thư Rhodamine B vào hạt dưa, ớt bột để tạo màu đỏ; sử dụng đường hóa học Cyclamate để sản xuất nước ngọt, rượu vang, bim bim, sữa đậu nành... Cảnh sát PCTP về môi trường mới đây đã phanh phui hàng loạt chiêu trò đầu độc người tiêu dùng được tổ chức bài bản, số lượng lớn, có sự liên kết của nhiều đối tượng. 
Đại diện cơ quan công an cho hay: khoảng 1 năm trở lại đây, lợi dụng chính sách tạm nhập tái xuất thực phẩm đông lạnh là nội tạng, sản phẩm gia súc, gia cầm vào Việt Nam để chuyển sang Trung Quốc tái chế, nhiều đối tượng đã tự ý tháo kẹp chì niêm phong container được “gửi” tại Việt Nam, tìm cách tuồn hàng ôi thiu vào nội địa tiêu thụ. 
Mới đây, Cục Cảnh sát PCTP về môi trường phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Mai (Lạng Sơn) kiểm tra 10 container của Công ty TNHH Hùng Thắng Phát, có làm thủ tục tạm nhập tái xuất sang Trung Quốc, mở tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan khu vực III Hải Phòng, khai báo là thịt gà đông lạnh. Tuy nhiên kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng phát hiện gần 22.000 hộp với tổng số 263.000 kg phụ phẩm và phủ tạng gia cầm đông lạnh. 
Theo Đại tá Trần Quang Vinh - Trưởng Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường CATP Hải Phòng: Có thời điểm cảng Hải Phòng bị ách tắc tới 1.800 container hàng thực phẩm đông lạnh xuất xứ từ các nước châu Mỹ, chờ xuất sang Trung Quốc. Trong đó, có container “chôn chân” tại cảng hơn 2 tháng, hàng hóa đã phân hủy bốc mùi hôi thối, tiềm ẩn nguy cơ thẩm lậu vào trong nước. 
Theo Đại tá Trần Quang Vinh, trong số 25 doanh nghiệp chuyên thực hiện các hoạt động xuất, nhập khẩu thực phẩm qua cảng Hải Phòng, một số doanh nghiệp vì lợi nhuận đã cấu kết, móc nối với đối tác “ảo” ở nước ngoài, tổ chức các đường dây hoạt động xuất, nhập khẩu; tạm nhập, tái xuất thực phẩm kém chất lượng, hàng hóa quá hạn sử dụng, thực phẩm không được phép sử dụng đưa vào Việt Nam. Trong trường hợp bị phát hiện, những doanh nghiệp này thường đổ lỗi cho phía đối tác nước ngoài, trong khi việc xác minh các đơn vị xuất khẩu gần như không thực hiện được.
Thực phẩm kém chất lượng, ôi thiu (chân gà, phủ tạng gia súc, gia cầm) sau khi được “rút ruột” trong các container sẽ được phân phối tới các thành phố lớn. Đến tay chủ các nhà hàng, quán ăn, thực phẩm “bẩn” sẽ được tẩy rửa qua oxy già công nghiệp để “đánh bay” mùi hôi thối, sau đó ướp hóa chất công nghiệp tạo màu, mùi để át đi vị khó ngửi của các loại thực phẩm này. Đến tay người tiêu dùng, không ai hay biết thực phẩm đã bẩn từ gốc, ướp hóa chất độc hại. 

  Không chỉ có các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm trong nước nhập chui hóa chất độc hại từ nước ngoài về chế biến thực phẩm, cảnh sát còn phát hiện nhiều cơ sở mua “công nghệ”, dây chuyền sản xuất đồ ăn từ Trung Quốc, thuê người ngoại quốc điều hành, đứng máy, tạo điều kiện cho họ độn nguyên liệu, phụ gia “bẩn” vào đồ ăn.

 

Hàng tấn lợn mắc dịch bệnh tai xanh được chế biến thành “đặc sản” nhưng đối tượng mua bán chỉ bị phạt vi phạm hành chính

 “Chuyên gia” Trung Quốc chế thực phẩm bẩn

Theo Đại tá Trần Trọng Bình - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (PCTP) về môi trường, Bộ Công an: không chỉ xuất hiện ngày càng nhiều các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm bẩn trong nước lén lút “độn” hóa chất độc hại “đầu độc” người tiêu dùng, lực lượng chức năng mới đây còn phát hiện 3 cơ sở sản xuất Bim Bim tại Hà Nội, thuê “chuyên gia” người Trung Quốc đến hướng dẫn pha chế công thức, vận hành máy móc sản xuất thực phẩm “bẩn”. 
Quá trình kiểm tra 3 cơ sở này, Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường CATP Hà Nội phát hiện các “chuyên gia” người Trung Quốc sản xuất Bim Bim bằng nhiều loại phụ gia “xách tay”, không nhãn mác, không qua kiểm định chất lượng. Sản phẩm khi ra lò có mùi ngai ngái, hắc, khó ngửi. Giám định chất lượng các mẫu Bim Bim này, lực lượng chức năng phát hiện có thành phần đường Cyclamate (không nằm trong danh mục phụ gia được sử dụng trong thực phẩm). Liên quan đến vụ việc này, Đại tá Trần Trọng Bình cho hay, Cục Cảnh sát PCTP về môi trường đã kiến nghị UBND TP Hà Nội, ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính, tiêu hủy hàng hóa không đảm bảo chất lượng, cần có biện pháp mạnh tay xử lý 3 cơ sở trên không để đối tượng chế thực phẩm bẩn tìm thuê những địa điểm bí mật khác để tiếp tục sản xuất.
Không chỉ đối mặt với các món ăn bị tẩm ướp hóa chất, chế biến từ thực phẩm ôi thiu, người tiêu dùng rất hoang mang khi hàng loạt các loại đồ uống nước ngọt, rượu champagne, rượu vang, cà phê bị phát hiện làm giả, sản xuất hoàn toàn từ các hương liệu tạo mùi, chất cấm. Gần đây nhất là vụ phát hiện 6 cơ sở sản xuất cà phê giả tại TP Hồ Chí Minh. Theo Đại tá Trần Trọng Bình, quá trình điều tra, ghi lời khai chủ cơ sở, cơ quan công an xác định 100% cà phê xuất xưởng tại đây đều là giả. Bằng công thức pha - độn phụ gia tinh vi, chủ các cơ sở này đã biến hàng chục tấn hạt đậu tương thành hạt cà phê trong một thời gian dài nhưng không hề bị phát hiện. Để đậu tương có hương vị cà phê, các cơ sở này cho thêm chất tạo sánh, tạo bọt, tạo màu, mùi và đường cấm sử dụng trong thực phẩm. Với mánh khóe tinh vi này, 6 cơ sở đã tiêu thụ trót lọt 36 tấn cà phê giả tại thị trường các tỉnh phía Nam.  
Cần xử lý hình sự
Phát biểu tại Hội thảo: “Nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật trong đấu tranh PCTP và vi phạm về ATVSTP của lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường” vừa được tổ chức, lãnh đạo nhiều Vụ, Cục, Học viện trực thuộc Bộ Công an, Bộ Y tế, Tổng cục Hải quan, Chi cục QLTT Hà Nội... đều thống nhất, thực trạng vi phạm về ATVSTP gia tăng, “nóng” như thời gian qua, một phần do chế tài chưa nghiêm. Pháp luật hiện hành lại quy định, tội này chỉ áp dụng với những đối tượng cố ý vận chuyển gia súc, gia cầm mắc bệnh từ vùng có dịch ra nơi không có dịch. Tại thời điểm cơ quan công an phát hiện vụ việc trên, địa phương nơi đối tượng sinh sống đã có lợn chết, nhưng chính quyền nơi đây có dấu hiệu “giấu dịch”, không công bố dịch nên cơ quan điều tra không có căn cứ xử lý được đối tượng, mà chỉ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính - đại diện Cục Cảnh sát PCTP về môi trường cho hay.
Theo Đại tá, PGS-TS Trần Vi Dân - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công an: Để đảm bảo tốt ATTP, các quốc gia trên thế giới luôn áp dụng hệ thống giải pháp đồng bộ, đặc biệt ở các quốc gia phát triển. Ở nước ta, pháp luật về ATTP là vấn đề mới được quan tâm trong thời gian gần đây và chủ yếu ở góc độ nhận thức, văn bản. 
Theo đánh giá của Đại tá Trần Vi Dân, chế tài xử lý vi phạm về ATTP ở Việt Nam hiện chưa đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm. Bộ Luật hình sự sửa đổi bổ sung năm 2009 đã quy định các hành vi vi phạm ATTP, tuy nhiên muốn khởi tố, bắt đối tượng đầu độc người tiêu dùng thì cơ quan điều tra phải chứng minh được hành vi của họ gây ra hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Trong khi đó, đa phần những chất độc được “độn” vào thực phẩm không tác dụng ngay mà sẽ ảnh hưởng lâu dài, gây các bệnh hiểm nghèo. Hành vi gây hậu quả nghiêm trọng vì vậy khó xác định, đây chính là nguyên nhân mỗi năm hàng nghìn vụ vi phạm ATVSTP được phát hiện, song không có vụ nào bị xử lý hình sự, dù rất nhiều vi phạm được đánh giá... rất nghiêm trọng.

 

(Nguồn: suckhoedoisong.vn)

In bản tin