Cách nào hạn chế ngộ độc bia, rượu dịp Tết?
Cập nhật: 5/2/2015 | 9:31:50 AM
Sức khỏe của nhiều “đấng nam nhi” bị suy giảm sau mỗi dịp Tết đa phần có nguyên do từ những bữa tiệc tùng, “nhậu nhẹt” triền miên với quá nhiều bia, rượu. Làm thế nào để không bị ảnh hưởng tới sức khỏe bởi ngộ độc rượu, bia?
Biểu hiện của ngộ độc rượu
Khi uống quá nhiều rượu, cơ thể không còn chuyển hóa được, rượu uống vào sẽ bị nôn ra. Người bị ngộ độc rượu thường mất khả năng vận động tự chủ như không cầm được bát đũa, rót nước ra ngoài..., không điều khiển được hành vi, nói líu lưỡi, gọi nhầm tên người, không thể đi lại được, mất cân bằng cơ thể, không tự ngồi được. Những trường hợp ngộ độc quá nặng, rượu sẽ ức chế trung tâm hô hấp, mất tri thức, gọi hỏi không biết, mất các phản xạ hoặc có thể rơi vào tình trạng hôn mê, gây nguy hiểm tới tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Đặc biệt với người có tuổi hay bệnh lý tim mạch khi say rượu, rất có thể sẽ xuất hiện những triệu chứng của tai biến tim mạch như xuất huyết não, nhồi máu cơ tim. Vì vậy khi có dấu hiệu bị ngộ độc, cần phải xử lý ngay tại chỗ, sau đó, đưa người bị ngộ độc vào viện cấp cứu, tránh những biến chứng mắc phải về sau.
Nguyên nhân gây ngộ độc
“Cơ chế vận hành của rượu” là rượu giữ lại trong dạ dày khoảng 5 phút rồi ngấm vào máu qua đường ruột.
Do có chức năng như 1 trung tâm xử lý độc nên rượu, bia chuyển hóa tới 90% tại gan. Tuy nhiên, gan chỉ có thể chuyển hóa một lượng cồn vừa phải trong một thời gian ngắn nên nếu uống bia rượu với số lượng nhiều, gan không kịp chuyển hóa hết sẽ khiến cho nồng độ cồn tăng dần trong máu.
Trong những ngày Tết, lượng rượu, bia được hấp thụ nhiều hơn là nguyên nhân chính khiến gan bị tổn thưởng và sức khỏe nam giới bị suy giảm.
Khi đã uống quá chén, gan không thể đào thải hết được các chất độc từ bia, rượu. Đây là nguyên nhân khiến các “đấng mày râu” gặp phải các triệu chứng say rượu, ngộ độc rượu và có thể phải đối mặt với tình trạng gan bị tổn thương như men gan cao, viêm gan cấp… cộng với cảm giác mệt mỏi, khó chịu, đau đầu, buồn nôn, đầy bụng, khó tiêu…
Do đó, số người bị ngộ độc rượu phải vào viện cấp cứu dịp Tết thường chiếm gần 50% tổng số bệnh nhân ngộ độc rượu của cả năm.
Phòng hơn chữa
Cách tốt nhất để có một tinh thần minh mẫn, cơ thể khỏe mạnh, an toàn cho gan là nam giới hãy hạn chế tối đa rượu bia. Tuy nhiên, trong những trường hợp không thể tránh được như các dịp lễ Tết thì nên cố gắng uống lượng rượu, bia càng ít càng tốt.
Có một số mẹo dành cho các “quý ông” trước khi nhập tiệc để tránh ngộ độc bia, rượu như: nên uống một cốc sữa trước khi bước vào bữa tiệc để hạn chế sự hấp thu rượu vào máu; cố gắng vừa ăn vừa uống, nên ăn những thực phẩm giàu tinh bột vì nó làm chậm quá trình hấp thu chất cồn vào trong máu, nên ăn hoa quả vì nó chứa nhiều nước giúp giải rượu.
Uống rượu, bia nên uống chậm chứ không nên uống nhanh, bởi uống nhanh sẽ làm cho tốc độ hấp thụ rượu vào trong máu cũng nhanh, nếu uống chậm rãi sẽ có đủ thời gian để cơ thể bài tiết rượu, bia ra ngoài. Không nên uống rượu, bia cùng với nước ngọt có gas vì phản ứng tạo bọt khí sẽ làm tăng tốc độ cồn ngấm vào máu.
(Nguồn: dantri.com.vn)