Dùng đồ nhựa - coi chừng gan nhiễm mỡ
Cập nhật: 28/8/2015 | 3:37:12 PM
Đồ nhựa được sử dụng rộng rãi trong đời sống hàng ngày với nhiều ưu điểm như gọn nhẹ,tiện lợi và giá thành rẻ. Tuy nhiên ẩn chứa bên trong những món đồ nhựa tưởng chừng như vô hại này là mối nguy cơ phát triển nhiều chứng bệnh nghiêm trọng, trong đó có gan nhiễm mỡ.
BPA là gì?
Bisphenol A (BPA) là chất dùng trong chế tạo nhựa polycarbonate. Nhiều loại đồ hộp có sử dụng loại nhựa này cũng chứa một dư lượng BPA nhất định và có khả năng thôi nhiễm ra thực phẩm khi được dùng để chứa đựng.
BPA được xem như một hóa chất gây rối loạn nội tiết tố. Chất gây rối loạn nội tiết tố là các hóa chất có thể can thiệp tới hệ thống nội tiết của cơ thể và tạo hiệu ứng bất lợi cho sự phát triển, sinh sản, thần kinh và hệ miễn dịch.
Cụ thể các chất gây rối loạn nội tiết tố có khả năng:
- Bắt chước nội tiết tố trong cơ thể dẫn tới sự dư thừa, mất cân bằng hormone tự nhiên trong cơ thể.
- Liên kết với thụ thể nội tiết tố, ngăn chặn các nội tiết tố nội sinh gắn với nhau.
- Ức chế quá trình sản xuất hoặc kiểm soát nội tiết tố hay các thụ thể trong cơ thể.
BPA, hội chứng chuyển hóa và gan nhiễm mỡ
Hội chứng chuyển hóa bao gồm một nhóm các yếu tố nguy cơ như: tình trạng béo bụng, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, tình trạng kháng insulin hoặc không dung nạp đường, tiền đông máu và tiền viêm.
Một lối sống ít vận động, ăn uống không lành mạnh dễ gây ra béo phì, làm tăng nguy cơ phát triển hội chứng chuyển hóa. Bên cạnh đó các chất gây rối loạn nội tiết tố được tìm thấy trong một số loại nhựa cũng có liên quan tới sự phát triển của hội chứng này. Hội chứng chuyển hóa không chỉ kéo theo nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường mà còn thúc đẩy sự phát triển của gan nhiễm mỡ.
Trong nhiều năm qua, một số nghiên cứu đã chứng minh rằng việc tiếp xúc với liều lượng thấp của chất gây rối loạn nội tiết tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển một loạt các bệnh liên quan tới hội chứng chuyển hóa và gan nhiễm mỡ.
Cụ thể theo báo cáo trên tạp chí The Science of the Total Environment (02/2014), các nhà nghiên cứu đã phát hiện thấy trẻ em mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu có nồng độ cao BPA trong nước tiểu.
Một nghiên cứu khác trên tạp chí The Journal of Endocrinology (09/2014) xác định rằng việc tiếp xúc với BPA trước khi sinh của người mẹ dễ khiến trẻ mắc bệnh gan nhiễm mỡ.
Biện pháp để giảm thiểu tiếp xúc với BPA
Người tiêu dùng cần hết sức lưu ý do có nhiều sản phẩm đồ nhựa không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường hiện nay có thể chứa chất BPA. Do đó để bảo vệ sức khỏe, phòng chống nguy cơ phát triển gan nhiễm mỡ cũng như nhiều bệnh nguy hiểm khác, chúng ta nên:
- Không sử dụng chai và hộp nhựa được làm từ polycarbonate (thường được đánh dấu với một số 7 hoặc các chữ cái PC).
- Tuyệt đối không chọn mua hộp không có nhãn mác, xuất xứ, không ghi rõ các thông số cần thiết.
- Tốt nhất nên lựa chọn thực phẩm tươi hay đông lạnh hơn các loại thực phẩm đóng hộp.
- Thay chai nước bằng nhựa và hộp đựng thực phẩm bằng thủy tinh hoặc kim loại.
Phòng bệnh gan nhiễm mỡ hiệu quả
Ngoài việc loại trừ các yếu tố nguy cơ như hạn chế sử dụng các loại đồ nhựa có chứa chất BPA độc hại, chúng ta có thể phòng chống gan nhiễm mỡ bằng nhiều biện pháp đơn giản như ăn uống lành mạnh, tăng cường luyện tập thể dục thể thao và thăm khám sức khỏe định kỳ, tầm soát bệnh gan mật để phát hiện sớm các vấn đề bất thường.
(Nguồn: dantri.com.vn)