Gây nên làn sóng dịch lớn chưa từng có, virus Delta nguy hiểm như thế nào?
Cập nhật: 16/8/2021 | 11:16:44 AM
Theo các nhà virus học và dịch tễ học, biến thể Delta là phiên bản lây lan nhanh nhất, mạnh nhất và đáng sợ nhất của virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch mà thế giới đang phải hứng chịu.
Biến thể Delta là gì?
Trong quá trình lây lan, virus SARS-CoV-2 không ngừng biến đổi, nhiều biến thể mới xuất hiện khiến diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp với số lượng ca nhiễm mới tăng cao.
Delta là cách Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định danh cho biến thể virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ (trước đó được ký hiệu là B.1.617.2).
Delta áp đảo tất cả biến thể khác
Delta là một trong 4 biến thể virus SARS-CoV-2 được WHO đánh giá thuộc nhóm đáng lo ngại hiện nay.
Theo các nhà virus học và dịch tễ học, biến thể Delta là phiên bản lây lan nhanh nhất, mạnh nhất và đáng sợ nhất của virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch mà thế giới đang phải hứng chịu. Biến thể Delta cũng làm đảo ngược hoàn toàn mọi giả định về Covid-19, ngay cả khi các quốc gia đang nới lỏng các biện pháp hạn chế và mở cửa lại nền kinh tế.
Biến thể Delta gây nên đợt bùng phát dịch lớn nhất từ trước đến nay tại Ấn Độ (Ảnh minh họa).
Các đột biến của Delta thoạt đầu tưởng như không khác biệt nhiều so với các đột biến của những biến chủng mà nó đã lấn lướt. Ví dụ, nó không có một số đột biến giúp né hệ miễn dịch như ghi nhận ở biến chủng Beta và Gamma.
Tuy nhiên, một đột biến có thể là yếu tố kéo theo sự đáng ngại của Delta là P681R. Theo các chuyên gia, virus SARS-CoV-2 cần hai bước để xâm nhập vào tế bào của con người, giống như việc muốn mở cửa phải có hai bước gồm tra khóa vào ổ và mở khóa.
Vineet D. Menachery, chuyên gia nghiên cứu về virus SARS-CoV-2 tại Đại học Texas, cho biết hầu hết các đột biến được phát hiện ở biến chủng thuộc nhóm "đáng lo ngại" dường như làm tăng khả năng làm cho "chiếc khóa" đó vừa vặn hơn với ổ, tăng khả năng của virus xâm nhập vào tế bào. Riêng đột biến P681R còn có thể giúp quá trình mở khóa hiệu quả hơn, giúp virus xâm nhập tế bào dễ dàng hơn.
Xét nghiệm Covid-19 (Ảnh minh họa).
Biến chủng Delta được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ vào đầu năm nay. Chỉ vài tháng xuất hiện, Delta đã trở thành biến chủng trội toàn cầu.
Tại Mỹ, đầu tháng 5, Delta mới chỉ chiếm khoảng 1% số ca nhiễm mới, nhưng hiện tại, nó đã lấn lướt tất cả các biến chủng khác của virus SARS-CoV-2. Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, tính đến cuối tháng 7, Delta chiếm tới hơn 93% số ca nhiễm mới ở Mỹ. Tốc độ lây lan nhanh chóng của biến chủng này khiến giới khoa học lo ngại về những biến đổi khó lường của nó trong tương lai.
Các nhà dịch tễ học từng hy vọng khi 70-80% dân số được tiêm chủng cùng với tỷ lệ dân số có miễn dịch sau khi mắc Covid-19 sẽ giúp khống chế đại dịch này. Tuy nhiên, sự xuất hiện của Delta khiến ngưỡng miễn dịch cộng đồng lên tới 90%. Xét phạm vi toàn cầu, để đạt mục tiêu đó có thể mất vài năm.
Theo WHO, biến thể Delta là một biến thể đáng lo ngại mà WHO đang theo dõi và giám sát trên toàn thế giới. Các dữ liệu tính đến ngày 6/8, chỉ ra rằng biến thể này có khả năng lây truyền cao hơn và tăng nguy cơ phải nhập viện.
Thủ phạm chính của sóng dịch Covid-19 lớn nhất tại Việt Nam
Diễn biến phức tạp của làn sóng dịch thứ tư tại Việt Nam là một minh chứng rõ rệt về sự nguy hiểm của biến thể Delta (Được cho là một trong những nguyên nhân chính của đợt dịch này).
Kể từ thời điểm bùng phát (27/4) đến nay, Việt Nam ghi nhận 261.412 bệnh nhân Covid-19. Trong khi đó, tổng số ca bệnh của cả 3 đợt dịch trước đó cộng lại chỉ chưa đến 5.000.
Nước ta đang đối mặt với đợt dịch lớn nhất từ trước đến nay (Ảnh minh họa).
Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, chỉ trong một thời gian rất ngắn, số ca mắc đã tăng rất cao. Biến thể Delta lây nhanh, mạnh, lan rộng và khó kiểm soát.
TPHCM hiện đang là nơi bị tấn công nặng nề nhất bởi Covid-19. Hiện thành phố này ghi nhận 144.770 F0. Số ca mắc trong ngày có lúc lên trên 6.000 và hiện tại đang đi ngang trong khoảng 3000-4000 ca.
Biến chủng Delta được phát hiện lần đầu tại TPHCM vào ngày 18/5 với 2 ca nhiễm tại một công ty ở quận 3. Lúc này, mức độ lây lan của chủng Delta chưa nhiều. Khi phát hiện chuỗi lây nhiễm ở điểm dịch nhóm Hội Thánh truyền giáo Phục Hưng, kết quả xét nghiệm cho thấy 7 ca đầu tiên đều nhiễm biến thể Delta. Tiếp đó, các ca bệnh được phát hiện chủ yếu là người có tiếp xúc gần với các F0 như: người trong gia đình, đồng nghiệp, hàng xóm.
Nước ta đang đối mặt với đợt dịch lớn nhất từ trước đến nay (Ảnh minh họa).
Chỉ trong một thời gian rất ngắn, số ca mắc đã tăng rất cao. Biến thể Delta lây nhanh, mạnh, lan rộng và khó kiểm soát.
Theo đánh giá của CDC TPHCM, chủng virus Delta có chu kì lây nhiễm ngắn (chỉ khoảng 2-3 ngày), dẫn đến sự lây lan nhanh chóng.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn đến 70% so với các biến thể cũ.
Từ thực tế lâm sàng các ca bệnh tại Việt Nam, các chuyên gia nhận định, biến thể Delta khiến các bệnh nhân có triệu chứng khởi phát sớm hơn và thời gian diễn biến nặng cũng nhanh hơn các biến chủng khác.
Điều trị bệnh nhân Covid-19 (Ảnh minh họa).
Các phương án xử lý bệnh cũng phải thay đổi liên tục. Sau một tuần mắc Covid-19, nhiều bệnh nhân sẽ diễn biến nặng.
Cũng chính vì lý do này mà trong phác đồ điều trị Covid-19 mới của Bộ Y tế, đã rút ngắn thời gian từ khi có triệu chứng đến diễn biến nặng còn 5-8 ngày, so với 7-8 ngày như trước đây. Việc này sẽ giúp các bác sĩ chú ý sớm hơn với những bệnh nhân mắc Covid-19, phân loại mức độ nặng đúng và sớm cho bệnh nhân. Từ đó, tránh việc phát hiện các triệu chứng nặng muộn gây khó khăn cho công tác điều trị.
Hiệu quả của vắc xin với biến thể Delta như thế nào?
TS Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO Việt Nam cho biết các dữ liệu tính đến ngày 6/8 cho thấy vắc xin vẫn có hiệu quả tốt trong việc ngăn ngừa mắc bệnh nặng Covid-19 bởi biến thể Delta, mặc dù có giảm hiệu quả trong việc ngăn ngừa mắc bệnh có triệu chứng.
Tiêm vắc xin Covid-19 (Ảnh minh họa).
"Hãy tiêm bất kỳ loại vắc xin có sẵn khi đến lượt bạn. Vắc xin giúp bảo vệ bạn và cả những người xung quanh bạn. Vắc xin cũng sẽ làm giảm nguy cơ biến thể Delta lan truyền trong cộng đồng và gây ra các biến thể mới", TS Kidong Park nói.
Về ý kiến cho rằng một số vắc xin tốt hơn hoặc hiệu quả hơn các loại khác, TS Kidong Park nhấn mạnh tất cả các vắc xin đã được WHO phê duyệt vào danh sách Sử dụng Khẩn cấp đều đã đạt yêu cầu về hiệu quả, an toàn và chất lượng do WHO đặt ra thông qua tham vấn chặt chẽ với các chuyên gia quốc tế. Các vắc xin đều có hiệu quả rất cao trong việc ngăn ngừa mắc bệnh nặng cần nhập viện do Covid-19 gây ra.
"Vắc xin an toàn và hiệu quả là chìa khóa để kết thúc đại dịch Covid-19, nhưng nó không phải 'viên đạn bạc' (hay 'chìa khóa vạn năng'). Chỉ vắc xin không thể chấm dứt lây truyền trong cộng đồng. Chúng ta cần phải tiếp tục thực hiện các biện pháp 5K. Những biện pháp này là rất quan trọng, kể cả khi bạn đã được tiêm phòng, nhất là ở các địa phương đang có các ca lây nhiễm cộng đồng", Ts Kidong Park nhấn mạnh.
(Nguồn: dantri.com.vn)