Khác biệt triệu chứng nhiễm biến chủng Omicron và Delta

Cập nhật: 2/12/2021 | 10:32:19 AM

Người nhiễm biến chủng Omicron có triệu chứng tương đối nhẹ, không bị mất vị giác và khứu giác, có điểm khác biệt so với Delta.

Kể từ khi biến chủng Omicron xuất hiện, giới khoa học liên tục tranh cãi về độ nghiêm trọng, mức lây lan và khả năng áp đảo Delta của nó. Theo một số bác sĩ ở Nam Phi, triệu chứng của Omicron về cơ bản khác biệt với Delta. Chuyên gia y tế sẽ mất vài tuần để kết luận, song các nghiên cứu đầu tiên đã cung cấp cái nhìn cơ bản về về triệu chứng của biến chủng mới.

Các bác sĩ cho biết biểu hiện của Omicron "cực kỳ nhẹ". Hầu hết bệnh nhân ở độ tuổi từ 20 đến 30 - nhóm tuổi nhìn chung ít bị ảnh hưởng bởi virus. Họ cảnh báo người lớn tuổi có thể biểu hiện nghiêm trọng hơn.

"Số trường hợp tăng mạnh trong 10 ngày qua. Đến nay, hầu như triệu chứng của tất cả các ca nhiễm đều giống cúm: ho khan, sốt, đổ mồ hôi ban đêm, đau nhức cơ thể", bác sĩ Unben Pillay, tỉnh Gauteng, nơi ghi nhận 81% số bệnh nhân, cho biết.

Tiến sĩ Angelique Coetzee, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Nam Phi, đề cập đến ca nhiễm đầu tiên. Đây là một bệnh nhân nam khoảng 33 tuổi. Anh có biểu hiện mệt mỏi, đau nhức toàn thân và đau đầu. Người bệnh không bị đau họng, chỉ ngứa cổ họng nhưng không ho, không mất vị giác và khứu giác. Đây là điểm khác biệt so với triệu chứng của các biến chủng nCoV trước đây.

Người nhiễm Delta và Alpha có triệu chứng giống nhau, gồm đau đầu, đau họng, sổ mũi và sốt, theo tiến sĩ Inci Yildirim, bác sĩ bệnh truyền nhiễm nhi khoa Yale Medicine. Nhiều bệnh nhân mất khứu giác, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy.

Sau khi đã khỏi bệnh, nhiều người nhiễm Delta và Alpha bị ‘Covid-19 kéo dài', tức là các triệu chứng vẫn xuất hiện khoảng 3 tháng dù âm tính nCoV.

Theo các nhà khoa học tại Yale, biến chủng Delta có khả năng lây lan cao hơn 50% so với chủng nCoV ban đầu. Các nhà khoa học chưa có kết luận chính thức về khả năng lây lan của Omicron, song kể từ khi biến chủng xuất hiện, số ca nhiễm nCoV tại Nam Phi tăng cao.

Hành khách mặc đồ bảo hộ khi di chuyển tại sân bay quốc tế Sydney, Australia, ngày 29/11. Ảnh: Reuters

Hành khách mặc đồ bảo hộ khi di chuyển tại sân bay quốc tế Sydney, Australia, ngày 29/11. Ảnh: Reuters

Tiến sĩ Emily Landon, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Chicago, cho rằng người bệnh rất dễ nhầm lẫn triệu chứng giai đoạn đầu nhiễm biến chủng Omicron với bệnh cảm cúm thông thường. Song thông thường, dựa trên các trường hợp mắc Covid-19 trước đây, biểu hiện nghiêm trọng hơn có thể xuất hiện sau 14 ngày, đặc trưng là khó thở.

Ngày 27/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết Omicron là biến chủng ‘đáng quan ngại’. Nhiều người đặt câu hỏi nếu triệu chứng các bệnh nhân rất nhẹ, vì sao nó được xếp vào nhóm này.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, biến chủng đáng lo ngại là biến chủng "có bằng chứng về khả năng lây lan mạnh hơn, gây triệu chứng nặng (ví dụ làm tăng số ca nhập viện hoặc tử vong), giảm hiệu quả kháng thể trung hòa được ra từ vaccine hoặc nhiễm nCoV trước đó, gây trở ngại cho xét nghiệm chẩn đoán".

Kể từ khi biến chủng xuất hiện, số ca nhiễm tại Nam Phi tăng nhanh. Ngày 30/11, ông Stéphane Bancel, người đứng đầu Moderna cho biết vaccine của hãng giảm hiệu quả với Omicron. Điều này có thể khiến nhiều bệnh nhân nhập viện hơn và kéo dài đại dịch. Theo ông Bancel, do virus có lượng đột biến lớn, khả năng cần điều chỉnh vaccine để ngăn ngừa biến chủng.

Trong khi đó, theo Ugur Sahin, Giám đốc BioNTech, đối tác của Pfizer, vaccine của hãng vẫn hiệu quả chống triệu chứng nặng và tử vong sau khi nhiễm biến chủng. Virus có thể trốn tránh kháng thể, song không lọt qua các tế bào miễn dịch đặc trị.

"Thông điệp của chúng tôi là: Đừng lo lắng, mọi thứ vẫn như cũ, chỉ cần tăng tốc tiêm liều tăng cường", ông Sahin nói trong một cuộc phỏng vấn hôm 30/11.

(Nguồn: vnexpress.net)

In bản tin