Thận trọng khi lột da mặt

Cập nhật: 22/7/2012 | 8:27:16 PM

Tương truyền làn da của nữ hoàng Ai Cập Cleopatra luôn tươi trẻ vì bà thường xuyên tắm bằng sữa dê (chứa hoạt chất lactic acid có tác dụng lột và làm trẻ da mặt). Lột da mặt để làm đẹp đã được loài người biết đến từ lâu, nhưng cũng có thể để lại nhiều biến chứng vì da mặt chúng ta vốn mỏng manh, rất nhạy cảm và khó hồi phục khi bị tổn thương.

Tuỳ da mà lột

Theo bảng phân loại của Fitzpatrick, dựa vào màu sắc và phản ứng của từng loại da với ánh nắng mặt trời mà da được chia làm sáu loại. Người có da loại 1, 2, 3 có thể chịu được sự lột da với ít biến đổi về sắc tố, trong khi người có loại da sậm màu hơn có nguy cơ rất cao về biến đổi sắc tố không mong muốn khi lột da. Bác sĩ phải thật cẩn thận khi chỉ định lột da bằng hoá chất cho người có tiền sử bệnh tim, gan, thận và các hoá chất được sử dụng cũng thay đổi theo bệnh lý. Việc dùng nội tiết tố, thuốc ngừa thai, Isotretinoin hay các thuốc nhạy cảm với ánh sáng cũng có thể dẫn đến sự biến đổi sắc tố không biết trước và thành sẹo xấu. Tốt nhất là ngưng sử dụng các thuốc kể trên vài tuần trước khi quyết định lột da. Nếu bệnh nhân có tiền sử nhiễm virút Herpes simplex, bác sĩ cần chỉ định dùng thuốc kháng virút dự phòng trước và sau khi lột da để giảm thiểu nguy cơ virút tái hoạt khi tiến trình tái tạo thượng bì diễn ra. Ngoài ra, tất cả các sang thương hiện hữu trên bệnh nhân cần phải được chữa lành trước khi tiến hành lột da.

Việc chăm sóc da sau lột và tránh nắng là rất quan trọng, quyết định sự bình phục vết thương và tránh biến chứng.

Lột bằng hoá chất: phải đúng phương pháp

Đây là phương pháp dùng hoá chất phá huỷ lớp tế bào ngoài cùng của da. Sau đó, lớp da này sẽ được tái tạo từ các phần phụ của thượng bì còn lại. Các hoá chất và công thức khác nhau được chọn lựa sử dụng tuỳ theo độ sâu của lớp da cần lột. Hoá chất thâm nhập sâu vào lớp bì có thể huỷ hoại phần lớn các phần phụ của da làm vết lột chậm lành và có sẹo. Tuỳ theo độ sâu của lớp da bị ăn mòn, người ta chia lột da mặt ra làm ba loại:

Lột nhẹ: hoá chất thường sử dụng là AHA (alpha hydroxy acids) 3 – 7%: glycolic, lactic, citric, tartaric, malic acid. AHA có tác dụng làm tách rời thượng bì với lớp trung bì bên dưới. Tiến trình lột da nhẹ và nông này không cần gây tê, kéo dài nhiều ngày, hoàn tất sau 7 – 10 ngày và có thể được lặp lại nhiều lần cách nhau ít nhất 2 – 3 tuần. Lột da nhẹ được chỉ định dùng cho các trường hợp làm da phẳng, mịn, cải thiện làn da sậm màu, da tổn thương do ánh nắng.

Lột vừa: thường dùng trichloroacetic acid (TCA) nồng độ 20 – 35% để lột da với độ sâu trung bình. Trước khi thực hiện, da mặt có thể được làm lạnh hay gây tê vì phương pháp này làm bỏng da. Tiến trình lột kéo dài nhiều ngày và hoàn tất sau 10 – 14 ngày. Phương pháp lột này có thể lặp lại sau mỗi tháng và có tác dụng duy trì sau 6 – 12 tháng. Lột da vừa có thể giúp tẩy xoá các vết thâm nhẹ, làm phẳng các vết nhăn nông, giảm một số rối loạn sắc tố nhẹ ngoài da.

Lột sâu: áp dụng cho những vết nhăn sâu ở da do tuổi tác, do sẹo mụn hay triệu chứng tiền ung thư da. Tác dụng lột sâu đến dưới lớp tế bào lưới; hoá chất cơ bản dùng là phenol nguyên chất với nồng độ 88% hay pha lẫn với xà phòng, dầu ôliu, dầu croton. Phenol có tác dụng làm đông đặc và bong lớp sừng, đòi hỏi phải gây tê trước khi thực hiện. Một số bệnh nhân còn có thể phải dùng thêm thuốc giảm đau và an thần. Phenol có độc tính cao, trực tiếp gây độc cho cơ tim, dùng quá liều có thể gây tổn thương gan, thận và dẫn đến sự kích thích làm loạn nhịp tim, được ghi nhận khoảng 23% trường hợp sau khi lột được 30 phút.

Rủi ro không ít

Lột da mặt có thể gây nhiều biến chứng không mong muốn liên quan đến độ sâu da cần lột, loại da và hoá chất được sử dụng: Hồng ban: có thể lặn trong vòng 90 ngày nhưng cũng có thể tồn tại lâu dài kèm biểu hiện tăng sắc tố và ngứa nhiều. Da mất sắc tố do các tế bào hắc tố bị huỷ hoại không hồi phục trong quá trình lột dưới tác dụng của hoá chất, đặc biệt là phenol. Sẹo teo da do vết lột chậm lành. Nhiễm trùng là biến chứng thường gặp, đặc biệt do vi khuẩn Pseudomonas, virút Herpes simplex bùng phát. Xuất huyết tại vị trí lột sâu có thể xảy ra ở người đang dùng thuốc làm loãng máu như warfarin.

Chống chỉ định lột da mặt

Da nhóm 1, 2, và 3 có thể lột từ nhẹ đến sâu vì ít nguy cơ rối loạn sắc tố và thành sẹo. Da nhóm 4, 5, 6 chỉ nên lột nhẹ, không nên dùng các loại hoá chất lột trung bình và lột sâu. Tuyệt đối không lột ở vùng da có vết thương hở; ở người có tiền sử dị ứng thuốc, nhạy cảm với ánh sáng khi dùng thuốc, hen phế quản; có tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm siêu vi, nhiễm nấm cấp tính; mắc bệnh ngoài da mạn tính như vảy nến, chàm.

Người có tiền sử bị sẹo xấu, sẹo lồi hay đang dùng Isotretinoin, ánh sáng trị liệu bệnh ngoài da trong vòng sáu tháng trước lột: chống chỉ định lột trung bình hay lột sâu vì hoá chất lột tác động đến lớp bì sâu, có thể gây sẹo lồi hay sẹo xấu. Ngoài ra, tuyệt đối không lột da cho người có tiền sử bệnh tim mạch, gan, thận; người không muốn thực hiện, không hợp tác (không thể tránh ra nắng, đang dùng thuốc chống chỉ định lột…)

(Nguồn: sgtt.vn)

In bản tin