Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu: Nhiều loại bệnh “ăn theo” biến đổi khí hậu

Cập nhật: 16/12/2012 | 10:19:34 PM

Bệnh truyền nhiễm, thiếu chất dinh dưỡng, căng thẳng, những rối loạn của cơ thể do nhiệt độ tăng cao… Đây là các loại bệnh liên quan đến sức khỏe con người đang có chiều hướng tăng cao và có mối quan hệ khá mật thiết với biến đổi khí hậu (BĐKH).

PGS.TS. Nguyễn Kỳ Phùng cùng cộng sự trong nghiên cứu đánh giá những biểu hiện của BĐKH ở TP.HCM cho thấy, từ năm 1978 đến nay, nhiệt độ tại thành phố đã tăng 0,70C. Sự bất thường về thời tiết do ảnh hưởng của BĐKH toàn cầu đang xảy ra tại TP.HCM khi lượng mưa trong các tháng mùa mưa trên địa bàn đang tăng cao kéo theo đó là tình trạng dâng lên của nước biển vùng ven bờ khiến diện tích ngập lụt của thành phố dần tăng lên theo từng năm. Tình trạng ngập lụt đang tác động xấu đến nguồn nước sinh hoạt môi trường sống khiến môi trường sống của con người trở nên mất an toàn.

Qua khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe cộng đồng và phát triển, Đại học Y Hà Nội và Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng về những tác động của sóng nhiệt từ năm 2000 - 2010 ở Đà Nẵng cho thấy, trong 5 năm trở lại, nhiệt độ tại khu vực này đang nóng lên, thời điểm nóng nhất tới 39,50C. Số ngày nắng nóng mỗi năm một tăng, nếu năm 2000 mới chỉ ghi nhận hơn 30 ngày nóng trên 350C thì đến nay ngày có nhiệt độ nói trên đã tăng lên gần 50 ngày. Người dân đô thị thường xuyên phải làm việc dưới nhiệt độ cao đã xuất hiện những biểu hiện sức khỏe bất thường như mất ngủ, ăn uống kém, khó thở, chóng mặt, nhức đầu... Nhiệt độ tăng tác động trực tiếp đến người lao động ngoài trời, làm giảm năng suất công việc, khiến người lao động mất tập trung, tai nạn nghề nghiệp tăng. Phụ nữ từ 50 tuổi trở lên là đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi làm việc trong thời tiết nắng nóng.

Nhiều loại bệnh “ăn theo” biến đổi khí hậu 1
 Biến đổi khí hậu gây khả năng bùng phát và lan truyền các bệnh dịch, các bệnh truyền nhiễm… Ảnh: TTTĐ

TS. Roger Few, Đại học East Anglia, Anh cho biết, Việt Nam có bờ biển dài và hiện đang phải chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của BĐKH, đặc biệt là mực nước biển dâng gây ngập lụt các vùng đất ven biển, bên cạnh đó vấn đề thay đổi về lượng mưa hàng năm (lượng mưa tăng vào tháng 8 - 10 và giảm vào tháng 2 - 4) cũng đã tác động đến cuộc sống của người dân, gây nên các vấn đề về sức khỏe như nguy cơ các bệnh truyền nhiễm, bệnh lý về đường hô hấp và bệnh do nguồn nước ô nhiễm…

Vì vậy, cần phải đầu tư nhiều hơn cho chương trình giảm thiểu phát thải carbon và sử dụng năng lượng hiệu quả; chương trình thích ứng về sức khỏe và y tế, nâng cao sức khỏe cộng đồng và sức khỏe môi trường, tìm ra các biện pháp thích ứng và tiềm năng cho việc thích ứng trong việc bảo vệ sức khỏe tại nhà và nơi làm việc; giám sát và kiểm soát dịch bệnh; nâng cao năng lực nhằm đối phó với những rủi ro hiện tại và trong tương lai.

Theo TS. Trần Đắc Phu - Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế, BĐKH hiện đã tác động tới sức khỏe của con người qua nhiều con đường, cả trực tiếp và gián tiếp như lũ lụt, các đợt nắng nóng kéo dài, nhiệt độ không khí tăng gây căng thẳng cho con người, tác động đến hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, làm tăng khả năng bùng phát và lan truyền các bệnh dịch, các bệnh truyền nhiễm… Trước thực trạng trên, ngành y tế đang rốt ráo triển khai các kế hoạch hành động xây dựng hệ thống cảnh báo tình hình dịch bệnh trong bối cảnh BĐKH, nâng cao khả năng ứng phó cảnh báo sớm các nguy cơ bệnh dịch, tăng khả năng ứng phó với thiên tai thảm họa… giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của BĐKH đến sức khỏe cộng đồng.


(Nguồn: suckhoedoisong.vn)

In bản tin