Các thuốc gia tăng nguy cơ đục thủy tinh thể
Cập nhật: 23/4/2019 | 8:03:25 PM
Đục thủy tinh thể là tình trạng thủy tinh thể bị thoái hóa trở nên mờ đục, ảnh hưởng đến thị lực. Có nhiều nguyên nhân gây ra đục thủy tinh thể như: do tuổi tác, rối loạn gen di truyền, bệnh đái tháo đường, chấn thương mắt, lối sống... Một số loại thuốc khi sử dụng trong một thời gian dài sẽ gây ra tác dụng phụ làm mờ, đục thủy tinh thể.
Tìm hiểu về bệnh đục thủy tinh thể
Đục thủy tinh thể (ĐTTT) là một bệnh lý ở mắt rất phổ biến, với tình trạng thủy tinh thể bị thoái hóa trở nên mờ đục, khiến cho thị lực của mắt bị giảm sút. Sự tích tụ protein trong một thời gian dài sẽ gây ra tình trạng mờ, đục thủy tinh thể.
ĐTTT thường gặp ở người trên 40 tuổi và nữ giới mắc bệnh nhiều hơn nam giới. Khi tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng gia tăng. Nhiều nghiên cứu cho thấy, ở người từ 80 tuổi trở lên chiếm tỉ lệ 50% bị ĐTTT. Và đây cũng chính là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở người cao tuổi.
Triệu chứng:
- Mắt mờ.
- Nhìn đôi.
- Chói sáng và nhạy cảm với ánh sáng.
- Màu sắc nhìn thấy nhạt dần.
- Khó đọc do giảm độ tương phản màu trắng - đen.
Khó lái xe vào ban đêm…
Nguyên nhân:
Có hai nguyên nhân chủ yếu gây ra ĐTTT:
- Tuổi tác: thủy tinh thể bị lão hóa khi tuổi càng cao.
- Bẩm sinh: một số trẻ em sinh ra đã bị ĐTTT do rối loạn gen di truyền.
Ngoài ra, còn có nhiều nguyên nhân khác cũng gây ra ĐTTT:
- Người mắc bệnh đái tháo đường.
- Chấn thương ở mắt.
- Hút thuốc lá nhiều.
- Tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng mặt trời.
- Thuốc: một số loại thuốc khi sử dụng trong một thời gian dài sẽ gia tăng nguy cơ ĐTTT.
Các thuốc gia tăng nguy cơ đục thủy tinh thể
Thuốc là một trong những nguyên nhân gây ra ĐTTT. Một số loại thuốc, khi sử dụng trong một thời gian dài sẽ gây ra tác dụng phụ làm mờ, đục thủy tinh thể:
Nhóm thuốc kháng viêm corticosteroid (prednisolon, dexamthason, betamethason…) thường được sử dụng cho người bị viêm khớp, hen phế quản, viêm kết mạc… Khi sử dụng nhóm thuốc này trong một thời gian dài > 2 tuần (đặc biệt là với dạng thuốc nhỏ mắt), sẽ làm gia tăng nguy cơ ĐTTT.
Nhóm thuốc chống loạn thần (Risperidon, chlorpromazine…) thường được sử dụng trong các bệnh lý tâm thần như rối loạn lo âu, tâm thần phân liệt… Các thuốc chống loạn thần, khi sử dụng trong một thời gian dài, thường gây ra tác dụng phụ làm gia tăng nguy cơ ĐTTT.
Nhóm thuốc gây co đồng tử (Miotic): với các hoạt chất như Pilocarpine, Ephinephrine… thường được sử dụng trong điều trị bệnh tăng nhãn áp. Nhóm thuốc này, khi sử dụng trong một thời gian dài, sẽ gây ra tình trạng mờ, đục thủy tinh thể.
Nhóm thuốc ức chế enzym cholinesterase (pyridostigmin, neostigmin) là những thuốc thường được sử dụng trong điều trị bệnh nhược cơ. Khi sử dụng nhóm thuốc này trong một thời gian dài, thường gây ra tác dụng phụ làm gia tăng nguy cơ ĐTTT.
Nhóm thuốc chống trầm cảm ba vòng (amitriptyline, nortriptyline, clomipramine…) thường được sử dụng trong điều trị trầm cảm, rối loạn lo âu… Các thuốc chống trầm cảm ba vòng, sẽ làm gia tăng nguy cơ ĐTTT khi sử dụng trong một thời gian dài.
Ngoài các nhóm thuốc trên, còn có nhiều loại thuốc khác cũng gây ra tác dụng phụ ĐTTT như amiodaron (thuốc chống rối loạn nhịp tim), allopurinol (thuốc điều trị bệnh gút)…
Vì vậy, khi sử dụng các thuốc có tác dụng phụ làm gia tăng nguy cơ bị ĐTTT, người bệnh cần phải hết sức thận trọng, tuân theo đúng chỉ định của thầy thuốc. Trong quá trình sử dụng thuốc, nếu thấy thị lực bị giảm sút, cần đi khám mắt và nhanh chóng thông báo cho thầy thuốc để có hướng xử lý kịp thời.
(Nguồn: suckhoedoisong.vn)