Phòng tránh mệt mỏi khi đi du lịch

Cập nhật: 10/7/2012 | 11:05:58 PM

Một chuyến du lịch sẽ đặc biệt có ý nghĩa khi mọi thành viên trong đoàn mạnh khỏe, an toàn và vui vẻ.

LTS: Mùa hè là cơ hội tuyệt vời để bạn đi du lịch, đi biển với người thân, bè bạn. Những chuyến đi dài ngày hoặc ngắn ngày đều đem lại cho bạn và gia đình những giây phút thoải mái, giảm bớt những căng thẳng trong công việc, học tập, phục hồi sức khỏe, mở mang kiến thức, vốn sống. Báo GĐ&XH cuối tháng sẽ có những tư vấn bổ ích giúp bạn có một mùa hè mạnh khỏe trong những chuyến đi đầy ý nghĩa này.
 

Ảnh minh họa.

 
Một chuyến du lịch sẽ đặc biệt có ý nghĩa khi mọi thành viên trong đoàn mạnh khỏe, an toàn và vui vẻ. Điều đó đòi hỏi phải có sự chuẩn bị chu đáo của người tổ chức và mỗi thành viên. Để chuyến đi được vui vẻ trọn vẹn, bạn cần lưu ý những điều cơ bản nhất để đảm bảo niềm vui của mình và tất cả mọi người.
 
Nỗi lo say tàu, cảm cúm

Năm nào vào dịp hè, gia đình anh Bình Chấn (Kiến An, Hải Phòng) cũng đi du lịch. Nơi nào có danh lam thắng cảnh đẹp anh cùng gia đình đều thu xếp đi. Đi chơi thì rất thích nhưng cái anh Chấn lo nhất là cả gia đình có 7 người thì có tới 5 người say tàu xe.

Việc say tàu xe ảnh hưởng rất nhiều đến tâm trạng của các thành viên trong gia đình. Bà thì mệt mỏi, vợ và em gái thì rũ rượi. Khổ nhất là bé Tít 7 tuổi, con anh luôn mồm đòi xuống xe, về nhà không đi nữa. Mỗi lần đến được địa điểm du lịch thì phải sau một ngày cả nhà mới định thần để đi thăm quan hoặc tắm biển. "Tôi cũng tìm hiểu và áp dụng nhiều cách để phòng tránh tàu xe cho mọi người nhưng chưa thành công lắm, không phải lúc nào mọi người cũng tuân thủ đúng các cách đã được đề ra" - anh Chấn chia sẻ. Mẹ anh nhất quyết không uống thuốc chống say mà dùng cao dán. Nhưng vừa lên xe, ngửi thấy mùi xăng xe, hoặc xe đóng kín cửa bật máy điều hòa là bà say ngay lập tức. Vợ anh thì lúc nhớ, lúc quên vì bận sửa soạn cho cả gia đình, chuẩn bị lên xe mới nhớ ra phải uống thuốc. Trong lúc thuốc chưa kịp ngấm thì có bao nhiêu thức ăn, nước ở trong bụng nôn ra hết. Bé Tít nếu mà buồn ngủ thì đỡ, còn thức thì đọc truyện hoặc chơi điện thoại cũng lập tức nôn ngay.
Cách phòng ngừa say xe

- Không nên ăn quá no trước khi đi tàu, xe.

- Không nên đọc bất cứ thứ gì khi ngồi trên xe, kể cả bản đồ.

- Đề nghị mọi người không hút thuốc lá trong xe.

- Đối với những người quá nhạy cảm nên xin đổi chỗ ngồi ở khoảng giữa xe, tránh ngồi ở vị trí trục bánh xe và cuối xe.

- Trước khi đi tàu xe khoảng 30 phút, uống thuốc chống say tàu xe. Người lớn uống 1 viên; trẻ em 8 - 12 tuổi uống 1/2 - 1 viên; trẻ em 2 - 8 tuổi uống 1/4 - 1/2 viên. Có thể uống lần thứ 2 sau 4 tiếng nếu cần.

- Sử dụng miếng dán cổ tay, thuốc an thần theo tư vấn của bác sĩ.

Không chỉ say tàu xe, các thành viên nhà anh do mỏi mệt, lúc nôn mửa mồ hôi ướt đẫm đầu tóc, quần áo, lúc lên xe, lúc xuống xe nhiệt độ thay đổi đột ngột nên rất hay bị cảm cúm. Anh Chấn nhăn nhó: "Mỗi lần đi nghỉ mát, nhà tôi phải đi từ 1 tuần tới 10 ngày để mọi người thích nghi với việc di chuyển, nghỉ ngơi tránh mệt mỏi. Lần nào về, thằng bé con cũng bảo lần sau con không đi nữa. Đó là chưa kể do ăn uống không hợp khẩu vị, có nơi vệ sinh không đảm bảo, nhà tôi còn phải cuống cuồng vì bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy. Nói chung là mệt, nhưng đi nghỉ vui và bổ ích nên dù mệt cũng vấn thích đi".

Chuẩn bị tốt  rất quan trọng

Có rất nhiều người chia sẻ về nỗi lo nỗi khổ khi bị rơi vào tình trạng như gia đình anh Chấn. Triệu chứng say xe thường gặp là khó chịu, chóng mặt, nhức đầu, đổ mồ hôi, xanh tái, buồn nôn. Nhiều người từ chỗ say xe dẫn đến mệt mỏi, cảm cúm khiến chuyến đi kém vui.

Để tránh hiện tượng khó chịu trên, lời khuyên của các chuyên gia y tế là không nên ăn quá no và cũng không được để bụng đói, uống thuốc chống nôn theo chỉ dẫn và dùng cao dán vào rốn. Khi ngồi trên tàu xe nên lựa chọn chỗ ngồi thoáng gió, mắt nhìn thẳng ra xa, nên ngậm một lát gừng tươi hay ô mai gừng tránh ngửi thấy mùi xăng xe gây buồn nôn. Khi xe quay đầu, lượn vòng hoặc đi vào chỗ đường xóc nên ngả người theo xe. 
Trong các chuyến bay, khi máy bay cất cánh hoặc đang hạ cánh, tai bạn có thể bị ù, nhất là khi bạn đang đau đầu. Chứng ù tai này do hiện tượng thay đổi áp suất khi máy bay thay đổi độ cao. Bạn nên luôn nuốt nước bọt, ngáp hoặc tự bịt hai lỗ mũi rồi ngậm miệng thở ra. Làm như vậy, bạn sẽ tự cân bằng được phần nào áp suất bên trong tai với bên ngoài. Nếu đang bị ngạt mũi, nên dùng thuốc phun hoặc uống thuốc để mũi được thông.

Để phòng tránh bị cảm cúm, bệnh tật trong chuyến đi, nhiều người trang bị khá tốt cho mình kiến thức và chuẩn bị chu đáo thuốc mang theo. Chị Mỹ Anh (quận 1, TP HCM) cho biết, nhà chị rất hay đi du lịch vào tháng 6, tháng 7 hằng năm. Là phụ nữ nên chị Mỹ Anh rất thường hay lo xa. Mỗi lần đi du lịch, trong hành lý du lịch của chị không thể thiếu dầu gió, trà gừng, thuốc giảm đau và kháng sinh thường dùng, cồn y tế, bông, băng... "Nhiều lúc ông xã tôi bảo mang đi cũng chẳng dùng đến nhưng tôi nghĩ những vật dụng đó không bao giờ thừa cả. Cũng nhờ có thuốc chống dị ứng mà hai bố con bé Bông qua được bữa bị dị ứng tôm" - chị Mỹ Anh kể - "Có lần bà dì nhà chồng tôi đi chơi cùng có tiền sử bị bệnh suyễn, may là tôi nhớ ra, mang thuốc đi phòng ngừa. Lần đó, đi du lịch trong rừng mà không có thuốc chắc cả nhà tôi đau tim quá".

Chị Mỹ Anh khuyến cáo: Dù là mùa hè nhưng nếu gia đình bạn đi du lịch ở vùng cao hoặc vào trong hang động nhớ mang theo áo khoác để giữ ấm cho cơ thể, nhất là đối với trẻ em để phòng tránh bệnh về hô hấp. 
 

(Nguồn: giadinh.net)

In bản tin