Có thể mất mạng vì côn trùng

Cập nhật: 2/4/2013 | 11:44:12 AM

Giao mùa xuân-hạ là thời điểm có nhiều loại côn trùng gây sẩn ngứa, viêm da hoặc nhìn mờ, suy giảm thị lực (nếu chẳng may bị bay vào mắt). Theo Ths.Bs Nguyễn Hữu Trường, Trung tâm Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng (BV Bạch Mai), ngoài những phản ứng trên, côn trùng còn có thể đe dọa đến tính mạng nếu nạn nhân không được cấp cứu kịp thời.

Nếu bị công trùng đốt nên rửa ngay vết thương bằng xà phòng hoặc nước muối sinh lý.
Nếu bị công trùng đốt nên rửa ngay vết thương bằng xà phòng hoặc nước muối sinh lý.

Có thể sốc phản vệ, suy thận vì côn trùng đốt

Theo Ths.Bs Nguyễn Hữu Trường, khoảng 10% số người bị đốt có phản ứng lan toả tại chỗ với một quầng đỏ lan rộng quanh chỗ đốt, ngứa nhiều và đau nhức. Quầng đỏ này thường phát triển tối đa sau 2 ngày và tồn tại trong 7-10 ngày. Bên cạnh các phản ứng tại chỗ, khoảng 1-3% các trường hợp vết đốt của côn trùng có thể gây ra các phản ứng dị ứng mang tính chất toàn thể như nổi mày đay, phù nề môi, mắt, hầu họng, thanh quản, co thắt phế quản, nặng nhất là sốc phản vệ, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Ở người cơ địa bình thường, khi bị côn trùng đốt, các nốt mẩn ngứa sẽ lặn dần, không để lại di chứng. Nhưng người có cơ địa dị ứng sẽ ngứa phải gãi, dần thành vết sẩn cục sẫm màu, gãi ngứa nhiều còn sinh mủ, lở loét…Bên cạnh đó còn có bệnh gây tổn thương ngoài da mà dân gian gọi là “giời leo”, bác sĩ hay chẩn đoán là zona, với triệu chứng da có vết đỏ, nền hơi cao, trên đó có mụn nước và phỏng nước ở giữa, ngứa, bỏng rát, hoặc sưng vùng mi mắt, hoặc ngây ngấy sốt khó chịu, mệt mỏi…

BS Duy Anh, Phòng khám Bệnh viện E (Hà Nội) cũng cho rằng hầu hết phản ứng đối với vết côn trùng đốt thường chỉ biểu hiện tại chỗ nhẹ như sưng nề, ngứa hoặc buốt, khó chịu và sẽ hết trong vòng 1 ngày. Phản ứng chậm, nặng hơn là sốt, phát ban, đau khớp. Một số côn trùng có nọc độc nguy hiểm (ong, kiến...) sẽ gây sốc phản vệ hoặc suy thận, suy gan cấp cho người bị cắn, có thể dẫn đến tử vong nếu không được xử trí và cấp cứu kịp thời.

Xử lý khi bị côn trùng tấn công

Các bác sĩ khuyên rằng, nếu bị côn trùng bay vào mắt, không nên giụi mắt liên tục. Cách xử trí tạm thời là chớp mắt liên tục trong cốc nước sạch để dị vật (côn trùng) trôi ra, hoặc chườm lạnh, nhỏ nước mắt nhân tạo (hoặc nước muối sinh lý). Nếu mắt vẫn cộm, ngứa, đỏ, chảy nước mắt, đau nhức, nhìn nhòe, sưng đỏ hoặc xung huyết, cần đến ngay bệnh viện để khám chữa kịp thời, tránh những biến chứng xấu ảnh hưởng đến thị lực. Tuyệt đối không dùng các loại lá cây, côn trùng đắp vào mắt vì rất nguy hiểm.

Với những trường hợp phản ứng bị côn trùng đốt chỉ khu trú tại chỗ thường không đòi hỏi điều trị, vùng sưng nề sẽ tự biến mất trong ngày mà không để lại di chứng. Nếu có phản ứng lan toả tại chỗ, vùng bị côn trùng đốt nên được chườm lạnh và cần được bác sĩ khám sớm để kê đơn thuốc đường uống hoặc tiêm truyền để giảm nhanh triệu chứng.

Nếu bị ong, kiến đốt cần rửa sạch vết thương, chườm đá rồi đưa tới bệnh viện để được bác sĩ cho uống thuốc giảm đau, thuốc kháng histamin làm dịu, hoặc dán miếng dán hạn chế co mạch, tránh loét. Với sẩn tịt, các bác sĩ thường nặn nhẹ máu ra, chấm cồn i-ốt 1%. Với sẩn trợt nhiễm khuẩn, sẩn cục sẽ có thuốc đặc trị để chống ngứa, hoặc dùng kháng histamin tổng hợp phối với vitamin C, A, B1, B6, B12, thuốc an thần tùy mức độ tổn thương. Chữa trị sớm sẽ hạn chế được những biến chứng xấu của nọc độc côn trùng, nhưng dùng thuốc gì cũng cần được bác sĩ chuyên khoa da liễu khám và tư vấn điều trị.

Tránh xa bằng cách nào?

Theo Ths. Bs. Nguyễn Hữu Trường, nếu phải đi đường lúc chiều tà, buổi tối bạn nên đeo kính, đi giầy, mặc quần áo dài để hạn chế tối đa tai nạn do côn trùng. Không nên dùng mỹ phẩm có hương thơm thu hút côn trùng. Khi đi xe máy, nên đội mũ bảo hiểm có kính chắn hoặc đeo kính bảo vệ mắt. Nên đeo kính trắng (không số) đi đường ban đêm (có thể bị lóa lúc đầu nhưng rồi sẽ quen).

Buổi tối học sinh và người làm việc trí óc hay ngồi dưới ánh đèn nếu có cảm giác côn trùng rơi vào cổ, mặt thì chớ vội vàng quệt tay mà vô tình làm lan rộng tổn thương. Khi tắm rửa chú ý giũ mạnh khăn trước khi dùng, giũ mạnh quần áo trước khi mặc. Với giời leo – zona chậm chữa trị sẽ chuyển sang giai đoạn mụn nước, mụn mũ, viêm loét và nhiễm trùng… có chữa muộn cũng để lại những vết thâm đậm xấu. Riêng bị kiến lửa đốt sau 1 ngày vết đốt thường tạo thành một mụn mủ nhỏ do hoại tử tổ chức, cần giữ gìn kẻo mụn mủ vỡ sẽ có nguy cơ nhiễm trùng.

Côn trùng có rất nhiều loại, với tính chất và mức độ độc tính khác nhau. Tùy theo việc bị loài côn trùng nào cắn mà có cách chữa trị phù hợp, nhưng càng sớm càng tốt bởi sau 6 giờ nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao, đặc biệt với người cao tuổi và người suy giảm miễn dịch.
Có thể ngăn chặn côn trùng không đến gần người bằng cách trồng các loại cây thảo dược có tác dụng diệt trừ sâu bọ như chanh, hương thảo, húng quế, bạc hà, hoa hồng phong lữ…


(Nguồn: giadinh.net)

In bản tin