Mùa hè - Cẩn trọng với chứng đau trong miệng

Cập nhật: 18/5/2013 | 5:29:58 PM

Mùa hè, thời tiết nắng nóng kéo dài, kết hợp với môi trường ô nhiễm, khói bụi làm nhiều người dễ mắc các bệnh do nóng, trong đó bệnh do nhiệt miệng rất phổ biến. Bệnh tưởng nhẹ và vô hại nhưng thường kéo dài, hay tái phát gây khó chịu cho người bệnh.

Nhiệt miệng là bệnh thường gặp, không phân biệt lứa tuổi Ảnh minh họa
Nhiệt miệng là bệnh thường gặp, không phân biệt lứa tuổi Ảnh minh họa.

Nhiệt miệng là bệnh thường gặp, không phân biệt lứa tuổi. Hầu như ai cũng mắc bệnh này (khoảng 20% dân số bị nhiệt miệng thường xuyên). Đau là triệu chứng điển hình và luôn có, nên thường gây khó chịu trong khi nói và nhai thức ăn, nhất là khi ăn những thức ăn cay, mặn. Bệnh thường kéo dài khoảng 10 ngày, nhưng rất hay tái phát, ảnh hưởng không nhỏ đến công việc cũng như sinh hoạt hàng ngày.

Nguyên nhân

Y học hiện tại vẫn chưa xác định được rõ các nguyên nhân và cơ chế bệnh. Tuy nhiên, có một số nhân tố được coi là nguyên nhân gây bệnh, như tình trạng thiếu dinh dưỡng hoặc dinh dưỡng không đúng cách, dẫn đến tình trạng thiếu vitamin C, PP, B6, B12, kẽm và acid folic.

Do rối loạn nội tiết ở phụ nữ khi hành kinh, mang thai, ở độ tuổi mãn kinh; Nhiễm khuẩn hay virus khi niêm mạc miệng bị tổn thương do xương đâm, răng cắn vào; Do rối loạn hay suy giảm miễn dịch, các bệnh đường tiêu hóa, thần kinh căng thẳng, stress, một số loại thuốc...

Triệu chứng

Nhiệt miệng biểu hiện ban đầu là những vết loét nhỏ trong niêm mạc miệng, sau đó có thể bội nhiễm làm vết loét rộng ra, có thể có mủ, gây đau rát miệng, ăn uống không ngon, thậm chí mất ngủ hoặc rối loạn tiêu hóa.

Biểu hiện bệnh là những mụn nước nhỏ dễ vỡ, để lại một vết loét nông ở niêm mạc miệng, bờ rõ rệt, rất đau và xót khi nói và ăn các chất mặn, uống nước nóng... Nơi xuất hiện các vết loét thường ở mặt trong của má, lợi, đầu lưỡi hay vòm họng...

Vết loét có thể bị viêm cấp, tấy đỏ và rất đau, thậm chí gây sốt và nổi hạch tại góc hàm.

Chữa trị

Bệnh nhiệt miệng, trong Đông y gọi là “khẩu sang”, tuy là dạng bệnh biến cục bộ, nhưng có liên quan tới hoạt động của các tạng, phủ trong cơ thể, nhất là 2 tạng tâm và tỳ. Tâm tỳ tích nhiệt thường gây ra loét miệng, viêm họng; vì tâm thông với lưỡi và tỳ thông với miệng.

Ngoài ra, tình trạng bệnh lý mà Đông y gọi là “Âm hư hỏa vượng” (âm dịch hư tổn, không đủ sức cân bằng, kiềm chế dương khí), khiến “hư hỏa” bốc lên trên, cũng thường hay gây ra nhiệt miệng.

Phương pháp chữa trị nhiệt miệng theo Đông y là thanh nhiệt giải độc, dưỡng âm, lương huyết. Các bài thuốc cổ phương như: Ngưu hoàng giải độc, Thanh vị tán, Cẩm liên xích đạo thang, Địa hoàng cốt bì thang... là những bài thuốc hiệu quả cao trong chữa trị và ngăn ngừa tái phát bệnh nhiệt miệng. Các bài thuốc này là sự phối hợp độc đáo của các vị dược liệu có tác dụng thanh nhiệt, chữa viêm họng, lở loét miệng, lưỡi, sưng đau chân răng, mụn nhọt… là những bệnh phổ biến do nhiệt miệng gây ra.

Nhìn chung, bệnh do nhiệt miệng là những bệnh phổ biến, không phải là loại bệnh nặng nhưng gây khó chịu, đau đớn cho người bệnh trong việc ăn uống và vệ sinh răng miệng.

Để phòng ngừa bệnh, cần ăn nhiều rau, trái cây, uống nước, tránh tình trạng cơ thể bị nóng gây ra bệnh và làm cho bệnh nặng thêm. Muốn có một mùa hè vui vẻ, dễ chịu, phải biết phòng ngừa, ăn uống và nghỉ ngơi đúng cách.

(Nguồn: tienphong.vn)

In bản tin