Bắt bệnh cho... nhà báo

Cập nhật: 21/6/2013 | 10:56:11 AM

Trong xã hội thường hình dung hình ảnh người làm báo với tác phong nhanh nhẹn, mạnh mẽ và đầy xông pha. Ai cũng bảo cánh nhà báo rất khỏe, rất chì. Tuy nhiên, với những đặc thù của nghề, nhà báo cũng không tránh được việc “đánh bạn” với một số chứng bệnh khó chịu, nguy hiểm và phải tìm đến thầy thuốc.

Nghề báo - “nghề nguy hiểm”!

Ở đây không nói đến tính chất mang tính đặc thù của nghề. Chúng tôi xin đề cập tới một góc độ nguy hiểm khác, không phải nghĩa bóng mà là một hiện thực hẳn hoi. Đó chính là... bệnh của nhà báo! Điều đáng nói, không chỉ người ngoài mà chính người trong cuộc - các nhà báo, đôi khi cũng chủ quan bỏ qua hay ít quan tâm cho đến khi quá muộn.

Theo các bác sĩ mà chúng tôi đã nhiều dịp trò chuyện, với đặc thù nghề nghiệp, phải đi nhiều, ngồi nhiều với máy vi tính, mang vác nặng (quay phim, phóng viên ảnh), áp lực công việc nặng nề, đèn cao áp ở trường quay... thì nhà báo rất dễ gặp những vấn đề sức khỏe cả về thể chất lẫn sức khỏe tinh thần. PGS.TS.BS. Nguyễn Hoài Nam (giảng viên chính Đại học Y Dược TP.HCM, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Quốc tế Minh Anh) cho biết, hay gặp nhất ở các nhà báo là stress. Do áp lực công việc, nhất là phải “chạy” tin thời sự hàng ngày, nhà báo luôn phải làm việc trong tình trạng căng thẳng về thời gian, về áp lực tin bài, về tính chính xác, về đảm bảo luật pháp và kiểm duyệt… Hiện nay có rất nhiều nhà báo bị stress nặng, có người rơi vào tình trạng trầm cảm vì không phát huy được nghề nghiệp. 

Bắt bệnh cho... nhà báo 1Những phóng viên y tế tại TP.HCM “xông pha” trong dịch cúm A/H1N1 năm 2009
Theo PGS.TS. Hoài Nam, một bệnh nữa mà các nhà báo hay gặp đó là bệnh cao huyết áp. Thực tế đã có một số nhà báo bị đột quỵ và đột tử… Nguyên nhân thì cũng nhiều nhưng có những nguyên liên quan đến rượu bia và thuốc lá. Tại sao vậy? Do phải ngoại giao, tác nghiệp, do các mối quan hệ “chằng chịt” không thể liệt kê ra hết được, hay lý do “tạo cảm hứng” viết lách từ khói thuốc… Từ các mối tương quan của “văn hóa nhậu” ngày nay: không nhậu không làm việc được, không nhậu không có bạn, không nhậu không có tin tức, không có đề tài… nên trong số những người trí thức bị đột tử, đột quỵ cũng có khá nhiều người là nhà báo, phóng viên còn đang trong độ tuổi viết... sung sức. Thêm vào đó, do ăn uống nhiều, ngoại giao nhiều và nhiều mối quan hệ nhất là khi sử dụng quá nhiều các loại rượu, thuốc, chất kích thích nhằm phục hồi sinh lực, tránh mệt mỏi khi làm việc… nên cũng có khá nhiều nhà báo, nhất là những vị làm công tác quản lý đã mắc bệnh đái tháo đường và rất nhiều hệ lụy của nó.

Bữa ăn sáng rất quan trọng đối với người làm báo

BS.  Lương Lễ Hoàng, Trung tâm Điều trị oxy cao áp TP.HCM, cho biết: nhiều nhà báo than thở không có thời gian để ăn uống, nghỉ ngơi và hay phải thức khuya viết bài, ăn khuya... Tuy nhiên, đó là do các nhà báo chưa sắp xếp thời gian hợp lý chứ thực sự nghề báo không thể khiến chúng ta bận đến nỗi không có thời gian để ăn, để nghỉ như vậy. BS. Hoàng khuyên giới nhà báo cần đặc biệt chú ý đến chế độ ăn uống, nhất là thời gian bắt đầu một ngày làm việc mới. Sáng sớm là thời điểm nhà báo cần sự phản ứng nhanh nhạy, tỉnh táo, suy nghĩ sắc bén (để tìm, tư duy đề tài - PV) nên cần nhiều thức ăn chứa các khoáng chất như: magie và sắt trong “bữa lót lòng” buổi sáng. Bên cạnh đó, ăn buổi sáng của nhà báo cần phải “trấn an hệ thần kinh” nữa nên cần thức ăn có bổ sung canxi.

“Nhiều năm làm công tác giảng dạy, điều trị và cả viết báo nên có thể nói tôi quen biết khá nhiều nhà báo. Bệnh nhân của chúng tôi, vì thế, không ít người là nhà báo. Nếu là “nhà báo đàn ông” thì căn bệnh hay gặp nhất là: đái tháo đường và cao huyết áp. Còn các nhà báo nữ thì hay gặp bệnh trầm cảm vì áp lực của công việc và cả phía gia đình. Những điều này, bác sĩ chúng tôi có can thiệp thì cũng chỉ là cắt ngọn, còn giải quyết tận gốc, khắc phục hiệu quả thì không phải ai khác, bản thân các nhà báo cần có sự điều chỉnh về thói quen làm việc, rèn luyện lối sinh hoạt hợp lý thì mới ổn”, PGS.TS. Hoài Nam nói.

Không chỉ các vấn đề sức khỏe nêu trên, đối với anh em phóng viên báo chí, truyền hình... thì những chuyến công tác dài ngày, những chuyến thị sát viết bài, quay phim ở những vùng miền, tỉnh thành khác nhau hay lịch họp hành, hội thảo, sự kiện liên miên... cũng là khiến cho việc ăn uống thất thường, ăn thực phẩm nhiều khi không hợp vệ sinh nên khó tránh khỏi tình trạng bị đau dạ dày và rối loạn tiêu hóa. Các anh chị em làm công tác biên tập thì phải “ngồi đồng” hàng ngày, hàng giờ, ngày này qua tháng khác nên không ít người bị bệnh trĩ “ghé thăm”. Bên cạnh đó là các bệnh về mắt, về cột sống...

TS.BS. Nguyễn Đình Phú, Phó giám đốc BV. Nhân Dân 115 TP.HCM, cho biết: việc ngồi trước máy vi tính nhiều giờ hay như “cánh” quay phim, phóng viên ảnh luôn phải “gùi” hàng chục kilôgam đồ nghề, “súng ống” tác nghiệp nên cũng khó tránh khỏi các vấn đề về xương khớp. Do vậy, dù bận rộn đến mấy, nhà báo cũng nên đi khám sức khỏe thường xuyên và khi có dấu hiệu bệnh, không nên trì hoãn, khất lần mà nên đến bệnh viện để được khám và điều trị kịp thời.

Nhà báo y tế - những “chiến sĩ trong vùng nguy cơ...”

“Những nhà báo làm mảng Y tế giống như những “chiến sĩ trong vùng nguy cơ” vậy!”, BS. Phan Văn Nghiệm, nguyên trưởng phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế TP.HCM (hiện công tác tại BV. Đa Khoa Sài Gòn), đã nói vui về cánh nhà báo như thế khi “sát cánh” cùng ngành Y tế trong mùa đại dịch cúm heo - cúm A/ H1N1 năm 2009 - 2011. Là một người gắn bó mật thiết với cánh nhà báo làm mảng Y tế tại TP.HCM, BS. Nghiệm nói không quá khi cho rằng: “Những nhà báo viết mảng Y tế giống như những “chiến sĩ” trên mặt trận tuyên truyền, bảo vệ sức khỏe nhân dân nhưng cũng là những người nhiều nguy cơ mắc bệnh từ chính những... nguồn tin.  Không kể những mùa dịch như dịch SARS, cúm A/H1N1, H5N1...  phải xông pha vào những ổ dịch để quay phim, chụp ảnh, phỏng vấn bác sĩ điều trị, phỏng vấn bệnh nhân để kịp thời có những tin tức, bài viết hay phóng sự nóng hổi, chỉ riêng công việc hàng ngày, họ đã phải “đối mặt” với đầy rẫy nguy cơ khi nơi “khai thác” nguồn tin mỗi ngày là các bệnh viện, kể cả các bệnh viện chuyên khoa về các bệnh truyền nhiễm, bệnh lao, HIV/AIDS...”.

Nhà báo Võ Tuấn, Báo Lao động, một cây viết có hàng chục năm gắn bó với mảng Y tế, cho rằng: nguy cơ lây nhiễm bệnh và nỗi lo của các nhà báo Y tế là có cơ sở. Tuy nhiên không vì thế mà anh em phóng viên “ngại” không dám vào BV hay vào vùng “tâm bão” dịch bệnh. Có điều, phải hết sức cẩn thận và tuân thủ nghiêm ngặt quy định về cách ly, tiếp xúc như: đeo khẩu trang, găng tay, quần áo bảo hộ nếu các BS có yêu cầu hay căn dặn.

Chia sẻ về điều này, một bác sĩ đầu ngành về chuyên khoa nhiễm tại TP.HCM cho biết, dù kiến thức của cánh nhà báo Y tế tốt hơn so với các đồng nghiệp, người dân, nhưng các BS vẫn phải thường xuyên nhắc nhở và khuyến cáo những nơi nào trong BV nhà báo không nên “lưu lại” lâu. Ví dụ như khu vực cách ly dịch bệnh, phòng hồi sức cấp cứu... chẳng hạn. Bởi đơn giản, đây là những nơi mầm bệnh, thậm chí là vi khuẩn kháng thuốc thường xuyên... hiện diện và nhà báo, thân nhân có thể nhiễm bệnh bất cứ lúc nào nếu không được trang bị bảo hộ kỹ lưỡng. Tuy nhiên, vị BS này thừa nhận, nhiều cây viết về Y tế rất can đảm và dẻo dai. Họ đã bám sát cùng các BS trong những chuyến thị sát, khoanh vùng, điều tra dịch tễ bệnh dịch bất kể sớm khuya; hay có những nhà báo là nữ nhưng dám đứng vài giờ, thậm chí mười mấy giờ đồng hồ trong phòng mổ để chứng kiến và nín thở ghi chép tỉ mỉ về một ca phẫu thuật khó. “Tôi nghĩ, chỉ có lòng yêu nghề mãnh liệt và cái tâm trong sáng mới giúp họ vượt qua được điều đó để gắn bó với nghề và viết lên những tác phẩm báo chí đích thực và có ích”, vị BS này kết luận.

 


(Nguồn: suckhoedoisong.vn)

In bản tin