Coi chừng hỏng mũi vì tự ý dùng thuốc chữa ngạt mũi

Cập nhật: 30/7/2013 | 10:38:36 AM

Tự ý dùng thuốc chữa ngạt mũi. Sau 1 thời gian mũi anh Hiếu gần như không còn ngửi thấy gì nữa. Niêm mạc mũi đã bị xơ hóa.

Cứ thay đổi thời tiết là cái mũi của anh Hiếu lại ngạt, tắc không thở được. Đến cơ quan, anh được mách: thuốc naphazolin tốt lắm, nhỏ chỉ vài phút là mũi thông thoáng ngay.

Naphazolin hiệu nghiệm thật, nhỏ vào chỉ loáng cái là hết ngạt. Tìm ra thuốc công hiệu, lúc nào anh cũng mang thuốc theo trong người.

coi-chung-hong-mui-vi-tu-y-dung-thuoc-chua-ngat-mui

Ảnh minh họa – Internet

Anh còn phổ biến thuốc này cho cả nhà và bạn bè. Thời gian đầu, anh nhỏ 2-3 lần/ ngày. Anh thấy dễ thở cả ngày lẫn đêm. Nhưng rồi chừng hơn tuần sau anh bị ngạt nhiều hơn và anh phải dùng thuốc 4-5 lần/ngày.

Số lần dùng thuốc cứ tăng dần tỷ lệ thuận theo số lần ngạt mũi. Thế rồi, tiện lọ thuốc sẵn trong túi, thỉnh thoảng anh lại lấy ra nhỏ cho mỗi bên mũi mấy giọt, đến nỗi chỉ trong vòng có hơn… một ngày anh dùng hết một lọ thuốc.

Hậu quả, mũi anh dần gần như không còn ngửi thấy gì nữa. Khám chuyên khoa Tai mũi họng, BS khẳng định: Mũi của anh “có vấn đề nặng nề” do sử dụng thuốc không đúng.

Naphazolin là thuốc co mạch, khi nhỏ hoặc xịt vào mũi, thuốc có tác dụng làm co mạch máu ở niêm mạc mũi, giảm xung huyết làm cho mũi thông thoáng, dễ thở nên rất nhiều người đã tự ý tìm đến loại thuốc này.
Tuy nhiên sử dụng thường xuyên, kéo dài naphazolin và các chế phẩm của nó sẽ dẫn đến tình trạng lệ thuộc vào thuốc. Tình trạng ngạt mũi sẽ tăng lên đồng thời cũng phải tăng số lần dùng thuốc trong ngày và vô tình anh tự gây nên căn bệnh viêm mũi do thuốc.

Do dùng quá nhiều, dẫn tới hiện tượng thiếu máu “chai lỳ” niêm mạc khiến anh có cảm giác như mũi bị cứng lại. Lúc này niêm mạc mũi đã bị xơ hóa. Mất tính mềm mại, mất khả năng đàn hồi và làm mất khả năng đề kháng chống lại các vi khuẩn gây bệnh xâm nhập vào cơ thể qua đường mũi. Việc điều trị sẽ khó khăn và phức tạp, có thể phải phẫu thuật.


(Nguồn: bacsi.com)

In bản tin