3/1/2013 | 12:34:13 PM

Lại nói về thực phẩm bẩn mùa cuối năm

Mới đây, liên tục các vụ vận chuyển thịt, nội tạng, bì động vật thối rữa… tuồn vào TP.HCM bị phát hiện. Mứt, hạt dưa, bánh kẹo không rõ nguồn gốc, bị tẩm hóa chất độc hại cũng đã xuất hiện ở các chợ.

Đó gần như là những thông tin “đến hẹn lại lên” vào dịp cuối năm. Đáng chú ý là việc ngăn chặn nó là không xuể, những vụ bắt được chỉ là phần nổi so với lượng hàng “bẩn” đang lưu thông trên thị trường bởi lượng thực phẩm bẩn qua các ngõ ngách rất khó kiểm soát. Do vậy, không có gì là ngạc nhiên khi các cơ quan chức năng cho rằng, việc quản lý triệt để vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) là điều không tưởng. Trong khi đó, kinh khủng hơn là trên thực tế, tất cả các loại thực phẩm bẩn này đều dùng để làm thức ăn cho con người. 

Lại nói về thực phẩm bẩn mùa cuối năm 1
Đoàn kiểm tra lấy mẫu để kiểm tra thực phẩm tại nhà hàng ăn uống. Ảnh: Trần Minh

Vì đâu thực phẩm bẩn có đất sống? Thật đơn giản vì kinh doanh mặt hàng này “siêu” lời và do quản không chặt của các cơ quan quản lý. Được biết, chúng ta có hệ thống kiểm soát về an toàn thực phẩm nhưng phân ra rất nhiều ngành nghề: Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn quản một ít, Bộ Công thương quản một ít, Bộ Y tế quản một ít nên khả năng phối hợp kém, hiệu quả thấp. Với quy định như vậy, rất khó quy trách nhiệm cho ai hay kết tội cho các đơn vị chức năng nào.

Theo các chuyên gia, các bệnh do thực phẩm gây nên không chỉ là các bệnh cấp tính do ngộ độc thức ăn mà còn là các bệnh mạn tính do nhiễm và tích lũy các chất độc hại từ môi trường bên ngoài vào thực phẩm, gây rối loạn chuyển hóa các chất trong cơ thể, trong đó có bệnh tim mạch và ung thư.

Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá các chương trình hành động đảm bảo chất lượng ATVSTP trên toàn cầu đã xác định được nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ em là các bệnh đường ruột, phổ biến là tiêu chảy. Đồng thời cũng nhận thấy nguyên nhân gây các bệnh trên là do thực phẩm bẩn. Ở Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, trong 10 nguyên nhân gây tử vong thì nguyên nhân do vi sinh vật gây bệnh đường ruột đứng thứ 2.

Vậy giải pháp ở đâu? Ban chỉ đạo liên ngành trung ương về ATVSTP đã chỉ đạo tập trung vào công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm ở các khu công nghiệp, khu chế xuất và công tác phòng chống thực phẩm nhập lậu, đẩy mạnh công tác truyền thông bảo đảm ATVSTP. Theo đó, công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong thời gian tới sẽ tập trung vào các giải pháp: tập trung triển khai công tác đảm bảo ATVSTP vào đối tượng bếp ăn gia đình, bếp ăn tập thể và các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn. Thực hiện hiệu quả hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông, phòng chống ngộ độc thực phẩm đến gia đình, đến cơ sở dịch vụ ăn uống và cộng đồng. Thực hiện giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm chủ động, phát hiện và xử lý kịp thời các mối nguy ô nhiễm thực phẩm, cảnh báo kịp thời cho cộng đồng và các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó là việc tăng cường đào tạo, hướng dẫn chuyên môn, đầu tư nâng cao năng lực hệ thống cán bộ chuyên ngành an toàn thực phẩm, chú trọng năng lực phát hiện, chẩn đoán, xử lý, khắc phục…

Mỗi người tiêu dùng hãy là một giám sát viên, đấu tranh với các hành vi vi phạm chất lượng, ATVSTP.

Đồng thời, để tăng tính răn đe, ngoài các mức phạt hành chính, nếu cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các chủ thể gây ngộ độc thực phẩm (luật Hình sự cũng có quy định phạt tù đối với người sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn nhưng hình như chưa có phiên tòa nào về vấn đề này diễn ra), vừa “giết chết” các doanh nghiệp làm ăn chân chính lại gây hại lớn cho người tiêu dùng.

Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814