30/7/2012 | 12:54:18 PM

Lưu ý khi sử dụng thuốc nhỏ tai

Tai là nơi thường có những tạp khuẩn, bụi, dị vật rất dễ gây viêm nhiễm nếu giữ vệ sinh không tốt.

Bên cạnh đó, tai cũng thường bị nhiễm khuẩn nếu có ráy tai, dùng những vật ngoáy tai, làm tổn thương tai. Trong điều trị viêm tai, cách sử dụng thuốc nhỏ tai rất quan trọng.

Thuốc nhỏ tai được bào chế dưới dạng dung dịch chỉ dùng để nhỏ vào tai, không được dùng cho các mục đích khác và cũng không dùng để bôi hoặc nhỏ vào chỗ khác. Thuốc nhỏ tai có nhiều loại, tùy theo thành phần hoạt chất là loại gì mà mục đích sử dụng để chữa triệu chứng hay nguyên nhân gây bệnh. Khi dùng thuốc hầu như chỉ tập trung ở tai nên đạt hiệu quả cao và ít tác dụng phụ hơn so với các dạng thuốc khác.

Các loại thuốc nhỏ tai

Thuốc kháng sinh: Các thuốc nhỏ tai có thành phần hoạt chất là các loại thuốc kháng sinh, hiện nay có rất nhiều dùng trong trường hợp nhiễm khuẩn ở tai như kháng sinh gentamycin, neomycin, ciprofloxacin, tobramycin. Với những loại thuốc này phải tuân thủ chặt chẽ theo quy định sử dụng thuốc kháng sinh để tránh những tai biến đáng tiếc như sốc phản vệ, dị ứng…

Thuốc kháng nấm: Một số thuốc kháng nấm như clotrimazole cũng được dùng trong trường hợp bị nấm trong tai.

Thuốc phối hợp: Trong thực tế, nhiều loại thuốc nhỏ tai được kết hợp các loại thuốc kháng sinh, kháng nấm cùng với thuốc kháng viêm như hydrocortison, fluorohydrocortison, dexamethason hoặc kết hợp các loại thuốc kháng sinh nói trên với thuốc kháng viêm corticoid như dexamethason, polymyxin B…

Đây là những nhóm hoạt chất rất hay dùng trong thuốc nhỏ tai và cũng có thể gây phản ứng có hại như khi dùng thuốc có cùng hoạt chất dạng khác nên phải rất thận trọng khi sử dụng. Không tự ý dùng thuốc khi không có chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa.

Trong đợt điều trị bằng thuốc nhỏ tai, khi tắm cần tránh để nước vào tai. Tuyệt đối không nên đi bơi ở hồ hay ao vì nước vào tai dễ gây nhiễm khuẩn nặng thêm. Sau khi rửa tai bằng ôxy già hay nước muối sinh lý, cần lau sạch những giọt thuốc còn đọng lại trên tai. Kết thúc đợt điều trị nên bỏ phần thuốc thừa đi, không để dành, không dùng chung lọ thuốc với người khác. Không tự ý dùng thuốc nhỏ tai khi thấy tai trẻ chảy mủ hay máu vì khi ấy màng nhĩ có thể bị rách và thuốc nhỏ tai có thể vào sâu trong tai, gây điếc.

Thuốc làm khô tai: Một số thuốc nhỏ tai có thành phần hoạt chất là acid acetic (giấm trắng), isopropyl alcohol, rượu  hay kết hợp giấm và rượu có tác dụng giảm pH ở tai, không cho vi khuẩn phát triển. Do đó, thuốc có tác dụng phòng ngừa và điều trị một số dạng viêm tai  nhẹ hoặc vừa.

Thuốc làm mềm ráy tai, loại bỏ ráy tai: như carbamid peroxid, triethanolamin polypeptid oleat, docusate, olive oil cũng thường được sử dụng để làm sạch tai, bảo vệ tai tránh bị viêm nhiễm.

Thuốc lau tai, rửa tai: thường dùng là các loại dung dịch sát khuẩn như nước ôxy già, nước  muối sinh lý nhằm làm sạch dịch mủ, dịch nhầy, dịch máu ở tai.

Trường hợp tai bị viêm nhiễm nặng làm cho người bệnh đau đớn, ảnh hưởng đến sinh hoạt cần phải dùng một số thuốc giảm đau tai, kết hợp với thuốc gây tê nếu cần phải nạo vét ổ viêm nhiễm. Thuốc gây tê benzocain, pramoxin, lidocain, gây tê kết hợp với kháng viêm, giảm đau antipyrin giúp giảm đau ở những trường hợp viêm tai. Do mỗi loại thuốc nhỏ tai có công dụng khác nhau nên khi có vấn đề gì ở tai, cần đến bác sĩ khám để được chỉ định thuốc thích hợp.

Sử dụng đúng cách

Cách sử dụng thuốc nhỏ tai cũng rất quan trọng. Trước hết, người thực hiện việc nhỏ thuốc vào tai cần phải rửa sạch tay với xà phòng và nước. Sau đó nhẹ nhàng làm sạch tai bằng khăn mềm. Tư thế của người dùng thuốc nhỏ tai cũng cần lưu ý, nên nằm xuống ở nơi nào thoải mái như trên giường hoặc ghế.

Phải nhỏ đúng số giọt, số lần theo chỉ định của bác sĩ. Không tự ý bỏ liều hoặc ngưng sử dụng dù triệu chứng bệnh có giảm. Sau khi nhỏ thuốc nếu bị đau (trước đó không đau), hay đau nặng hơn thì cần báo ngay với bác sĩ.

Hầu hết các thuốc nhỏ tai không cần bảo quản lạnh. Tuy vậy vẫn phải đọc kỹ thông tin về bảo quản trên nhãn thuốc hoặc hỏi dược sĩ. Cần làm ấm thuốc trước khi nhỏ vì nhỏ những giọt thuốc lạnh vào tai rất khó chịu, có thể gây choáng váng, hoa mắt, chóng mặt.

Trẻ nhỏ thường quấy khóc và không chịu cho nhỏ thuốc do đó cần phải có người giúp đỡ, bế trẻ vào lòng, một tay quàng ôm lưng trẻ, một tay giữ đầu trẻ áp vào ngực để nhỏ thuốc vào tai. Nếu nhỏ thuốc giảm đau thì cần giữ tai trong khoảng 5 phút để thuốc đi vào nơi bị đau.

Thuốc nhỏ tai không bao giờ được nhỏ mắt. Tuy nhiên, một số thuốc nhỏ mắt có thể được dùng để nhỏ tai nếu nhãn thuốc ghi là thuốc nhỏ mắt - nhỏ tai. Thuốc nhỏ tai được xếp vào nhóm thuốc dùng ngoài nhưng vẫn có nguy cơ gây ra phản ứng ADR, tức là những phản ứng có hại của thuốc. Vì vậy cần phải đề phòng nếu người bệnh có cơ địa dị ứng.


Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814