31/8/2012 | 8:22:09 PM

Mẹo làm giảm tác hại của phẩm màu đến cơ thể

Nên uống nhiều nước khi ăn thức ăn nghi ngờ có sử dụng phẩm màu để làm giảm tác hại của phẩm màu đến cơ thể (nếu có).


ảnh minh họa
An toàn thực phẩm là vấn đề mà bất cứ người tiêu dùng nào cũng quan tâm, sau đây là một số thông tin giúp bạn đọc chọn lựa được cho mình thực phẩm sạch

Phân biệt vị ngọt tự nhiên với đường hóa học

Đường hóa học được sử dụng phổ biến vì có độ ngọt gấp trăm lần (và có thể hơn thế nữa) so với vị ngọt của đường tự nhiên. Để nhận biết điểm khác biệt ở đường hóa học với đường tự nhiên (làm từ mía mật, củ cải đường, quả thốt nốt…) là đường hóa học thường có vị ngọt đậm, hắc, hơi chát và sau khi ăn thường có cảm giác khe khé ở cổ họng, vị đắng ở lưỡi; còn đường mía thường có vị ngọt dịu và mát. Người ăn phải các loại thực phẩm chứa đường hóa học có thể xuất hiện cảm giác chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn, ù tai hoặc dị ứng tùy vào lượng dùng.

Có nhiều sản phẩm được phép sử dụng đường hóa học (tất nhiên là với hàm lượng nhỏ). Lợi ích của đường hóa học là chất tạo vị ngọt nhưng lại không cung cấp năng lượng (rất hữu ích cho những người béo phì), không cung cấp glucose vào máu (có lợi cho người bị bệnh đái tháo đường), không hỗ trợ cho vi khuẩn hại men răng (tính chất này được tận dụng vào các sản phẩm chăm sóc răng miệng). Như vậy, chỉ có những sản phẩm tiêu dùng được ứng dụng các tính chất trên mới được phép sử dụng đường hóa học, còn những sản phẩm khác thì bị cấm triệt để.

Không loại đường hoá học nào hoàn toàn tốt và mỗi loại có ảnh hưởng khác nhau đối với sức khoẻ, kể cả những loại đường hóa học được Bộ Y tế cho phép sử dụng (với hàm lượng cho phép là vài phần triệu và có quy định rõ ràng): Manitol, acesulfam K, aspartame, isomalt, saccharin, sorbitol và sirô sorbitol, sucraloza. Các chất tạo ngọt này được dùng trong sản xuất, chế biến thức uống và các thực phẩm có năng lượng thấp. Ví dụ như ngay cả Aspartame được xem là một loại đường hóa học an toàn và được phép sử dụng tại nhiều quốc gia. Nhưng qua nhiều cuộc nghiên cứu gần đây, người ta nhận thấy chất này gây nên sự suy nhược thần kinh.

Ngày nay, độc tính của đường hóa học vẫn đang còn được các nhà khoa học nghiên cứu. Người tiêu dùng nên hạn chế sử dụng, nhất là người già, phụ nữ mang thai và trẻ em.

Phân biệt phẩm màu tự nhiên với phẩm màu tổng hợp

Phẩm màu tự nhiên được chiết xuất từ rau, hoa, củ quả như màu đỏ từ quả gấc, màu vàng từ củ nghệ, màu xanh từ lá dứa… Phẩm màu tổng hợp là các phẩm màu được tạo ra từ việc tổng hợp các chất hóa học. Nhược điểm của chất màu tự nhiên là kém bền màu, nghĩa là sẽ phai màu trong một khoảng thời gian rất ngắn (dưới 2 tiếng đồng hồ) khi để ngoài không khí hay phơi nắng, trong khi chất màu tổng hợp thì lại cho màu đẹp và bền màu.

Thế nên, những thức ăn bày bán ngoài vỉa hè (xôi gấc, xôi tím, bánh ngọt, rau câu,…) sau cả buổi trời mà màu vẫn sặc sỡ, đẹp, đậm thì chắc chắn đã sử dụng phẩm màu. Khi mua những sản phẩm truyền thống như bánh ít, bánh phu thê, mứt gừng… thì đừng mua loại không có bao bì, những sản phẩm có màu quá sặc sỡ, bắt mắt vì những sản phẩm này đã sử dụng phẩm màu quá liều lượng cho phép. Nên uống nhiều nước khi ăn thức ăn mà ta nghi ngờ có sử dụng phẩm màu để làm giảm tác hại của phẩm màu đến cơ thể (nếu có).

Tóm lại, người tiêu dùng nên hạn chế sử dụng những thực phẩm chế biến sẵn (bánh, mứt, kẹo, nước giải khát, nước ngọt, thạch hoa quả, thịt, cá, hải sản đóng hộp…). Để đảm bảo sức khỏe, nên sử dụng phẩm màu tự nhiên khi chế biến thức ăn tại gia đình; khi mua sản phẩm đã được chế biến sẵn thì nên đọc kỹ thành phần để biết rõ loại phẩm màu nhà sản xuất sử dụng.

Phân biệt thịt, cá bị ươn, thối, tẩm chất hóa học với thịt, cá tươi

Thịt tươi trông khô ráo, màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm tự nhiên. Miếng thịt có độ rắn chắc, đàn hồi cao, không bị dính và nhớt khi chạm tay vào. Mỡ có màu sắc, hình dạng và mùi vị bình thường, trông láng và trong. Khi luộc, nước trong, tạo ra lớp váng mỡ trên bề mặt và mùi vị thơm ngon.

Thịt ôi, bị ươn thì màng ngoài nhớt khi chạm tay vào, thịt không còn giữ được độ rắn chắc. Khi cắt ra miếng thịt bị ướt, khi ấn tay vào phần thịt, vết lõm không trở lại bình thường ngay được.

Nhận biết cá bị ươn, nhiễm độc qua mùi vị, mắt, mang và mình cá. Thường cá nhiễm độc mắt mờ và đục, không nhấp nháy ánh sáng, lồi ra ngoài; mang có màu đỏ sẫm; xương sống cong hay bị dị dạng, phần đuôi thường chuyển sang màu xanh và mùi tanh cá không bình thường.

Còn thịt, cá đã bị ngâm, tẩm hóa chất rất khó để phân biệt. Chỉ sau khi nấu hoặc ăn mới biết được. Thông thường, thịt đã qua ngâm tẩm hóa chất thường mềm một cách lạ thường, đối với cá thì không chắc và rất bở, vị cũng khác thường. Trong khi nấu nó không có mùi thơm mà có mùi lạ, hôi, nồng lên mùi hóa chất, nước canh khi nấu sẽ bị vẩn đục.

Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814