7/11/2019 | 8:08:54 AM

Nấm da chân - chớ xem thường

Bàn chân là vị trí hay gặp nhất của nhiễm nấm. Do bàn chân không có tuyến bã và môi trường ẩm nên khi sử dụng giày là điều kiện thuận lợi nhất dễ bị nấm da bàn chân.

Bệnh hay gặp ở người lớn hơn là trẻ em và mức độ nhiễm nấm da bàn chân ở nam và nữ thường tương đương nhau.

Một số điều kiện làm cho bàn chân dễ bị nhiễm nấm

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bàn chân bị nhiễm nấm, trong đó, những người sống trong môi trường khí hậu ẩm thấp, sử dụng chung hồ bơi, vòi tắm hoa sen, khăn tắm, thường xuyên mang giày dép quá chật, có triệu chứng ra mồ hôi chân, người mắc bệnh tiểu đường hoặc hệ thống miễn dịch yếu... rất dễ nhiễm bệnh nấm da bàn chân.

Ở nước ta, do điều kiện thời tiết, khí hậu ẩm ướt, nhiều người ra mồ hôi chân nhiều cũng dễ nhiễm nấm da bàn chân.

Căn nguyên phần lớn gây bệnh do nấm ngoài da có tên là Trichophyton rubrum, ngoài ra còn do loại nấm khác, đôi khi là nhiễm nấm Candida (kẽ ngón).

Biểu hiện nhiễm nấm da bàn chân là dạng bong vẩy da chân. Khi đó bàn chân có màu đỏ kèm bong nhiều vẩy trắng.
Biểu hiện nhiễm nấm da bàn chân là dạng bong vẩy da chân. Khi đó bàn chân có màu đỏ kèm bong nhiều vẩy trắng.

 

Cần phát hiện sớm

Biểu hiện nhiễm nấm da bàn chân thường thấy là dạng bong vẩy da chân. Khi đó, bàn chân có màu đỏ kèm bong nhiều vẩy trắng. Vẩy bong từng đám nhỏ hay lan rộng toàn bộ bàn chân. Đôi khi bệnh có thể xuất hiện tổn thương các mụn nước nhỏ.

Hình thái dạng viêm kẽ bàn chân: hay gặp kẽ ngón chân thứ 3, 4, 5 hoặc các kẽ bàn chân ở người có bàn chân các ngón khít hoặc khi bị nấm da bàn chân nặng. Các kẽ chân bị viêm, tiết dịch, da mủn có vẩy trắng.

Bệnh nhân thường có cảm giác tại chỗ bàn chân bị nấm ngứa có thể kèm theo đau nhẹ. Đối với nấm ở vùng mu bàn chân được coi như là nhiễm nấm thân.

Tình trạng nghiêm trọng nhất của bệnh nấm da bàn chân là lở mụn mủ, loét nông, dày sừng đau đớn. Các tổn thương này đặc biệt phổ biến giữa các ngón chân nhưng có thể bao gồm toàn bộ duy nhất lòng bàn chân. Do vậy, tổn thương thường bị nhiễm vi khuẩn kết hợp. Loét bàn chân xảy ra thường xuyên nhất ở những người bị bệnh tiểu đường và những người có hệ thống miễn dịch yếu. Bệnh nhiễm nấm da bàn chân không được điều trị, có thể gây bệnh nấm ở móng chân.

Cách chăm sóc và điều trị

Khi có biểu hiện nghi ngờ nhiễm nấm da bàn chân, cần tới các cơ sở khám bệnh có phòng khám da liễu để khám và điều trị cho kết quả tốt nhất. Tùy từng trường hợp mà các bác sĩ kê đơn thuốc để điều trị hiệu quả. Ở mức độ nhẹ, bác sĩ có thể kê bệnh nhân bôi kem chống nấm. Ngoài ra, cố gắng giữ cho bàn chân của bạn khô ráo, tạo ra môi trường hạn chế các loại nấm phát triển. Rửa chân hàng ngày và lau khô cẩn thận. Bệnh nhân cần dùng khăn riêng, không dùng chung khăn với bất cứ ai khác.

Ngoài ra, cần mang vớ (tất) làm bằng sợi bông hoặc len và thay tất 1 hoặc 2 lần/ngày tránh để bị ẩm ướt. Không đi những đôi giày làm bằng vật liệu tổng hợp như cao su. Khi bị nhiễm nấm da, cần hạn chế đi giày; cần đi dép càng nhiều càng tốt. Khi bị nấm chân phòng tái phát, nên bôi bột chống nấm vào  chân và bên trong đôi giày của bạn mỗi ngày.

Khi đi tắm ở bể bơi công cộng, cần mang giày dép bảo vệ, kể cả đi dép khi vào trong phòng thay đồ. Nếu các tổn thương không cải thiện sau 2 tuần bôi kem chống nấm hoặc ngứa dữ dội, hoặc đau thì cần gặp bác sĩ để được tư vấn cụ thể và thay đổi thuốc điều trị. Nếu có mụn nước, mụn mủ, loét ở bàn chân thì cũng cần gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.

Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814