10/6/2019 | 8:34:03 PM

Nắng nóng dễ gây bệnh…

Thời tiết nắng, nóng cùng với tác động của môi trường xung quanh sẽ khiến nhiều người lâm bệnh, đặc biệt là người có tuổi và trẻ em.

Vì vậy, cần có những biện pháp hữu hiệu để phòng tránh các bệnh thường gặp trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt này.

Tại sao nắng nóng con người dễ lâm bệnh?

Nắng nóng, đôi khi có mưa rào là điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật gây bệnh và côn trùng (muỗi) phát triển, cộng với môi trường nhiều khói bụi, mất vệ sinh về an toàn thực phẩm. Mặt khác, khi nắng, nóng kéo dài làm cho con người khó thích nghi, nhất là trẻ nhỏ và người có tuổi, đặc biệt người có bệnh mạn tính do sức đề kháng của cơ thể không đáp ứng được với các tác nhân gây bệnh. Nắng nóng kéo dài còn khiến nhiều người đổ bệnh vì giải nhiệt không đúng cách như: Để nhiệt độ quá thấp trong phòng điều hòa, bật quạt quá mạnh và chiếu thẳng vào người, ngâm mình quá lâu dưới nước lạnh ở hồ bơi, sông, suối, ao, hồ…, uống nhiều nước đá, ăn kem, đồ lạnh cho mát… Sự thay đổi nóng lạnh đột ngột là nguyên nhân phát sinh các bệnh đường hô hấp như viêm họng, viêm mũi xoang, viêm phế quản, viêm phổi, hen phế quản, phổi tắc nghẽn mạn tính…

Một số bệnh thường gặp trong mùa nắng nóng

Một số bệnh hay gặp ở các lứa tuổi

Sốt xuất huyết: Đây là bệnh truyền nhiễm do muỗi vằn, muỗi hổ châu Á truyền virus Dengue. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc nếu muỗi mang virus Dengue, cắn, hút máu người, qua đó truyền virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết.

Ngộ độc thực phẩm: Thời tiết nóng nực, thực phẩm dễ bị ôi, thiu, thêm vào đó một số người có thói quen ăn thịt chưa nấu chín (tiết canh, nem chua, nem chạo…), ăn phải thịt lợn nhiễm sán lợn, vi khuẩn liên cầu lợn… khiến  dễ mắc ngộ độc thực phẩm.

Bệnh về da: Mùa nắng nóng, một số bệnh về da cũng thường gặp ở cả người lớn và trẻ em. Trẻ em thường mắc bệnh rôm, sẩy (trẻ nhỏ), viêm da dị ứng gây ngứa, chàm (eczema). Bệnh về da trong mùa nắng nóng có thể kể đến là bệnh zona. Bệnh này chủ yếu gặp ở người trưởng thành và thường gặp nhất là người có tiền sử mắc bệnh thủy đậu, do virus sau khi gây bệnh thủy dậu, chúng sẽ ký sinh trong cơ thể người bệnh đó, nhất là ở các dây thần kinh. Vì vậy, sự thay đổi nhiệt độ của mùa hè kèm theo sức đề kháng giảm là những điều kiện tốt cho loại virus gây bệnh zona tái xuất hiện, đặc biệt ở người cao tuổi.

Các bệnh thường gặp ở người lớn

Người lớn, đặc biệt là người có tuổi, nắng nóng sẽ làm mất nước và điện giải do ra mồ hôi nhiều, nhất là người làm việc dưới nắng nóng. Mất nước và chất điện giải sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hệ tim mạch (tim đập nhanh hơn, huyết áp có thể bị tụt, thậm chí trụy tim mạch). Với những người lao động nặng nhọc, lao động dưới trời nắng nóng, hoặc tắm sông, ao, hồ, biển… lúc nắng, nóng có thể bị say nắng, say nóng (sốc nhiệt).

Người bệnh tăng huyết áp: vào mùa nắng nóng có thể bị cơn tăng huyết áp kịch phát do nóng, lạnh đột ngột (tắm nước lạnh, nằm máy lạnh nhiệt độ thấp quá hoặc vừa ở ngoài trời nắng nóng vào phòng máy lạnh ngay hoặc đang nóng, ra nhiều mồ hôi tắm nước lạnh ngay) hoặc uống bia lạnh để “giải nhiệt”, đôi khi xảy ra đột quỵ bởi căn bệnh tăng huyết áp kịch phát.

Bệnh đường hô hấp như viêm mũi, họng, viêm xoang, nếu nặng có thể viêm phế quản, viêm phổi... thường xảy ra ở người lớn vào mùa nắng nóng do cảm lạnh đột ngột hoặc do chế độ sinh hoạt hàng ngày không hợp lý (đang đi ngoài nắng về lại tắm ngay hoặc cho quạt chiếu thẳng vào người cho đỡ nóng hoặc ở trong phòng máy lạnh để ở chế độ nhiệt độ quá thấp). Nóng, lạnh đột ngột làm cho bệnh hô hấp có thể tái xuất hiện, nhất là hen cấp tính, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Nhiều người lầm tưởng bệnh đau nhức xương khớp chỉ xuất hiện vào mùa lạnh, nhưng thực chất đối với người cao tuổi, thời tiết nắng nóng của mùa hè và thay đổi nhiệt độ đột ngột cũng sẽ làm xuất hiện các cơn đau nhức xương khớp.

Nắng nóng làm gia tăng số trẻ nhập viện.
Nắng nóng làm gia tăng số trẻ nhập viện.

Các bệnh dễ mắc ở trẻ em

Năm nay, ngày từ đầu mùa hè (cuối tháng tư) mỗi ngày có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn trẻ đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế (điển hình là thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội), trong đó có hai bệnh chiếm tỷ lệ cao nhất là viêm đường hô hấp và tiêu chảy. Bởi vì, một trong các nguyên nhân dẫn đến trẻ lâm bệnh là do chưa thích nghi kịp với thời tiết nắng nóng, thêm vào đó trẻ uống nước lạnh (nước đá), ăn kem. Hơn nữa, vào mùa hè ruồi nhặng phát triển, nguồn nước bị ô nhiễm, vệ sinh an toàn thực phẩm không tốt, nhất là khi trẻ ăn phải hoa quả rửa không sạch hoặc ăn, ăn các loại kem, nước giải khát bán dạo không hợp vệ sinh. Ngoài ra, một số trẻ nằm ở phòng máy lạnh nhưng nhiệt độ phòng quá lạnh hoặc để gió quạt xoáy vào người trẻ.

Tuân thủ các biện pháp phòng ngừa các bệnh thường gặp mùa nắng nóng sẽ giúp bạn vượt qua thời tiết khí hậu khắc nghiệt một cách an toàn và khỏe mạnh.

Nắng nóng trẻ rất dễ mắc bệnh viêm não Nhật Bản, bởi bệnh này do muỗi truyền, trong khi do nóng, oi bức nên nhiều trẻ không ngủ màn. Mùa hè trẻ cũng rất dễ mắc bệnh viêm màng não mủ, bệnh này do vi khuẩn não mô cầu hoặc H.influenzae gây ra. bệnh tay chân miệng, bệnh thủy đậu là hai bệnh thường xuất hiện vào mùa hè. Đây là bốn bệnh có thể lây lan thành dịch trong khi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu (trừ bệnh viêm màng não mủ).

Phòng bệnh thế nào?

Cần vệ sinh cơ thể (tắm, rửa, đánh răng, súc họng, miệng), vệ sinh môi trường sống, vệ sinh an toàn thực phẩm thật tốt. Dù ở lứa tuổi nào không nên để xảy ra hiện tượng nóng, lạnh đột ngột (không vào phòng máy lạnh ngay khi vừa ở ngoài trời nắng nóng về, không cho quạt xoáy vào cơ thể, nhất là trẻ nhỏ và người có tuổi). Lúc trời còn nắng nóng (từ 12 giờ đến 16 giờ), không nên ra khỏi nhà khi không thật cần thiết, không tắm biển vào khung giờ này. Nếu phải ra khỏi nhà cần đội mũ rộng vành, mặc quần áo chống nắng, bôi kem chống nắng. Những người mắc bệnh mạn tính (tăng huyết áp, hen suyễn…) cần hết sức chú ý không để thay đổi nhiệt độ đột ngột. Nếu nằm phòng máy lạnh nên để nhiệt độ khoảng từ 25-27 độ là vừa và không nên cho chiếu thẳng luồng không khí lạnh vào người.

Cần có các phương tiện chống nắng khi ra ngoài trời.
Cần có các phương tiện chống nắng khi ra ngoài trời.

Cần ăn chín, uống nước đã đun sôi; không nên lạm dụng nước lạnh, nước đá, nhất là trẻ em hoặc người mắc các bệnh về hô hấp (hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính), tăng huyết áp. Cần uống đủ lượng nước hàng ngày (1,5 -2,0 lít với người lớn, trẻ em khi thấy khát là cho uống).

Nên vận động cơ thể đều đặn hàng ngày nhưng lúc trời còn nắng, nóng không nên tập thể dục, thể thao hoặc đi bộ…

Cần tiêm phòng cho trẻ các loại vắc xin để phòng bệnh mùa hè được ngành y tế khuyến cáo (viêm não Nhật Bản, viêm màng não mủ, thủy đậu...)…

Tăng cường dinh dưỡng, ăn nhiều rau củ quả để bổ sung các loại vitamin và khoáng chất, giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể chống lại điều kiện khí hậu thời tiết nắng nóng khắc nghiệt.

Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814