6/6/2017 | 2:31:03 PM

Nắng nóng đỉnh điểm, đừng để cơ thể mắc bệnh vì những thói quen sử dụng điều hòa sai cách này

Sử dụng điều hòa sai cách có thể khiến bạn bị sốc nhiệt, dị ứng, ngứa da, thậm chí là liệt mặt cũng như một loạt các vấn đề đường hô hấp.

Mấy ngày gần đây, nắng nóng tại khu vực Hà Nội đã lên đến mức đỉnh điểm, trung bình cũng xấp xỉ 39-40 độ C. Đây là đợt nắng nóng đầu tiên của mùa hè năm nay, được ghi nhận kinh hoàng nhất trong khoảng 40 năm trở lại đây. Trời nắng nóng khiến bạn thường có xu hướng ngồi trong nhà, phòng làm việc… bật quạt, điều hòa hết công suất để tránh nóng tối ưu. 

Việc sử dụng không đúng cách những dụng cụ làm mát có thể gây ra một loạt các bệnh nguy hiểm. Dưới đây là một số bệnh có thể tìm đến bạn khi sử dụng điều hòa sai cách:

Nắng nóng đỉnh điểm, đừng để cơ thể mắc bệnh vì những thói quen sử dụng điều hòa sai cách này - Ảnh 1.

Việc sử dụng không đúng cách những dụng cụ làm mát có thể gây ra một loạt các bệnh nguy hiểm.

Dị ứng, ngứa da nếu để luồng gió trực tiếp từ máy lạnh, điều hòa chiếu thẳng vào người, đặc biệt là trẻ em

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai), làn da của bé rất mỏng manh, nhạy cảm. Bình thường, người lớn mà để điều hòa chiếu thẳng vào da thịt cũng có thể gây dị ứng, ngứa da nên với trẻ nhỏ, nguy cơ này còn cao hơn và nhanh hơn nữa. 

Cách tốt nhất là bạn cho trẻ mặc những bộ đồ mỏng, che được cả tay, chân bé.

Mất nước, khô da vì quên uống nước khi nằm lâu trong phòng máy lạnh

Khi nằm trong phòng có điều hòa mát lạnh quá lâu sẽ khiến bạn cảm thấy khát nước vì bị mất nước, vì vậy, bạn cần uống nước thường xuyên. Đặc biệt, đối với trẻ em, khả năng điều chỉnh độ ẩm cho da của bé chưa tốt, khiến bé gặp khó khăn để thích ứng. 

Theo BS Dũng, cha mẹ đừng quên bổ sung nước thường xuyên, cho con ăn nhiều trái cây, rau củ.

Nắng nóng đỉnh điểm, đừng để cơ thể mắc bệnh vì những thói quen sử dụng điều hòa sai cách này - Ảnh 2.

Khi nằm trong phòng có điều hòa mát lạnh quá lâu sẽ khiến bạn cảm thấy khát nước vì bị mất nước.

Sốc nhiệt do nhiệt độ điều hòa trong phòng chênh lệch quá lớn so với ngoài trời

BS Dũng cũng cho biết, chúng ta thường có thói quen cài nhiệt độ thấp khi sử dụng điều hòa, nhất là vào những ngày nắng nóng cực điểm. Tuy nhiên, thói quen này vô tình khiến gia đình bạn dễ bị sốc nhiệt, cảm lạnh, thậm chí là tạo nên các bệnh thần kinh. Các khớp và dây chằng chưa kịp thích ứng với điều kiện thời tiết sẽ bị kích thích lạnh đột ngột, tạo nên sự cứng khớp không thể vận động linh hoạt, gây đau khớp.

Đừng bao giờ quên, nhiệt độ điều hòa và ngoài trời chỉ nên chênh lệch nhau 7 độ sẽ đảm bảo sức khỏe cho bạn và gia đình. Không nên ra vào liên tục giữa phòng điều hòa và nơi không có điều hòa.

Dễ mắc bệnh đường hô hấp khi "trốn" trong phòng có điều hòa cả ngày

Với tiết trời nắng nóng, việc nằm lì trong phòng hay làm việc ở phòng có điều hòa mát lạnh hẳn là một thiên đường ai cũng mơ ước. Nhưng nếu mỗi ngày bạn cứ ngồi điều hòa liên tục hơn 8 giờ đồng hồ sẽ rất dễ mắc các bệnh đường hô hấp như cảm lạnh, viêm họng… đặc biệt rất dễ mắc các bệnh về da như khô da, dị ứng da.

Nắng nóng đỉnh điểm, đừng để cơ thể mắc bệnh vì những thói quen sử dụng điều hòa sai cách này - Ảnh 3.

Ngồi điều hòa liên tục hơn 8 giờ đồng hồ sẽ rất dễ mắc các bệnh đường hô hấp như cảm lạnh, viêm họng…

Khô mắt khi ngồi máy lạnh quá lâu

Không khí trong phòng điều hòa cần phải luôn luôn được thay đổi để bổ sung thêm oxy, nếu bật điều hòa quá lâu, không khí sẽ đậm đặc, ô nhiễm, dễ gây khô mắt, mỏi mắt, mắt bị nhiễm trùng. Nhóm nguy cơ cao như nhân viên văn phòng, người sử dụng máy tính dài hạn. 

Bạn nên nghỉ ngơi nhiều hơn, giúp mắt thư giãn và vệ sinh sạch sẽ hàng ngày.

Cơ thể nhiễm khuẩn do ở trong phòng điều hòa kín mít

Nếu ở trong phòng điều hòa không có lỗ thông gió, quạt thông khí thì rất có thể bạn sẽ bị nhiễm khuẩn do tích tụ quá nhiều khí CO2 do không khí trong phòng không được làm mới. 

Do đó, đừng quên mở cửa 1-2 tiếng mỗi lần hoặc sử dụng quạt thông gió để lấy không khí tươi mới cho cả phòng, phòng tránh nhiễm khuẩn ngay trong nhà.

Nắng nóng đỉnh điểm, đừng để cơ thể mắc bệnh vì những thói quen sử dụng điều hòa sai cách này - Ảnh 4.

Nếu ở trong phòng điều hòa không có lỗ thông gió, quạt thông khí thì rất có thể bạn sẽ bị nhiễm khuẩn.

Cảm lạnh, đột quỵ do đột ngột bước vào phòng lạnh khi vừa đi nắng về

Bước vào phòng lạnh đột ngột khi vừa đi nắng hoặc hoạt động thể lực khiến cơ thể bạn chưa kịp thích nghi, do đó rất dễ bị cảm lạnh. Khi đi ngoài nắng hoặc tập thể dục thể thao khiến mạch máu bị giãn ra. Bước vào phòng lạnh ngay khiến mạch máu đột ngột bị co lại, người có thể trạng yếu rất dễ bị đột quỵ.

Vì vậy, cần lưu ý để thân nhiệt không bị quá chênh lệch so với nhiệt độ trong phòng hoặc ngoài trời. Nếu từ bên ngoài về thì nên để cơ thể hạ nhiệt rồi mới vào phòng điều hòa.

Trẻ nhỏ dễ bị liệt mặt do nằm điều hòa liên tục trong ngày

"Do thời tiết nắng nóng kéo dài, hầu hết các gia đình ở thành phố đều bật điều hòa liên tục, đây chính là nguyên nhân khiến hiện tượng bệnh nhi bị méo mồm, liệt mặt tăng lên nhanh chóng", PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khẳng định. Nếu chậm trễ có thể gây ra chứng méo mặt hoặc mất cảm giác trên khuôn mặt vĩnh viễn. Do đó đừng để bé ở trong phòng máy lạnh cả ngày, mỗi buổi sáng và buổi tối khi nhiệt độ ngoài trời thấp, hãy cho trẻ hoạt động hoặc bế đi dạo ngoài trời.

Để sử dụng điều hòa an toàn, tránh gây hại sức khỏe, theo chuyên gia, bạn nên sử dụng kết hợp điều hòa với quạt điện vừa giúp mát phòng, vừa làm giảm công suất điện. Sử dụng quạt điện 15-20 phút đầu khi khởi động điều hòa, sau đó tắt bớt. Sử dụng các vật liệu cách nhiệt trong phòng, hạn chế tối đa ảnh hưởng từ nhiệt độ bên ngoài đến nhiệt độ bên trong phòng. Lắp cục nóng tại nơi có ít ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào, nhằm hạn chế tối đa nhiệt độ từ mặt trời làm nóng cục nóng. Và đặc biệt, không được để điều hòa ở mức quá thấp để tránh bị sốc nhiệt, đột quỵ... Thường xuyên mở cửa phòng sau 2h dùng điều hòa để tránh nhiễm khuẩn ngay trong nhà.

Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814