17/11/2012 | 8:27:59 PM

Ngất đồng loạt: Xử trí thế nào?

Vừa qua, đồng loạt 15 nữ sinh Trường THPT An Nghĩa, huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh đột nhiên bị ngất. Trước đó vài tháng cũng có hiện tượng nữ sinh ngất hàng loạt tại một số trường THPT ở Nghệ An. Theo các nhà chuyên môn đó là bệnh Hysteria. Vậy bệnh Hysteria là gì, nguyên nhân do đâu, xử trí thế nào? Bài viết sau đây sẽ giúp bạn đọc có những thông tin cần thiết về căn bệnh này.

Bệnh thường gặp ở phụ nữ trẻ

Hysteria ngày nay được gọi là chứng "rối loạn phân ly" là những rối loạn thần kinh chức năng thường gặp sau những sang chấn tâm lý ở người có nhân cách yếu (phụ nữ trẻ, thậm chí cả nam giới) và người có "nhân cách nghệ sĩ". Trước Công nguyên, Hyppocrate đã mô tả cơn co giật không phải động kinh ở phụ nữ có nhân cách yếu và cho rằng nguyên nhân là từ tử cung của họ gây ra (thuật ngữ Hysteria để chỉ trạng thái bệnh lý này vì theo tiếng Hy Lạp: Hysterin là tử cung).

Ngày nay, y học hiện đại cho rằng "rối loạn phân ly" biểu hiện do có sự phân ly giữa ý thức, trí nhớ của bệnh nhân với hoàn cảnh các rối loạn cơ thể bằng cách tách ra hoặc phân ly khỏi chức năng thần kinh bình thường dẫn đến những cảm giác, vận động không phù hợp.

Ngất đồng loạt: Xử trí thế nào? 1
 Nữ sinh ngất xỉu tại trường THPT An Nghĩa được người thân đón về nhà.

Nguyên nhân do đâu?

Các yếu tố gây stress đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc khởi phát trạng thái phân ly. Các hoàn cảnh xung đột dồn nén, các tình huống đòi hỏi phải quyết định, đương đầu nhưng bệnh nhân lại không đủ bản lĩnh và khả năng để giải quyết, đối mặt nên trạng thái bệnh phân ly xuất hiện như một tình huống đệm, để bệnh nhân lẩn trốn thực tại. Bên cạnh đó, nhân cách được coi là yếu tố chính, thường là loại thần kinh yếu, tính cách "nghệ sĩ" (thích hình thức, thích được chú ý), kém chịu đựng khó khăn, dễ bị xúc động hay tự ái, cả tin, dễ bị ám thị, loại hình nhân cách này thường gặp ở phụ nữ trẻ, chưa có va chạm nhiều trong cuộc sống.
Một số trường hợp cũng có thể gặp ở nam giới: người yếu đuối, ít va chạm, được gia đình chiều chuộng nhiều, quá chú ý, quá bao bọc (con út, con một), môi trường xã hội không bền vững... Ngoài ra, có thể có các yếu tố góp phần làm xuất hiện cơn Hysteria như cơ thể yếu mệt, nhiễm khuẩn, nhiễm độc, chấn thương, thời kỳ dậy thì, thời kỳ mãn kinh...

Tại sao nhiều người cùng bị ngất?

Trong một tập thể gồm nhiều người có các đặc điểm về nguyên nhân sinh bệnh như trên (nữ giới, trẻ tuổi…) sẽ rất dễ ảnh hưởng bởi cơn Hysteria của người đầu tiên gây nên một sự lo lắng hoảng hốt của tập thể từ đó dẫn đến những đả kích mạnh về thần kinh tâm thần. Những yếu tố này tạo nên một phản ứng bị ám thị và tự ám thị gây ức chế thần kinh từ đó những cơn Hysteria hay chứng rối loạn phân ly xuất hiện hàng loạt ở nhiều người theo kiểu dây chuyền.

Nhận biết cơn Hysteria

Cơn Hysteria thường biểu hiện bằng các cơn co giật, co cứng sau một chấn thương tâm lý. Bệnh nhân kích thích, giãy giụa la hét, kêu khóc... nhưng ý thức vẫn tỉnh táo và vẫn nhận biết được xung quanh, thích được mọi người chú ý. Một số trường hợp bệnh nhân có ảo giác (thường là ảo thị nhìn thấy những sự việc không có thật, ảo thính, rối loạn vị giác, rối loạn cảm giác đau, cảm giác nóng lạnh…). Có thể gặp rối loạn vận động như run, co giật, liệt chức thần kinh chức năng. Ngoài ra, rất hay gặp triệu chứng ngất kiểu phân ly: bệnh nhân nằm như ngủ, mắt nhắm nghiền hoặc chớp liên tục, khám thấy bệnh nhân không đáp ứng với gọi hỏi hoặc các nghiệm pháp kích thích khác, nhãn cầu đảo đi đảo lại hoặc đưa ngược lên phía trên, thở nhanh sâu nhưng không có biểu hiện suy hô hấp, mạch huyết áp vẫn bình thường.

Xử trí thế nào?

Khi có bệnh nhân bị cơn Hysteria, cần cho bệnh nhân nằm nơi thông thoáng, thầy thuốc phải hết sức bình tĩnh, điềm đạm vì điều này có ảnh hưởng rất lớn tới bệnh nhân. Tuyệt đối tránh nhiều người vào thăm hỏi gây ồn ào, tỏ thái độ quá quan tâm lo lắng làm tăng thêm sự tự ám thị cho bệnh nhân dẫn đến cơn Hysteria kéo dài thêm. Có thể điều trị bằng biện pháp tâm lý như ám thị, thôi miên hoặc dùng giả dược cho bệnh nhân. Một số trường hợp nặng có thể dùng thuốc an thần, sau khi ngủ dậy bệnh nhân sẽ hết cơn.
 
Điều trị dự phòng bao gồm loại bỏ các sang chấn tâm lý, điều chỉnh nhân cách, điều trị bệnh tật đang mắc. Một số trường hợp tái đi tái lại nhất thiết cần đưa bệnh nhân đi khám và điều trị tại các cơ sở chuyên khoa thần kinh – tâm thần. Tạo một môi trường giáo dục, môi trường làm việc thoải mái, vui vẻ, không có những căng thẳng, bức xúc về mặt tinh thần cũng giúp cho những đối tượng có nguy cơ cao: phụ nữ trẻ, người tâm lý không ổn định, người có nhân cách yếu… tránh được những ức chế về mặt tâm lý để cơn Hysteria không xảy ra.

Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814