16/1/2025 | 4:08:31 PM

Ngộ độc rượu và cách phòng tránh ngộ độc rượu

Thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, người dân thường tổ chức các buổi hội họp ăn uống, liên hoan, tất niên, gặp mặt đầu xuân, tham gia các lễ hội, do vậy nhu cầu sử dụng rượu bia trong những ngày này gia tăng, số trường hợp phải nhập viện do say rượu, ngộ độc rượu vì thế cũng cao hơn so với các dịp khác trong năm.

Ngộ độc rượu là hậu quả nhiễm độc nhất thời do lạm dụng rượu, uống rượu vượt quá mức chấp nhận của cơ thể dẫn đến các biểu hiện bất thường của hệ thần kinh và các hành vi không bình thường khác. Ngộ độc rượu biểu hiện ở các mức độ khác nhau từ nhẹ (không kiềm chế được cảm xúc, dễ tức giận, nổi nóng, đi đứng xiêu vẹo) đến nặng với các biểu hiện nôn nhiều, vã mồ hôi, hôn mê, mạch nhanh, thở nông, hạ huyết áp, có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Một bệnh nhân ngộ độc rượu đang điều trị tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai).

Ngộ độc rượu còn có thể do uống phải rượu giả, rượu có chứa Methanol, hoá chất, rượu ngâm với lá, rễ cây thảo mộc hoặc động vật có chứa các độc tố. Uống rượu lâu ngày dẫn đến nghiện rượu, sút cân, chán ăn, tiêu chảy do tổn thương gan và ruột; da, niêm mạc nhợt nhạt do thiếu máu; thoái hóa gan, xơ gan, có thể ung thư gan; nhồi máu cơ tim, mất trí nhớ, rối loạn tinh thần…

Để phòng tránh ngộ độc rượu:

1. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu cần tuyệt đối không sản xuất, kinh doanh các loại rượu pha chế từ nguyên liệu cồn không đảm bảo chất lượng, không nhãn mác, chưa công bố tiêu chuẩn.

2. Người tiêu dùng:

- Tuyệt đối không mua và sử dụng rượu có nguồn gốc trôi nổi, không rõ ràng.

- Không uống hoặc pha để uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong.

- Không nên uống rượu có nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá số lượng 30ml/người/ngày. Mỗi người dân cần cố gắng kiểm soát lượng uống ở mức nguy cơ thấp nhất trong một lần uống.

- Nên uống từ từ, kết hợp vừa ăn, uống xen kẽ với nước lọc.

- Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.

- Không uống rượu khi: không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không có giấy chứng nhận lưu hành của cơ quan chức năng có thẩm quyền; không uống rượu khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.

- Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia.

- Tuyệt đối không điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia.

- Không sử dụng các loại chai, lọ, bình, can phế liệu, tái chế hoặc trước đó đã đựng hoá chất... để đựng rượu.

Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814