24/7/2012 | 8:14:19 PM

Người có thai cần tránh những kháng sinh nào?

Khi cơ thể mắc bệnh do nhiễm khuẩn, việc sử dụng kháng sinh để điều trị là rất cần thiết. Nhưng với bà mẹ mang thai thì việc dùng kháng sinh phải hết sức thận trọng. Những kháng sinh dưới đây cần tuyệt đối tránh dùng ở bà mẹ mang thai...

Nhóm amioglycosid gây điếc vĩnh viễn

Kháng sinh nhóm aminoglycosid là một nhóm kháng sinh thường được sử dụng rất hay gặp trong điều trị các bệnh nhiễm trùng tai - mũi - họng, nhiễm trùng ổ bụng, nhiễm trùng màng não. Chúng ta có thể gặp kháng sinh này dưới các tên như gentamicin, amikacin, neomycin, streptomycin, tobramycin… Đặc biệt với các bệnh về phổi, thuốc hay được lựa chọn khi có hiện tượng viêm phổi xảy ra. Thuốc còn được sử dụng để bào chế các thuốc nhỏ mắt như tobra, tobrex…

Đối với phụ nữ đang mang thai hoặc có ý định sắp mang thai không được dùng các thuốc này. Nguyên nhân là thuốc có thể gây tổn thương thận và gây độc cho tai trong của em bé (gây điếc không hồi phục). Vì thế, bà mẹ mang thai không được dùng thuốc này để tránh nguy cơ ảnh hưởng tới sức nghe của trẻ sau này.

 Người có thai cần tránh một số loại thuốc kháng sinh làm ảnh hưởng tới thai nhi.

Nhóm tetracyclin gây hỏng

men răng

Tetracyclin là một kháng sinh đường ruột. Người ta thường dùng kháng sinh này để trị các bệnh đi ngoài do bị tả, kiết lỵ, nhiễm E.coli. Các nhiễm trùng tiêu hóa khác cũng rất nhạy cảm với kháng sinh này.

Đây cũng là một kháng sinh phổ thông ở các hiệu thuốc, các cơ sở y tế tuyến đầu vì giá thành của nó thấp. Tuy nhiên, cần lưu ý khi sử dụng với phụ nữ có thai vì nguy cơ làm hỏng men răng của trẻ. Người ta thấy rằng nếu như bà mẹ mang thai vào tháng thứ 7 trở đi mà dùng tetracyclin thì đứa trẻ sinh ra sẽ bị hỏng men răng, vàng xám hoặc hoen ố men răng. Đó là do tetracyclin kết hợp chặt chẽ với canxi tạo một phức hợp vô cùng bền vững.

Trước nguy cơ này, không nên dùng tetracyclin cho bà mẹ mang thai. Nếu là trường hợp cần thiết phải dùng thuốc điều trị thì nên dùng kháng sinh dòng khác an toàn hơn như cephalosporin.

Nhóm quinolon gây hỏng sụn

Đây cũng là nhóm kháng sinh phổ rộng như ciprofloxacin, pefloxacin. Chúng có ưu thế với các vi khuẩn trên hệ tiết niệu sinh dục, chúng kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn tạo điều kiện cho cơ thể tiêu diệt vi khuẩn bằng sức mạnh của hệ thống miễn dịch. Nhưng các kháng sinh này lại có nguy cơ gây ra rối loạn sự phát triển xương khớp trẻ em. Nếu bà mẹ dùng kháng sinh quinolon trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú thì đứa trẻ hoàn toàn bị “uống” kháng sinh này một cách thụ động.
 
Nồng độ kháng sinh trong cơ thể trẻ tăng lên. Và hệ quả là xương và sụn của đứa trẻ không phát triển được, thậm chí còn gây ra đứt gân gót. Điều này đồng nghĩa với việc đứa trẻ không thể kiễng chân lên được và bàn chân luôn bị gấp lại trong tư thế bàn chân chạm gót. Ngay cả khi một đứa trẻ dưới 10 tuổi uống phải kháng sinh này cũng bị hậu quả tương tự, vì tác hại trên hệ xương sụn là không thay đổi.

Nếu như các bà mẹ bị nhiễm trùng đường tiết niệu khi mang thai thì nên chọn một dòng kháng sinh khác an toàn hơn như nhóm beta lactam, spiramycin, metronidazol...

Kháng sinh chống nấm ketoconazol gây dị tật

Ketoconazol là một kháng sinh chống nấm quen thuộc. Thuốc có công hiệu mạnh với nấm da, nấm tóc và nấm móng. Các trường hợp như hắc lào, lang ben dùng ketoconazol có hiệu quả rất cao.

Thường thì người ta chỉ dùng dạng viên uống khi người bệnh bị nấm da thể nặng, diện rộng hoặc bị nấm móng, nấm tóc. Còn đa phần, thuốc được bào chế dưới dạng thuốc mỡ bôi. Người ta đã thu được bằng chứng rõ ràng là thuốc có thể gây độc cho thai nhi và gây ra dị tật dính ngón tay cho em bé mai sau.

Do đó, tránh tối đa nguy cơ sử dụng thuốc này là hết sức cần thiết. Nếu như bị nấm da thì nên sử dụng các thuốc tại chỗ là chủ yếu. Dùng dung dịch dùng ngoài như ASA, BSI sẽ ít độc với thai. Có thể dùng clotrimazol để thay thế nhưng chỉ bôi diện hẹp và trong các tháng giữa và cuối của thai kỳ. 

Kháng sinh đường ruột biseptol gây thiếu máu nặng

Biseptol là kháng sinh đường ruột quan trọng và phổ rộng. Nó rất có tác dụng với trường hợp bị nhiễm khuẩn tiêu hóa và người bệnh có dấu hiệu tiêu chảy nặng. Biseptol là thuốc dạng uống thường được dùng đi kèm khi người bệnh bị các bệnh như ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy cấp, nhiễm E.coli trong nguồn nước... thuốc tỏ ra rất có ưu thế.

Tuy nhiên, chúng ta cần hết sức lưu ý loại bỏ kháng sinh này ra trong danh mục các thuốc dùng trong thai kỳ. Vì cơ chế tác dụng của thuốc là ức chế có cạnh tranh với axit folic nhằm làm rối loạn chuyển hóa của vi khuẩn, làm cho vi khuẩn bị tiêu diệt. Nhưng một điều không may là thuốc lại kháng luôn cả axit folic của bà mẹ, đối tượng đang cần nhiều máu để nuôi con. Do đó, dùng thuốc này trong thời kỳ mang thai thì bà mẹ sẽ bị thiếu máu nặng. Hệ quả là mẹ thì thiếu máu và thai nhi thì thiếu dinh dưỡng cho phát triển.


Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814