24/2/2022 | 7:44:55 AM

Người nhiễm Omicron có biểu hiện đặc trưng nào?

Các triệu chứng thường gặp khi nhiễm Omicron là chảy nước mũi, nhức đầu, mệt mỏi, hắt hơi và đau họng, giống cảm lạnh thông thường.

Kể từ khi Omicron xuất hiện tại Nam Phi, các nhà khoa học đã ghi nhận rất nhiều triệu chứng đa dạng, từ mất vị giác và khứu giác đến phát ban ngoài da. Họ phát hiện không phải bệnh nhân nào nhiễm Omicron cũng có biểu hiện ho và sốt như giai đoạn đầu của đại dịch. Nhiều người báo cáo triệu chứng giống với cảm lạnh thông thường, một số F0 gặp tình trạng lạ hơn như đau lưng dưới.

Triệu chứng phổ biến nhất của Omicron là gì?

Các báo cáo về biểu hiện của Omicron khác nhau. Nhưng nhìn chung, biến chủng hoạt động giống như các chủng virus corona khác, chẳng hạn loại gây cảm lạnh, tiến sĩ Stephanie Sterling, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại NYU Langone Health, Mỹ, cho biết.

Theo Tim Spector, nhà dịch tễ học di truyền, người sáng lập công ty sức khỏe ZOE, 5 triệu chứng phổ biến nhất của người nhiễm Omicron là chảy nước mũi, nhức đầu, mệt mỏi, hắt hơi và đau họng.

"Các triệu chứng cũ như sốt, ho, mất khứu giác dần ít hơn khi virus phát triển từ Alpha đến Delta. Biểu hiện giống cảm lạnh trở nên phổ biến. Omicron cũng phát triển theo xu hướng này", Spector nói.

Một số nghiên cứu đưa ra kết luận khác. Discovery, công ty bảo hiểm sức khỏe lớn nhất Nam Phi cho biết ngạt mũi, đau rát hoặc ngứa họng, ho khan, đau lưng dưới là các triệu chứng của Omicron. Nghiên cứu nhỏ từ Na Uy phát hiện ho là biểu hiện phổ biến nhất sau nhiễm biến chủng, tiếp đến là chảy nước mũi và mệt mỏi. Giống với các chuyên gia tại ZOE, các nhà khoa học Na Uy cũng nhận định số người bị mất khứu giác, vị giác giảm đáng kể.

Triệu chứng của mỗi F0 khác nhau tùy thuộc vào thể trạng. Một số người vẫn gặp các vấn đề cổ điển như sốt và ho. Tiến sĩ Sterling nói: "Nếu bạn sống ở khu vực Omicron lưu hành phổ biến và lần thứ hai mắc một bệnh đường hô hấp, có thể bạn đã nhiễm Omicron". Trên thực tế, có nhiều trường hợp tái nhiễm nCoV trong thời gian ngắn 1-3 tháng tại nơi biến chủng này bùng phát.

Bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại bệnh viện Western Reserve ở Cuyahoga Falls, Ohio, Mỹ, tháng 1/2022l. Ảnh: Reuters

Bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại bệnh viện Western Reserve ở Cuyahoga Falls, Ohio, Mỹ, tháng 1/2022. Ảnh: Reuters

Có phải người nhiễm Omicron có triệu chứng nhẹ?

Dữ liệu từ các điểm nóng như Nam Phi, Anh và New York, Mỹ cho thấy biến chủng gây triệu chứng nhẹ hơn so với các phiên bản virus trước đây. Báo cáo của Anh từ cuối tháng 12/2021 cho thấy người nhiễm Omicron có tỷ lệ vào phòng cấp cứu hoặc nhập viện thấp bằng một nửa so với Delta.

Song triệu chứng "nhẹ" trên lý thuyết vẫn có thể gây ra cảm giác khó chịu với các F0, để lại di chứng Covid-19 kéo dài. Các nhà khoa học cũng chưa hoàn toàn rõ bản thân Omicron độc lực kém hơn các biến chủng cũ, hay khả năng miễn dịch tự nhiên và do vaccine của người dân khiến tỷ lệ chuyển nặng thấp hơn. Theo tiến sĩ Sterling, người dân vẫn nên tuân thủ các phương pháp phòng dịch, đặc biệt những ai chưa tiêm chủng hoặc có bệnh nền.

Tại sao triệu chứng Omicron không giống với biến chủng khác?

Dữ liệu ban đầu cho thấy Omicron chủ yếu tích tụ ở đường hô hấp trên, khác với cơ chế xâm nhập vào phổi. Điều này lý giải vì sao số ca tử vong sau nhiễm biến chủng giảm và nhiều người có triệu chứng ở đường hô hấp trên như ngạt mũi, đau họng.

Thông qua các xét nghiệm PCR hoặc test nhanh, người dân chỉ biết kết quả âm tính hoặc dương tính, không biết được mình nhiễm biến chủng nào. Các triệu chứng cung cấp dấu hiệu để đoán định biến chủng, song hai người tiếp xúc cùng loại virus ở một thời điểm vẫn có cảm giác khác nhau.

Vaccine đến nay vẫn là biện pháp y tế công cộng hiệu quả nhất bảo vệ người dân khỏi Covid-19, giảm khả năng xuất hiện triệu chứng hoặc chuyển nặng khi nhiễm biến chủng mới. Các nhà khoa học vẫn tiếp tục tìm hiểu về tác dụng của vaccine trên Omicron. Tuy nhiên, đã có nhiều ca nhiễm nCoV đột phá sau tiêm vaccine.

Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814