24/8/2018 | 8:34:40 PM

Những điều nên biết trước khi dùng thuốc

Bất kỳ một loại thuốc nào, dù để dùng để điều trị bệnh hoặc thuốc hỗ trợ nâng cao thể trạng đều có những nguyên tắc sử dụng. Nếu không nắm rõ được nguyên tắc cơ bản khi dùng thuốc, người bệnh có thể dùng sai và mang đến hậu quả không mong muốn. Dưới đây là những điều quan trọng mà trước khi sử dụng thuốc người bệnh cần phải biết.

Hạn dùng của thuốc

Trước khi dùng thuốc, cần kiểm tra hạn dùng và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc

Hạn dùng (hay ngày hết hạn) của thuốc có thể hiểu đơn giản là mốc thời gian mà sau mốc đó thì thuốc không nên dùng nữa. Điều này rất quan trọng, nếu chúng ta dùng thuốc sau mốc thời gian này thuốc sẽ có thể mất tác dụng ở một số hoạt chất. Hoặc nguy hiểm hơn là một số hoạt chất bị biến đổi trở nên độc, nếu dùng sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy tuyệt đối không sử dụng thuốc quá hạn.

Theo quy định của Bộ Y Tế, hạn dùng của thuốc được ghi trên bao bì của thuốc và theo quy tắc sau:

Số chỉ ngày gồm hai con số (có thể có hoặc không). Số chỉ tháng gồm hai con số hoặc tên tháng bằng chữ. Số chỉ năm là hai con số cuối của năm. Ví dụ: 01/08/18, tức là hạn cuối cùng sử dụng thuốc là ngày 1 tháng 8 năm 2018. Tương tự với bao bì ghi: 08/18 hoặc tháng tám/18, tức là hạn sử dụng cuối cùng  là tháng 8.2018. Nếu hạn sử dụng của thuốc là 08/18 có nghĩa là thuốc được sử dụng đến hết ngày 31/08/2018 sang ngày 01/09 thì không sử dụng được nữa. Hay hạn dùng là 01/08/18 có nghĩa là được phép dùng thuốc đến 24h đêm ngày 01/08/18 Đây là quy định của Bộ Y Tế (Theo Thông tư 04/2008/TT-BYT) nên điều này là hoàn toàn chính xác.

Một số thuốc ghi hạn dùng bằng cách ghi ngày sản xuất và kèm theo hạn dùng là số tháng, từ đó chúng ta biết được ngày hết hạn của thuốc. Ví dụ: Ngày sản xuất: 01/08/17, hạn dùng: 24 tháng. Từ thông tin này ta biết ngày hết hạn là 01/08/19.

Sử dụng cùng lúc thuốc Tây y và Đông y có được không?

Nên hạn chế điều này, tốt nhất nên uống hết thuốc Tây y (tác dụng nhanh hơn) sau đó chuyển qua Đông y (tác dụng chậm hơn). Tuy nhiên, có nhiều trường hợp bắt buộc phải uống cả hai cùng lúc thì chúng ta nên uống cách nhau ít nhất 02 tiếng. Vì nếu uống cùng lúc (hay cách nhau chút ít) thì có thể hai loại thuốc này tương tác với nhau dẫn đến giảm hiệu quả cùa thuốc hay nặng hơn là chuyển hóa thành các chất độc hại dẫn đến tình trạng ngô độc.

Các hướng dẫn sử dụng thuốc

Tương tác thuốc: Tương tác thuốc là hiện tượng xảy ra khi dùng đồng thời 2 hoặc nhiều thuốc. Hậu quả của tương tác thuốc có thể là tăng tác dụng (hiệp đồng), giảm tác dụng (đối kháng) hoặc tạo ra một tác dụng khác.

Các bác sĩ hay dược sĩ hiểu rõ điều này và thường dùng kết hợp cùng lúc nhiều loại thuốc để chúng tương tác với nhau, tác dụng qua lại lẫn nhau nhằm mục đích làm tăng tác dụng điều  trị

Nếu bạn là người tự đi mua thuốc không theo đơn, thì nên nhờ dược sĩ tư vấn và cần kể rõ các loại thuốc hiện đang sử dụng. Như vậy, dược sĩ bán thuốc có thể giúp bạn tránh được việc dùng chung các loại thuốc gây bất lợi.

Tác dụng phụ: Theo những nghiên cứu gần đây thì ngày càng có nhiều ca gặp phản ứng có hại khi dùng thuốc. Đó chính là các tác dụng phụ của các hoạt chất có trong thuốc gây ra. Trong phiếu chỉ dẫn của mỗi hộp thuốc đều có ghi thông tin này (là phần ghi những tác dụng không phải dùng trong điều trị, xảy ra ngoài ý muốn).

Tuy nhiên, để giảm thiểu rủi ro trong vấn đề này chúng ta cần chú ý những điều sau: Hạn chế số lượng thuốc trong một đơn thuốc (ở nước ngoài, thường trong một đơn thuốc chỉ tối đa 03 loại thuốc). Khi đi mua thuốc phải nói rõ với người bán thuốc tiền sử dị ứng thuốc. Đọc kỹ phần tác dụng phụ trong phiếu chỉ dẫn của thuốc. Cân nhắc và nói rõ cho người bán thuốc bản thân mình đang gặp vấn đề sức khỏe liên quan đến bệnh gan, thận, đang định có thai hay đang có thai

Chỉ định của thuốc: Là phần ghi những trường hợp dùng thuốc. Có thể ghi trường hợp bệnh hoặc ghi trị tác nhân bệnh hoặc dùng để dự phòng. Chúng ta cần đọc kỹ phần này để xem thuốc có phù hợp với bệnh đang được điều trị hay không.

Chống chỉ định: Phải hiểu là “chống chỉ định tuyệt đối”, tức là không vì lý do nào đó được linh động dùng thuốc. Ví dụ: thuốc được ghi chống chỉ định đối với trẻ dưới 15 tuổi, chúng ta phải tuyệt đối theo đúng điều này, đừng vì thấy trẻ 13 – 14 tuổi cao lớn, có vẻ già dặn mà lại cho dùng thuốc.

Thận trọng: Có thể được xem là “chống chỉ định tương đối” nghĩa là có những trường hợp không được dùng thuốc nhưng không cấm hoàn toàn. Ví dụ, trong toa thuốc ghi: “Người lái xe hay vận hành máy móc cần thận trọng khi sử dụng thuốc do thuốc có thể gây buồn ngủ ngầy ngật”, chúng ta nên hiểu người lái xe hay vận hành máy móc nếu phải làm việc nên tránh dùng thuốc, còn không làm việc vẫn có thể dùng. Hoặc thuốc ghi: “Thận trọng khi chỉ định cho trẻ dưới 2 tuổi”, có nghĩa là tốt nhất nên tránh dùng cho trẻ dưới 2 tuổi, nhưng vì sự cần thiết bác sĩ vẫn có thể chỉ định thuốc cho trẻ và theo dõi kỹ.

Cách dùng, liều dùng: Ghi cách dùng thuốc như thế nào như: ngậm dưới lưỡi, uống hoặc tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch… Còn liều được ghi: liều dùng cho 1 lần, liều trong 24 giờ (tức trong một ngày). Liều cho một đợt điều trị. Ví dụ: Thuốc được ghi: 500mg x 3 lần/ngày, trong 10 ngày, có nghĩa là mỗi lần dùng 500mg thuốc (thường là uống 1 viên chứa 500mg hoạt chất), dùng 3 lần trong ngày, dùng trong 10 ngày liên tiếp.

Thành phần của thuốc: Trong toa hướng  dẫn sử dụng thuốc có ghi rõ tên hoạt chất và các tá dược. Chẳng hạn thuốc có tên biệt dược là zentel hoặc albendazol, thì trong thành phần ghi hoạt chất chính là albendazole là thuốc trị giun sán và thêm khá nhiều tá dược để tạo thành thuốc viên nén.

Chúng ta cần biết tên hoạt chất vì đây chính là tên thuốc dùng cho việc điều trị. Nhiều người cao tuổi tự ý dùng nhiều loại biệt dược khác nhau, tưởng là các loại thuốc khác nhau, nhưng thực chất chỉ là một loại hoạt chất đưa đến ngộ độc vì dùng quá liều.

Do vậy, trong quá trình dùng thuốc ngoài việc tuân theo chỉ định của bác sĩ, thì bệnh nhân cũng cần phải đọc và hiểu về thuốc trước khi sử dụng.

Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814