1/9/2017 | 9:29:32 AM

Những sai lầm khi dùng kháng sinh khiến bệnh thêm nặng

Việc Alexander Fleming tìm ra penicillin đã mở ra kỷ nguyên mới cho ngành công nghiệp kháng sinh.

Sau đó, hàng loạt những kháng sinh thế hệ sau với nhiều ưu điểm được nghiên cứu phát triển để điều trị hiệu quả nhiều bệnh lý nhiễm khuẩn. Ngược lại, nếu sử dụng kháng sinh không đúng cách, có thể khiến bệnh tình của bệnh nhân trở nên nghiêm trọng, quá trình điều trị khó khăn và tốn kém hơn.

Những sai lầm thường gặp

Dùng khi không cần thiết: Hiện nay, kháng sinh là một nhóm thuốc có vai trò cực kỳ quan trọng trong điều trị các bệnh lý nhiễm khuẩn. Kháng sinh giúp ngăn cản sự sinh sôi hoặc tiêu diệt các vi khuẩn nhạy cảm, do đó, giúp giảm thiểu các biến chứng nghiêm trọng của những bệnh do viêm nhiễm vi khuẩn, giảm đáng kể chi phí điều trị và tỉ lệ tử vong.

Thế nhưng, bên cạnh vi khuẩn còn có virut, vi nấm và các loại ký sinh trùng... là nguyên nhân gây bệnh với những triệu chứng dễ nhầm lẫn, khó chẩn đoán phân biệt. Những sinh vật này có cấu trúc khác nhau mà mỗi kháng sinh hay hóa trị liệu chỉ có hiệu quả trên một số loài nhất định còn nhạy cảm.

Những sai lầm khi dùng kháng sinh khiến bệnh thêm nặngCần tránh những sai lầm thường gặp khi dùng kháng sinh để đạt mục tiêu điều trị.

Một số cách dùng kháng sinh không đúng khiến vi khuẩn kháng thuốc có thể kể đến như: Các bác sĩ kê đơn kháng sinh theo kinh nghiệm trước khi nhận được kết quả xét nghiệm xác định nguyên nhân gây ra nhiễm trùng thực sự. Hoặc những người muốn giảm nhanh chóng các triệu chứng, bất kể nguyên nhân gây bệnh là gì, gây áp lực buộc các bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh. Thậm chí, có bệnh nhân tìm thông tin trên mạng để tự chẩn đoán bệnh và dùng thuốc cho mình hay dùng kháng sinh còn lại từ đơn thuốc trước đó... Tất cả những yếu tố lạm dụng kháng sinh này đều là nguyên nhân chủ chốt góp phần gây kháng kháng sinh. Những vi khuẩn sống sót sau khi điều trị bằng kháng sinh đều có thể trải qua biến dị để thay đổi cấu trúc hoặc có cách bảo vệ chúng khỏi tác động của thuốc và có thể tiết ra những hóa chất gây bất hoạt kháng sinh. Sau đó chúng nhân lên rất nhanh và dễ dàng truyền tính đề kháng kháng sinh sang vi khuẩn khác để giúp nhau cùng tồn tại.

Dùng không đúng liều lượng, không đủ thời gian: Việc không uống thuốc kháng sinh theo quy định về liều lượng và thời gian có thể góp phần gây đề kháng kháng sinh. Vì mỗi kháng sinh cần duy trì nồng độ thuốc trong máu trong một khoảng thời gian nhất định mới đem lại hiệu quả diệt khuẩn như mong muốn. Nếu bệnh nhân dùng kháng sinh không đúng liều và đủ thời gian cần thiết, vi khuẩn gây bệnh không bị tiêu diệt nhưng đã nhận được thông tin của kháng sinh, tìm ra được biện pháp đề kháng sau đó lưu giữ thông tin qua các thế hệ và truyền sang loài vi khuẩn khác.

Không chú ý đến tương tác của kháng sinh với thuốc khác hoặc với thức ăn, đồ uống: Các thuốc dùng cùng với kháng sinh có thể gây ảnh hưởng đến quá trình hấp thu hoặc chuyển hóa và thải trừ của kháng sinh, do đó ảnh hưởng đến nồng độ thuốc trong máu khiến hiệu quả điều trị không đạt được hoặc độc tính tăng cao. Nếu kháng sinh bị giảm hấp thu hoặc tăng chuyển hóa - đào thải, dẫn tới nồng độ thuốc trong máu giảm và hiệu quả điều trị giảm. Ngược lại, kháng sinh bị tăng hấp thu, hay giảm chuyển hóa - đào thải, nồng độ thuốc trong máu tăng, có thể gây nguy cơ ngộ độc kháng sinh cho bệnh nhân. Ví dụ, thuốc antacid có chứa các ion kim loại đa hóa trị có khả năng tạo phức làm giảm hấp thu một số kháng sinh nhóm tetracyclin và fluoroquinolon. Hoặc phenobarbital làm tăng chuyển hóa chloramphenicol; cimetidine làm giảm chuyển hóa erythromycin…

Cách dùng khác khiến bệnh nhân gặp nguy hiểm là khi phối hợp kháng sinh với một số thuốc khác có cùng kiểu độc tính trên một cơ quan, làm tăng nguy cơ biểu hiện độc tính trên cơ quan đó. Ví dụ khi dùng furosemide với một số kháng sinh aminoglycoside hoặc cephalosporin cùng có độc tính cao với thận và thính giác, nguy cơ ảnh hưởng tới chức năng thận và thính giác cao hơn khi dùng đơn độc từng thuốc.

Tương tự như trên, một số thực phẩm như cam, quýt, bưởi... và bia rượu có thể gây tương tác bất lợi với thuốc kháng sinh trong giai đoạn hấp thu hoặc chuyển hóa làm giảm hiệu quả điều trị hoặc tăng độc tính của thuốc.

Hậu quả của những sai lầm này là gì?

Sử dụng kháng sinh không đúng cách với những sai lầm thường gặp kể trên khiến tình trạng bệnh diễn biến phức tạp hơn, người bệnh phải đi khám nhiều lần hơn, thậm chí phải sử dụng thuốc đắt tiền hơn gây thiệt hại về sức khỏe, kinh tế. Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp lạm dụng kháng sinh dẫn đến hậu quả kháng với nhiều loại kháng sinh khi thực hiện kháng sinh đồ và nhiều trường hợp đã không còn đáp ứng với kháng sinh khi bị viêm nhiễm nữa dẫn đến tử vong.

Một số lưu ý để sử dụng kháng sinh hiệu quả và an toàn

Để kháng sinh thực hiện đúng, đủ vai trò diệt vi khuẩn gây bệnh, người bệnh cần nhận thức đúng về việc sử dụng kháng sinh an toàn, hiệu quả, giảm thiểu đề kháng bằng cách: Chỉ sử dụng kháng sinh theo đơn của bác sĩ, khi đi khám nên mang theo các đơn thuốc đang sử dụng, kể cả vitamin hay thực phẩm chức năng để bác sĩ có thêm căn cứ lựa chọn kháng sinh, hạn chế những tương tác bất lợi; không dùng kháng sinh theo đơn thuốc của người khác; không dùng lại kháng sinh còn thừa từ đợt điều trị trước để đảm bảo hiệu quả điều trị; không dùng kháng sinh để điều trị bệnh lý nhiễm vi sinh vật khác ngoài vi khuẩn, tuân thủ y lệnh về liều dùng, thời gian dùng thuốc; không nên đòi hỏi bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh cho mình vì tình trạng bệnh không cần thiết sử dụng; nếu quên không uống thuốc một lần, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ để bổ sung vào thời gian thích hợp, tránh hiện tượng quá liều. Bên cạnh đó, khi dùng thuốc nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng đặc biệt là mục tương tác thuốc, liều dùng, cách dùng, tác dụng không mong muốn trước phần “tuân thủ y lệnh...” và nếu thấy có bất cứ biểu hiện bất thường hoặc dấu hiệu tiến triển tăng nặng của bệnh cần tham vấn ý kiến của cán bộ y tế.

Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814