22/9/2012 | 10:04:07 PM

Phòng bệnh dị ứng do ánh nắng

Với bạn, việc nằm dài trên bãi biển phơi nắng trong những kỳ nghỉ là một thú vui hoặc có thể tiếp xúc với ánh nắng bình thường thì đối với một số người đó lại là niềm ao ước, có khi là nỗi sợ hãi bởi vì họ bị chứng “dị ứng do ánh nắng”…

Dị ứng ánh nắng là tình trạng da bị kích thích dưới tác dụng của ánh nắng mặt trời. Đây là một bệnh khá phổ biến với các biểu hiện từ nhẹ đến nặng như mẩn ngứa, nổi ban, phỏng rộp da,... xảy ra ở vùng da sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Cùng tiếp xúc với ánh nắng nhưng tại sao dị ứng chỉ xảy ra ở một số người? Hiện nay người ta cho rằng vấn đề này có thể liên quan đến gene. Phần lớn những người dị ứng với ánh nắng bị vào mùa thu, mùa hè và lúc cường độ ánh nắng mạnh nhất. Tuy vậy, trong một số trường hợp nặng, bệnh nhân bị ngay cả vào mùa đông, thậm chí dị ứng với cả ánh sáng trong nhà.

Da mẩn ngứa là biểu hiện dị ứng nhẹ do ánh nắng. Ảnh: MH

Các loại hình dị ứng với ánh nắng

Có bốn loại hình dị ứng với ánh nắng. Thứ nhất là triệu chứng nổi ban đa hình thái sau khi tiếp xúc với ánh nắng vài phút đến vài giờ. Ban đầu xuất hiện mẩn ngứa, nổi sẩn với hình thái màu trắng hoặc vàng trên nền viêm đỏ. Các mảng sẩn phẳng có thể tiến triển rộng nên một số trường hợp còn được gọi là “nhiễm độc ánh nắng”. Triệu chứng sẽ mất đi sau một thời gian không tiếp xúc với ánh nắng và đây là hình thái hay gặp nhất của dị ứng ánh nắng, thường xảy ra trong dịp thu.

Ngứa sần quang hóa thường xảy ra ở trẻ em hoặc người trẻ. Triệu chứng bao gồm những mảng ngứa sần trên da lan rộng tới cả những vùng không tiếp xúc với ánh nắng. Các nốt sần này có thể phù nề sau đó loét ra, thậm chí gây các vết viêm nứt trên môi, má, cổ, cánh tay và có thể để lại sẹo. Nhìn chung, các triệu chứng xuất hiện trong mùa hè và giảm dần vào dịp thu.

Viêm da quang hóa mạn tính là những mảng sần viêm khô, ngứa nhiều trên bề mặt da. Vị trí tổn thương thường ở trên mặt, da đầu, cổ, gáy, nửa trên ngực, mặt sau cánh tay, bàn tay. Giữa vùng tổn thương có thể có vùng da lành và đôi khi triệu chứng xuất hiện ở lòng bàn tay hoặc ở cẳng chân. Biểu hiện của viêm da quang hóa mạn tính thì tương tự với biểu hiện của viêm da tiếp xúc nên nhiều khi dẫn đến chẩn đoán sai.

Chứng nổi mày đay do nắng bắt đầu xảy ra sau vài phút tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Tổn thương trên da là các mảng phát ban, ngứa và mụn nước. Loại hình tổn thương này có cả ở vùng da có và không tiếp xúc với ánh nắng. Loại hình dị ứng với ánh nắng này thường có ở tuổi trung niên và tiến triển tốt lên sau khi ngừng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ

Tại sao ánh nắng lại có thể gây dị ứng? Các nhà khoa học cho rằng chính tia cực tím trong ánh nắng mặt trời là thủ phạm. Khi tia cực tím xuyên qua da sẽ làm tổn thương tế bào và làm biến đổi tính chất của một số protein trong tế bào. Các protein, sau khi bị biến đổi tính chất hóa lý sẽ trở thành “protein lạ” hay là các kháng nguyên đối với cơ thể.

Do vậy, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ sinh kháng thể để chống lại và phản ứng dị ứng xảy ra. Một số loại thuốc, hóa chất (như dầu gội đầu, hóa chất điều trị ung thư…)  hay tình trạng bệnh lý như lupus ban đỏ hệ thống có thể làm tăng tính nhạy cảm với ánh sáng của da, làm nặng thêm hoặc xuất hiện tình trạng dị ứng với ánh nắng.

Một số yếu tố nguy cơ dị ứng với ánh nắng bao gồm chủng tộc (như người Cáp-ca thì hay bị chứng dị ứng ánh nắng loại ban đa hình thái, trong khi chứng ngứa sần quang hóa lại hay xảy ra ở người bản xứ châu Mỹ); tiền sử tiếp xúc với một số loại mỹ phẩm, chất sát khuẩn trước khi tiếp xúc với ánh nắng; Sử dụng một số loại thuốc cũng có nguy cơ tăng khả năng dị ứng với ánh nắng như các thuốc chống viêm giảm đau, các thuốc kháng sinh nhóm tetracycline… Nguy cơ dị ứng với ánh nắng sẽ tăng lên nếu như bệnh nhân có tiền sử viêm da tiếp xúc hoặc gia đình có người ruột thịt bị chứng dị ứng với ánh nắng.

Điều trị và phòng ngừa

Điều trị chứng dị ứng do nắng bao gồm sử dụng thuốc nhóm corticoide dạng bôi ngoài da và loại uống cũng như các thuốc kháng histamin khi đã có triệu chứng. Có thể sử dụng đèn chiếu tia cực tím vào vùng da có nguy cơ tiếp xúc nhiều với ánh nắng để cho da quen với ánh nắng mặt trời.

Các biện pháp dự phòng bao gồm tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng, luôn tránh cho da bị khô bằng cách sử dụng các loại kem thích hợp, sử dụng các biện pháp phòng tráng ánh nắng như đeo kính râm, mặc đồ chống nắng… khi phải đi ra ngoài. Khi đã có biểu hiện của triệu chứng dị ứng với ánh nắng, bạn cần đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn cụ thể về cách phòng tránh loại bệnh này.

Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814