12/10/2012 | 10:12:47 AM

Phụ gia bẩn, trăm người mua vẫn thua một người bán

Phụ gia giúp thực phẩm có màu sắc đẹp, mùi vị đặc sắc, ngon miệng hơn. Tuy nhiên, phụ gia thực phẩm lại gây hại cho sức khỏe nếu người dùng mù mờ về nó.
Hiện có không ít các cơ sở sản xuất bún, bánh phở mà muốn mua các chất tạo rắn, giòn, dai hoặc là muốn mua chất tạo màu, tạo ngọt… đều có thể tìm đến chợ Kim Biên, TP.HCM. Những người kinh doanh (KD) hóa chất ở đây cho biết, hóa chất gì đến chợ Kim Biên cũng có. Từ các loại hóa chất dùng trong công nghiệp, hóa chất dùng trong thực phẩm đến kể cả hóa chất độc hại bị cấm. Mặt hàng hương liệu, phụ gia thực phẩm ở đây cũng rất phong phú, đa dạng.
 
Phổ biến nhất là các loại hương liệu chế biến nước uống, nước giải khát như: ca cao, chanh, cà phê, táo, dâu, nho… cho tới các hương liệu để pha chế ra một ly trà sữa. Giá các loại hương liệu này chỉ khoảng 20.000 - 30.000 đồng/100ml. Ngoài ra, tại chợ Kim Biên cũng xuất hiện nhiều loại hương liệu chế biến thực phẩm mới để tạo mùi và màu như thịt heo, bò, gà, tôm, cua… với giá từ 30.000 - 40.000 đồng/100g hoặc 100ml.
 
 Mua bán phụ gia thực phẩm cần được quản lý chặt chẽ.   Ảnh: Nguyễn Phan
Còn tại Hà Nội, trong vai tiểu thương đi mua hóa chất phụ gia thực phẩm, chúng tôi tìm đến phố Hàng Buồm. Ghé vào một cửa hàng chuyên KD mặt hàng phụ gia thực phẩm. Khi tôi hỏi mua đường hóa học về làm kem, chị chủ hàng lấy ra một túi đường hóa học trắng tinh, dạng viên nhỏ như hạt đỗ, nặng khoảng 500g, không hề có nhãn mác rồi xé ra bán lẻ theo yêu cầu của khách.
 

Theo Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm thế giới (Codex), hiện có khoảng 700 loại phụ gia thực phẩm và hơn 2.000 loại hương liệu được phép sử dụng. Riêng Việt Nam cho phép sử dụng 23 nhóm với 337 chất phụ gia thực phẩm (bao gồm cả hương liệu). Con số này là khá ít so với các nước khác như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc. Tuy nhiên, trên thị trường hiện còn trôi nổi rất nhiều loại phụ gia thực phẩm nằm ngoài danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng.

Theo lời hướng dẫn sử dụng thì loại đường hóa học này về rang lên rồi ngâm vào nước, 1 lạng ngâm trong khoảng 10 lít nước, khi làm kem, nấu chè hay thậm chí nấu phở, chỉ cần cho vào khoảng 3 chén nước pha đường này là ngọt bằng cả nửa cân đường trắng. Theo quan sát, không khó để thấy cửa hàng vẫn bán các phụ gia thực phẩm bị cấm như hàn the, đường hóa học,… Tất nhiên, việc mua bán các loại phụ gia này diễn ra khá cẩn trọng, thường chủ cơ sở chỉ bán cho khách quen, các tiểu thương, còn nhìn mặt khách lạ là giấu biệt nên không dễ để cơ quan chức năng phát hiện.

Cần phối hợp liên ngành

Ông Nguyễn Phú Cường, Vụ phó Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Công Thương) cho rằng, không thể có đủ lực lượng cán bộ đi đến từng gian hàng ở chợ để kiểm tra từng miếng thịt, hộp kẹo mà phải có sự chung tay của cả cộng đồng. “Tôi không nghĩ người bán sản phẩm vô lương tâm đến mức dù biết tác hại của phụ gia thực phẩm độc hại nhưng vẫn cố tình sử dụng. Quan trọng là chúng ta phải tuyên truyền cho họ hiểu”, ông Cường nói.

Theo Luật An toàn thực phẩm, ngành y tế được giao chức năng quản lý chất phụ gia thực phẩm, nhưng muốn quản lý được chặt chẽ chất này từ đầu vào (trồng trọt, chăn nuôi) đến đầu ra (chế biến thành thực phẩm) cần có sự phối hợp liên ngành: Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương và Cảnh sát môi trường. Để làm tốt công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở KD thực phẩm, Hà Nội đã cấp cho tất cả các xã, phường bộ test thử nhanh để phục vụ mục đích kiểm tra ATVSTP trên địa bàn. Bộ test này có thể phát hiện được bằng định tính chất hàn the, folmaldehyde, giấm, phẩm màu công nghiệp có trong thực phẩm. Những mẫu thực phẩm nghi ngờ sẽ được chuyển đến các labo được cấp phép để kiểm nghiệm lại.

Tuy nhiên, nhiều cơ sở sản xuất, KD thực phẩm vì mục tiêu lợi nhuận đã cố tình sử dụng phụ gia thực phẩm không đúng liều lượng và chủng loại cho phép, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người tiêu dùng. 


Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814