14/7/2012 | 8:14:36 PM

Rau sạch không phải là rau an toàn!

Kết quả điều tra ý kiến người tiêu dùng về rau an toàn và rau hữu cơ thực hiện tại 6 tỉnh miền Bắc do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) thực hiện và công bố mới đây cho thấy, có đến hơn 90% không thể phân biệt rau an toàn và không an toàn bằng mắt thường

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vậy rau có thực an toàn hay không vẫn đang làm băn khoăn của không ít người tiêu dùng trước một thực trạng thật - giả lẫn lộn. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) nói:

Chúng tôi chia sẻ những lo lắng rất chính đáng của người tiêu dùng trước các vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện nay tình trạng ô nhiễm thực phẩm rất đáng lo ngại, cùng đó thì việc lạm dụng hóa chất bảo vệ thực vật, chất kích tăng trưởng, thậm chí sử dụng các hóa chất ngoài danh mục cũng không phải là hiếm.

Điều này có thể do không biết hoặc cố tình, bởi thực tế có những hộ trồng riêng rau cho gia đình họ ăn còn rau phun thuốc thì họ bán ra ngoài thị trường, mặc dù thời gian hóa chất phân hủy hóa chất là chưa đủ.

Ông đánh giá như thế nào về thị trường rau an toàn ở Việt Nam?

Thực tế thì tỷ lệ rau sạch còn rất khiêm tốn, cung không đáp ứng đủ cầu. Nằm trong khuôn khổ dự án “Nâng cao nhận thức NTD về rau an toàn”, tháng 11- 2011, Vinastas đã tiến hành một cuộc điều tra trên diện rộng tại 6 tỉnh, thành phía Bắc gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang nhằm tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu, hiểu biết của người tiêu dùng về rau an toàn.

Kết quả điều tra cho thấy đa số người tiêu dùng được hỏi đều coi rau xanh là thực phẩm quan trọng nhất trong bữa ăn gia đình. Thế nhưng ngay tại Hà Nội có đến hơn 90% được hỏi không thể phân biệt được giữa rau an toàn và rau không an toàn bằng mắt thường

Như vậy có nghĩa rằng cụm từ “rau sạch” chưa hẳn đã an toàn? Với sự “bùng nổ” của các cửa hàng rau sạch thời gian qua theo ông có thực sự là rau sạch hay không?

Theo tôi câu hỏi này dành cho cơ quan chức năng thì sẽ có câu trả lời chính xác. Còn theo quan sát của Vinastas thì quan điểm sạch ở đây còn rất trừu tượng vì từ “sạch” có thể hiểu theo cách mang rau từ ruộng vườn lên rửa sạch cho hết đất nhưng nước rửa chưa chắc đã sạch. Hội chúng tôi có quan niệm rằng rau thì phải đảm bảo tiêu chí an toàn chứ không phải rau sạch.

Người tiêu dùng cần rau an toàn chứ sạch không phải là đích cuối cùng, bởi sạch ở đây có thể là rau không bẩn không có sâu, có đất nhưng chưa chắc đã an toàn. Với các sản phẩm rau an toàn tôi cho rằng việc sản xuất và kinh doanh đòi hỏi kiểm soát chặt chẽ theo quy trình khép kín từ việc đánh giá điều kiện trồng, kiểm soát quá trình trồng cho đến khâu chế biến và phân phối.

Vậy làm cách nào để người tiêu dùng có thể tiếp cận được các sản phẩm rau an toàn, thưa ông?

Hiện nay rau gọi là rau an toàn cũng chỉ đáp ứng một phần nhỏ so với nhu cầu, còn lại vẫn phải mua rau có thể chưa được gọi là an toàn. Các cụ ta có câu “cơm không rau như đau không thuốc”, thiếu rau thì rất xót ruột nên rau có thể không sạch, không an toàn những đôi lúc người tiêu dùng vẫn phải làm ngơ để ăn. Với chức năng bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, chúng tôi khuyến cáo nên chọn những cửa hàng rau quen thuộc, có địa chỉ rõ ràng, tin cậy vì đây là vấn đề sức khỏe của cả gia đình không thể mua bán theo kiểu may rủi.

Trước khi sử dụng nên rửa nhiều lần để thôi bớt hóa chất, đặc biệt rửa dưới vòi nước chảy. Về phía người sản xuất phải coi trọng sức khỏe người tiêu dùng vì đảm bảo an toàn sức khỏe là 1 trong 8 quyền cơ bản của người tiêu dùng mà Luật Người tiêu dùng đã quy định.

Về lâu dài, chỉ có kiểm soát tốt chất lượng từ khâu sản xuất đến khâu lưu thông với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và cơ quan có trách nhiệm mới bảo đảm rau an toàn lưu thông trên thị trường thật sự an toàn được.

Có phải vì lý do này mà Vinastas đã công bố một bản đồ rau an toàn để người tiêu dùng có cơ sở lựa chọn hay không, thưa ông?

Đúng vậy, cuối năm 2011 Vinastas đã công bố danh sách các cửa hàng bán rau an toàn, rau hữu cơ và vùng sản xuất rau tại Hà Nội qua địa chỉ: www.rausach.nguoitieudung.com.vn với trên 60 cửa hàng và chuỗi cửa hàng nằm ở các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội.

Khi nhắc đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm người ta hay kêu gọi bằng cụm từ “Hãy làm người tiêu dùng thông thái”, quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Theo tôi nói như vậy là đặt gánh nặng trách nhiệm cho người tiêu dùng. Đúng là trong điều kiện hiện nay, người tiêu dùng rất cần sự thông thái nhưng đó chỉ là xem xét hàng đó xuất xứ ở đâu, còn hạn hay hết hạn...

Không thể nói người dân ăn phải rau có thuốc trừ sâu, bị ngộ độc do không thông thái, vì thực tế có những loại hóa chất đến máy móc cũng không thể tìm ra được huống chi là chúng ta là “người trần mắt thịt”.

Do đó cách tốt nhất là mua sản phẩm ở những nơi có địa chỉ rõ ràng, ngoài ra hàng hóa phải có nhãn để biết nguồn gốc xuất xứ ở đâu. Đặc biệt cơ quan chức năng phải vào cuộc vì nguồn gốc xuất xứ ghi trên nhãn chưa hẳn đã đúng và không ai khác chỉ có cơ quan chức năng mới có quyền kiểm tra xem xét nguồn gốc có đúng với hóa đơn chứng từ ghi trên nhãn so với thực chất sản phẩm bán tới tay người tiêu dùng là đúng hay không.

Với chức năng bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, theo ông chế tài xử phạt đối với các đơn vị sai phạm đã đủ mạnh hay chưa?

Hàng năm chúng tôi tiếp nhận xử lý toàn quốc khoảng 1.000 vụ khiếu nại của người tiêu dùng trong đó có nhiều vụ liên quan đến an toàn thực phẩm. Tuy nhiên cũng chưa có trường hợp nào khiếu kiện vì sử dụng các thực phẩm rau củ quả nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật.

Thực ra cũng rất khó vì có những trường hợp ăn rồi, đi cấp cứu mới nghi ngờ nguyên nhân do ăn rau quả lạm dụng hóa chất, lúc này thì rau cũng ăn hết rồi, không còn bằng chứng để kiện. Theo luật người tiêu dùng ngoài 8 quyền có 2 nghĩa vụ và khi phát hiện có vấn đề phải có trách nhiệm thông báo cho các đơn vụ cung cấp chứ không nên bỏ qua.

Thực tế thì thời gian qua ý thức của người tiêu dùng đối với vấn đề về an toàn thực phẩm đã tốt hơn rất nhiều, vì thế khiếu nại cũng nhiều hơn.Có các vấn đề liên quan đến quyền lợi của mình NTD có thể gọi đến Hội tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi NTD theo số điện thoại 04. 3852 0981 (khu vực phía Bắc)-  và 08 3821 5294 (khu vực phía Nam).

Địa chỉ của Hội tại 214/22 Tôn Thất Tùng, quận Đống Đa, Hà Nội. Tuy nhiên tôi cho rằng chế tài xử phạt như hiện nay có thể còn chưa đủ sức răn đe nên có những hành vi sai phạm cơ quan chức năng đã phạt rồi nhưng vẫn tái phạm.

Cảm ơn ông!




Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814