19/7/2017 | 1:29:29 PM

"Rình rập" nguy cơ ngộ độc từ những thực phẩm quen thuộc

Từ trái cây, rau sống, nước quả đến thịt thà, xúc xích... tất cả đều có thể trở thành nguồn ngộ độc khi không được bảo quản và chế biến đúng cách.

Listeria: Trái cây và rau sống

Vi khuẩn Listeria có thể nhiễm ở nông sản tươi, như dưa lưới, cũng như một số thực phẩm chế biến sẵn, như pho mát. Các triệu chứng nhiễm trùng bao gồm sốt, đau cơ, đau bụng, hoặc tiêu chảy - xảy ra trong 2 ngày đến 2 tháng sau khi phơi nhiễm.

An toàn: Rửa sạch nông sản sống và để ráo nước trước khi cắt. Cất trong tủ lạnh dưới 4oC. Rửa sạch mọi thứ có tiếp xúc với toàn bộ quả dưa.

Listeria: Sữa chưa tiệt trùng

Các sản phẩm sữa được chế biến từ sữa sống, bao gồm sữa chua và pho mát mềm như Brie, Feta, và Quesco Mexico, có thể chứa listeria. Vì listeria có thể sống ở nhiệt độ lạnh hơn, nên việc làm lạnh các thực phẩm này sẽ không tiêu diệt được vi khuẩn. Những người có nguy cơ mắc bệnh cao nhất bao gồm người già, phụ nữ có thai, và những người có hệ miễn dịch suy yếu.

An toàn: Kiểm tra nhãn. Đảm bảo sản phẩm có ghi "đã tiệt trùng"

Listeria: Thịt chế biến sẵn và xúc xích

Đôi khi listeria thâm nhập được vào dây chuyền chế biến thực phẩm, và có thể sống ở đó nhiều năm. Việc gia nhiệt sẽ giết chết listeria, nhưng ô nhiễm có thể xảy ra sau khi nấu và trước khi đóng gói - ví dụ, nếu thực phẩm bị đặt lên quầy mà trước đó đã có thịt sống.

An toàn: Không bao giờ để thức ăn chưa nấu chín hoặc ăn liền quá hạn sử dụng. Làm nóng xúc xích và thịt cho đến khi có hơi tỏa ra (74oC) trước khi ăn.

Salmonella: Gia cầm và trứng

Vi khuẩn Salmonella có thể nhiễm vào bất kỳ thực phẩm nào, mặc dù nguy cơ sẽ lớn hơn đối với các sản phẩm động vật do tiếp xúc với phân động vật. Ở gà, nó có thể nhiễm vào trứng trước khi hình thành vỏ trứng, vì vậy ngay cả khi rửa sạch, trứng tươi vẫn có thể chứa salmonella. Triệu chứng bao gồm đau bụng, sốt, và tiêu chảy 12 đến 72 giờ sau khi tiếp xúc. Bệnh thường kéo dài từ 4 đến 7 ngày.

An toàn: Không bao giờ ăn trứng sống hoặc trứng trần. Thịt gia cầm cần nấu đến74oC. Giữ thịt gia cầm sống tách riêng với thịt gia cầm đã nấu chín và các thức ăn khác. Rửa tay, thớt, đồ dùng và mặt bàn bếp sau khi chế biến.

Salmonella: Nông sản tươi

Các loại nông sản tươi có tiếp xúc với gia cầm là một nguyên nhân gây nhiễm salmonella. Nhiều vụ dịch salmonella đã được thấy là bắt nguồn từ cà chua, ớt, rau sống và đu đủ. Các loại rau mầm cũng chưa salmonella vì chúng được trồng trong điều kiện ấm, ẩm và thường được ăn sống hoặc chỉ chần qua.

Nhiễm trùng có thể nặng hoặc thậm chí tử vong ở những người có nguy cơ cao, bao gồm trẻ nhỏ và người già yếu.

An toàn: Rửa kỹ và để ráo nước, cất trong tủ lạnh ở nhiệt độ 4oC.

Salmonella: Thực phẩm chế biến sẵn

Bim bim, bánh quy giòn, súp, bơ lạc (đậu phộng), thậm chí cả các đồ ăn sẵn đông lạnh có thể gây nguy cơ nhiễm salmonella, tuy ít. Đã từng có một vụ dịch salmonella liên quan đến bơ lạc và thực phẩm đóng gói làm từ lạc, bao gồm bánh granola và bánh quy. Trong những trường hợp như vậy, vi khuẩn salmonella tại một nhà máy chế biến có thể gây nhiễm cho nhiều sản phẩm mà sau đó phải thu hồi.

An toàn: Không bao giờ sử dụng sản phẩm đã bị thu hồi - ngay lập tức mang trả lại cửa hàng hoặc bỏ đi. Đun nóng thức ăn tới 74oC để diệt vi khuẩn salmonella.

Salmonella: Thịt sống

Thịt sống, đặc biệt là thịt xay, có nguy cơ nhiễm salmonella. Thị gà tây xay đã có liên quan nhiều vụ dịch salmonella. Về cảm quan thường không thể nhận ra thực phẩm bị nhiễm vì nó vẫn có hình thức và mùi bình thường.

An toàn: Nấu thịt bò, thịt lợn và thịt cừu đến ít nhất 63oC và thịt gia cầm (bao gồm cả thịt gia cầm xay) đến ít nhất 74oC. Thịt bò, thịt lợn, thịt cừu xay cần được nấu đến 71oC. Tránh nhiễm chéo bằng cách rửa tay và tất cả bề mặt bằng nước xà phòng ấm sau khi tiếp xúc với thịt sống.

E. coli: Thịt bò xay

E. coli sống trong ruột của gia súc và có thể nhiễm vào thịt bò trong quá trình giết mổ. Thịt bò xay đặc biệt nguy hiểm vì vi khuẩn có thể lây lan khi xay thịt. Các triệu chứng của nhiễm E. coli bao gồm đau quặn bụng, tiêu chảy phân nhiều nước, và nôn. Bệnh thường phát triển vài ngày sau khi tiếp xúc và có thể nghiêm trọng ở những người yếu. Bệnh thường kéo dài khoảng một tuần.

An toàn: Nấu thịt chín kỹ (71oC, không còn màu hồng ở giữa). Không đặt thức ăn chín vào bát đĩa trước đó đựng thịt sống. Rửa mọi dụng cụ chế biến bằng nước xà phòng ấm.

E. coli: Nước trái cây và sữa sống

Việc tiệt trùng trùng sử dụng nhiệt để diệt vi khuẩn. Vì hầu hết các loại nước trái cây bán trong cửa hàng đã được thanh trùng, chúng không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, nước trái cây không tiệt trùng và dấm táo được bán tại các trang trại hoặc bán rong có thể chứa E. coli. Vi khuẩn này cũng có thể thâm nhập vào sữa sống do thiết bị vắt sữa không sạch, hoặc vú con vật bị dính bẩn hoặc nhiễm trùng.

An toàn: Chỉ mua những sản phẩm đã được tiệt trùng. Nếu không chắc chắn, cần đun sôi trước khi uống.

E. coli: Nông sản tươi

Trái cây và rau có thể bị nhiễm E. coli nếu phân bón hoặc nước tưới có vi khuẩn. Các loại rau lá xanh có nguy cơ cao nhất. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng lợi ích sức khoẻ khi ăn trái cây và rau lớn hơn nhiều so với nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm.

An toàn: Tách rời và rửa riêng lá rau, nấu chín rau để diệt vi khuẩn.

C. perfringens: Thịt, món hầm, nước sốt

Clostridium perfringens là một loại vi khuẩn gây ra chuột rút và tiêu chảy kéo dài dưới 24 giờ. Các món hầm, nước sốt, và các loại thực phẩm khác được chế biến với số lượng lớn và giữ ấm trong thời gian dài trước khi ăn là một nguồn lây nhiễm C. perfringens phổ biến.

An toàn: Các loại nước chấm, nước sốt, và thịt hầm cần được nấu chín kỹ và sau đó giữ ở nhiệt độ trên 60oC hoặc dưới 5oC. Phục vụ thức ăn nóng ngay sau khi nấu. Bảo quản lạnh thức ăn thừa kịp thời trong hộp đựng nông để làm lạnh đúng cách.

Tụ cầu: bánh mì kẹp thịt, sa-lát, bánh mì ngọt

Nhiễm tụ cầu từ thực phẩm có thể xảy ra khi thực phẩm được chế biến bởi người nhiễm bệnh. Những thực phẩm có nguy cơ cao nhất bao gồm sandwich, sa-lát (gồm trứng, cá ngừ, gà, khoai tây và mì ống), bánh mì ngọt nhân kem và bánh ngọt. Các triệu chứng diễn ra nhanh chóng, ngay sau khoảng 30 phút, và bao gồm nôn, đau bụng và tiêu chảy. Bệnh thường kéo dài trong một đến ba ngày.

An toàn: Rửa tay thật kỹ trước khi chế biến thức ăn. Không chế biến thức ăn nếu bạn bị ốm hoặc bị nhiễm trùng mũi hoặc mắt, vết thương hở, hoặc nhiễm trùng trên tay hoặc cổ tay.

Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814