26/8/2012 | 8:11:09 PM

Rung nhĩ và tắc mạch hệ thống: Những biến chứng khôn lường

Rung nhĩ là biểu hiện trên điện tim của loạn nhịp hoàn toàn, một loại loạn nhịp tim rất thường gặp trên lâm sàng. Bên cạnh những hậu quả như rối loạn nhịp thất, rối loạn huyết động, suy tim… thì một biến chứng đáng sợ nữa của rung nhĩ đó là gây tắc mạch hệ thống.

Tại sao rung nhĩ lại gây tắc mạch hệ thống?

Rung nhĩ là một loại loạn nhịp gây ra bởi những xung động rất nhanh (khoảng 400lần/phút) và rất không đều tác động lên tâm nhĩ làm cho nó gần như không kịp co bóp nữa mà chỉ "rung" lên không đều ở từng phần, từng sợi cơ. Xung động do các sóng rung nhĩ (sóng f) truyền xuống tâm thất với tần số khoảng 100 - 200lần/phút và cũng rất không đều.

Do co bóp với một tần số quá nhanh nên tâm nhĩ mất khả năng tống máu hiệu quả xuống tâm thất. Hậu quả là máu bị ứ đọng luẩn quẩn trong tâm nhĩ và dễ hình thành cục máu đông (huyết khối). Các cục máu đông khi từ tâm nhĩ trái xuống tâm thất trái được bơm lên động mạch chủ, theo vòng đại tuần hoàn, gây tắc mạch ở những nơi cục máu đông bị kẹt lại.

Rung nhĩ thường gặp trong các bệnh như bệnh hẹp van hai lá, cường giáp trạng, bệnh mạch vành, viêm màng ngoài tim, ngộ độc digitan, bạch hầu, thương hàn, viêm phổi và một số trường hợp không rõ nguyên nhân.

 Bệnh lý mạch vành: một trong những nguyên nhân gây rung nhĩ.

Khi nào thì rung nhĩ có thể gây tắc mạch hệ thống?

Cơ sở của biến chứng tắc mạch hệ thống do rung nhĩ là sự hình thành huyết khối trong tâm nhĩ. Hai điều kiện làm cho huyết khối dễ hình thành trong tâm nhĩ đó là tần số đập của tâm nhĩ. Khi tâm nhĩ đập quá nhanh hay "rung" lên đơn thuần, máu sẽ luẩn quẩn ở tâm nhĩ mà không xuống tâm thất được nên dễ bị đông. Điều kiện thứ hai đó là kích thước của tâm nhĩ. Tâm nhĩ càng giãn to thì khả năng hình thành huyết khối trong đó càng lớn.

Những biến chứng nguy hiểm khi cơ thể bị tắc mạch hệ thống

Một khi cục máu đông đã được hình thành trong tâm nhĩ, nguy cơ nó có thể bong ra, xuống tâm thất trái, vào vòng đại tuần hoàn gây tắc mạch là rất lớn. Các cơ quan có thể bị ảnh hưởng hàng đầu là não. Cục máu đông trôi theo hệ thống động mạch (ĐM) lên não (hệ mạch cảnh và sống - nền) sau đó sẽ bị kẹt ở một nhánh ĐM nào đó và gây nên triệu chứng. Khởi đầu bệnh nhân thấy đau đầu dữ dội, thất ngôn, liệt nửa người, hôn mê ở các mức độ khác nhau. Bệnh nhân có thể tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề nếu cục máu đông gây tắc mạch lớn ở não.

Cục máu đông cũng có thể trôi xuống ĐM chủ bụng gây tắc ĐM thận. Bệnh nhân đột ngột thấy đau dữ dội vùng thắt lưng, tiểu máu, nếu nặng hơn có thể tiểu ít, vô niệu. Một trong những trường hợp biến chứng tắc mạch do rung nhĩ rất khó chẩn đoán là tắc động mạch mạc treo. Bệnh nhân chỉ có biểu hiện đau bụng mà không tìm được bất cứ đầu mối nguyên nhân nào, có trường hợp kèm tiêu chảy nên dễ bị chẩn đoán nhầm là rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn... Nhiều trường hợp nặng, bụng bệnh nhân trướng căng, có dấu hiệu bụng ngoại khoa, mổ cấp cứu mới xác định được nguyên nhân là do tắc mạch mạc treo và công việc còn lại là... cắt nhiều mét ruột đã bị hoại tử và sau đó bệnh cảnh thường rất nặng nề do tình trạng nhiễm khuẩn nhiễm độc gây nên.

 Hẹp van hai lá (ảnh phải): một trong những nguyên nhân hàng đầu gây rung nhĩ.

Các động mạch chi cũng có thể bị tắc do cục máu đông trôi từ tâm nhĩ xuống với các biểu hiện như đau chi, sưng nề, mất cảm giác, đầu chi lạnh, mất mạch đập. Chẩn đoán xác định bằng siêu âm doppler hoặc chụp mạch.

Một số cơ quan khác cũng có thể bị biến chứng tắc mạch do rung nhĩ tuy tần suất ít gặp hơn như lách, gan, buồng trứng...

Làm thế nào để phòng tránh?

Dự phòng biến chứng tắc mạch do rung nhĩ bao gồm hai vấn đề chủ yếu. Thứ nhất là kiểm soát tần số tim hoặc cố gắng đưa nhịp tim về nhịp xoang với các biện pháp như dùng thuốc (digitan, cordarone), sốc điện, đốt ổ loạn nhịp, phẫu thuật (thủ thuật Maze). Thứ hai là ngăn cản sự hình thành huyết khối bằng việc sử dụng các thuốc chống đông. Các thuốc chống đông hay được dùng là thuốc loại chống kết tập tiểu cầu (aspirin, aspegic), thuốc kháng vitamin K như sintrom.
 
Việc uống thuốc dự phòng phải đều đặn, theo đúng chỉ định và phải được kiểm tra thường xuyên bởi các thầy thuốc chuyên khoa tim mạch. Kết hợp với điều trị nguyên nhân gây rung nhĩ như nong tách hẹp van hai lá qua da hoặc mổ thay van, điều trị cường giáp, điều trị các bệnh mạch vành, đái tháo đường, viêm phổi. Bệnh nhân cũng nên duy trì một lối sống lành mạnh, đặc biệt tránh uống rượu và hút thuốc lá (những tác nhân dễ gây kích thích khởi phát cơn rung nhĩ), ăn nhạt, tập thể dục hoặc vận động phù hợp, tránh những xúc cảm hoặc stress, ăn uống đầy đủ...
 
Tóm lại, phải luôn cảnh giác với biến chứng tắc mạch hệ thống ở bệnh nhân có biểu hiện rung nhĩ (hay loạn nhịp hoàn toàn) do bất cứ nguyên nhân nào, từ đó có chiến lược dự phòng huyết khối để tránh các biến chứng có thể xảy ra.
Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814