17/11/2011 | 7:57:20 AM

“Sát thủ” ánh sáng đèn điện

It ai biết rằng, ánh sáng nhân tạo rực rỡ, phát ra từ những bóng đèn điện đủ màu sắc là một yếu tố môi trường rất nguy hiểm, đe dọa sự tồn vong của nhiều loài động vật cũng như sức khỏe con người.
 Ánh sáng đèn điện có thể phá vỡ sự cân bằng hormon trong cơ thể
Ánh sáng đèn điện có thể phá vỡ sự cân bằng hormon trong cơ thể.
 

Kẻ thù của nhiều loài sinh vật

Cùng với việc giúp cho cuộc sống con người ngày một trở nên văn minh, tiện nghi và thuận lợi hơn thì ánh sáng đèn điện cũng dần bộc lộ những tác hại tiêu cực đối với môi trường sống tự nhiên của muôn loài.

Theo những nghiên cứu mới nhất vừa được công bố, nguồn ánh sáng đèn điện trong đêm có thể gây ra những rối loạn nghiêm trọng của nhịp sinh học ở rất nhiều loài động vật. Một số loài động vật đã được “chương trình hóa về gen” để có thể định hướng trong ban đêm dưới ánh sáng mặt trăng, do đó ánh sáng đèn điện đối với chúng là thứ ánh sáng “sát thủ”.

Tại Bắc Mỹ, hằng năm có khoảng 100 triệu con chim, do mất phương hướng đã đâm vào các tòa nhà chọc trời rực sáng ánh đèn. Hàng triệu con bướm đêm cũng rơi vào thảm họa tương tự. TS.Kenneth Frank - chuyên gia về các loài bướm ở Filadelfia - cũng cho biết, các loài bướm đêm rất dị ứng với ánh sáng đèn điện, chúng dễ trở thành “ngớ ngẩn” để tự biến mình thành con mồi cho các loài động vật ăn thịt.

Ánh đèn điện đã phá vỡ môi trường sống tự nhiên của nhiều loài sinh vật. GS.Marianne Moore - nhà sinh vật học tại Vellesley College sau nhiều năm nghiên cứu những sinh vật sống trong các hồ lớn tại Mỹ cho biết, có một loài cua nhỏ, cứ vào ban đêm lại nổi lên mặt nước để ăn các loại tảo Algea sống trên mặt hồ. Nhưng khi ánh đèn điện biến đêm thành ngày thì loài cua này không còn nổi lên mặt nước nữa. Hậu quả là loại tảo phát triển rất nhanh làm ô nhiễm nước hồ, đe dọa cuộc sống của những sinh vật khác trong hồ.

Mối đe dọa sức khỏe con người

Những chiếc bóng đèn được thắp sáng suốt ngày đêm đã khiến cho con người mất dần khái niệm về ngày và đêm, làm thay đổi đồng hồ sinh học, rối loạn giấc ngủ của con người. Một cuộc điều tra ở Đức cho thấy, có 84% số người được hỏi cho rằng giấc ngủ của họ bị ảnh hưởng bởi những “ban ngày nhân tạo”. Những người thường xuyên làm việc dưới ánh đèn điện đều có dấu hiệu tổn thương võng mạc, mống mắt ở các mức độ khác nhau, thị lực suy giảm, giảm khả năng nhận biết màu sắc, giảm khả năng nhận biết độ tương phản…, đồng thời tỷ lệ mắc bệnh đục thủy tinh thể cũng lên tới 45% ở những đối tượng này.

Những phụ nữ làm việc nhiều vào ban đêm dưới ánh sáng đèn điện có tỷ lệ ung thư vú cao hơn 60% so với những phụ nữ làm việc vào ban ngày dưới ánh sáng tự nhiên. Các bác sĩ thuộc Bệnh viện Phụ sản Brigham tại Boston đã tiến hành khảo sát sổ theo dõi sức khỏe của 78.562 nữ y tá và nhận thấy: Những người thường xuyên phải làm việc từ 1-15 năm vào ban đêm thì tỷ lệ mắc ung thư vú là 18%, còn những người thường xuyên làm việc vào ban đêm trên 20 năm thì tỷ lệ này lên tới 46%.

Các nghiên cứu khoa học gần đây khẳng định rằng, ánh sáng đèn điện có thể phá vỡ sự cân bằng hormon trong cơ thể con người. Khi ánh sáng đèn điện chiếu vào võng mạc - ngay cả lúc ngủ - sẽ kìm hãm và làm giảm đáng kể việc sản xuất melatonin - một loại hormon quan trọng giúp điều chỉnh chu kỳ sinh nở ở phụ nữ và đồng hồ sinh học của con người. Hormon melatonin cũng đóng vai trò rất quan trọng, có tác dụng ức chế sự phát triển của một số bệnh ung thư như ung thư gan, ung thư ruột kết, trực tràng và ung thư tuyến tiền liệt.

Ngoài ra, melatonin còn bảo vệ AND trong nhân tế bào trước những hậu quả của sự phóng xạ ion hóa, mà loại phóng xạ này có thể làm tổn thương tới các gen. Một khi có sự mất cân bằng trong việc sản sinh hormon này, cơ thể con người sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ mắc các bệnh ung thư, tim mạch và nhiễm xạ. “Ánh sáng đèn điện tai hại giống như một thứ thuốc phiện” - đó là lời phát biểu của nhà thần kinh học người Mỹ Russel J. Reiter - người đã bỏ nhiều năm nghiên cứu các phương pháp phòng ngừa rối loạn giải phóng melatonin.

Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814