17/7/2012 | 7:44:54 AM

Sát thủ không thầm lặng

Gần đây số người bị tai biến mạch máu não (đột quỵ) cứ tăng dần. GS.TS Lê Văn Thành, chủ tịch hội Phòng chống tai biến mạch máu não, công bố: “Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người mắc mới chứng tai biến mạch máu não, làm chết khoảng 100.000 người”. Một nguyên nhân làm gia tăng số người bị đột quỵ mà ít ai nghĩ đến là tiếng ồn, đặc biệt là tiếng ồn giao thông ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.

Đột quỵ là gì?

Đột quỵ là tai biến gây gián đoạn lưu thông máu lên não, thường xảy ra dưới hai dạng cơ bản:

Đột quỵ do huyết khối làm nghẽn mạch: chiếm 3/4 các trường hợp. Cục máu đông ở gần não – có thể do huyết khối tại chỗ hoặc huyết khối từ nơi khác đến – làm chặn dòng máu chảy đưa oxy đến não gây các triệu chứng: cơ thể yếu đột ngột, không nói được, nhìn đôi, chóng mặt.

Đột quỵ do xuất huyết trong não: có đến 80% trường hợp tử vong ngay tại thời điểm xuất huyết (trong khi đột quỵ do máu đông làm tắc mạch máu não hầu như có thể cứu sống).

Các yếu tố nguy cơ chính gây đột quỵ gồm có: cao huyết áp, bệnh tim mạch, mỡ trong máu cao, béo phì, nghiện ma tuý, hút thuốc, uống rượu, sử dụng thuốc ngừa thai…

Đừng ham ở nhà mặt tiền

Xe cộ khi vận chuyển trên đường phố đều gây ra tiếng ồn từ động cơ, tiếng còi, ống xả, tiếng rít phanh và sự rung động của các bộ phận trên xe. Khi mật độ xe trên đường phố lớn, tập hợp nhiều xe sẽ gây ra hỗn hợp tiếng ồn với nhiều tần số khác nhau. Riêng nước ta còn tồn tại nhiều phương tiện lạc hậu, kém chất lượng, nên càng gây ra nhiều tiếng ồn.

Các nhà khoa học Đan Mạch đã nghiên cứu mối liên quan giữa tiếng ồn giao thông và nguy cơ đột quỵ. Nghiên cứu trên 51.485 người, họ nhận thấy cứ mỗi 10dB tiếng ồn tăng thêm thì nguy cơ đột quỵ tăng 14%, đặc biệt ở người cao tuổi (65 tuổi trở lên) tỷ lệ này tăng đến 27% ở ngưỡng tiếng ồn giới hạn 60dB. Ở những nơi tiếng ồn có ngưỡng cao hơn, nguy cơ đột quỵ cũng cao hơn. Bà Mette Sorensen, nhà nghiên cứu cao cấp của viện Dịch tễ học ung thư của hiệp hội Ung thư Đan Mạch (Copenhagen) nói: “Những nghiên cứu trước đây cho thấy sự liên quan giữa tiếng ồn giao thông với sự tăng huyết áp, nghiên cứu của chúng tôi cung cấp thêm các chứng cớ tiếng ồn giao thông có thể làm tăng các bệnh tim mạch”.

Mức ồn của một số phương tiện giao thông: xe nhỏ 77dB; tiếng còi tàu 75 – 105dB; xe khách nhỏ 79dB; tiếng máy bay 85 – 90dB; xe khách vừa 84dB; xe quân sự 120 – 135dB; xe thể thao 91dB; xe chở rác 82 – 88dB.

Năm 1999, WHO cũng kết luận có mối liên quan giữa tiếp xúc lâu dài với tiếng ồn trên 67 – 70dB và chứng cao huyết áp. Điều này có thể do tiếng ồn làm mức adrenaline gia tăng gây hẹp các mạch máu.

Độ ồn cho phép

Các nhà khoa học trên thế giới đều thống nhất rằng ngưỡng tiếng ồn vượt quá 85dB có thể gây tổn thương cơ quan thính giác, về lâu dài có thể gây điếc. Họ khuyến cáo, ngưỡng cho phép của tiếng ồn công nghiệp là 85dB, ở nơi cư ngụ là 55dB vào ban ngày và 45dB vào ban đêm. Nếu chia theo khu vực thì ngưỡng tiếng ồn cho phép ở khu trung tâm thương mại là 105dB; khu công nghiệp là 75dB vào ban ngày và 70dB vào ban đêm; khu yên tĩnh (trường học, bệnh viện) là 50dB vào ban ngày và 40dB vào ban đêm.

Thời gian tiếp xúc với tiếng ồn cần được hạn chế trong ngưỡng sau: có cường độ 115dB: dưới 2 phút; 110dB: dưới 4 phút; 10dB: dưới 8 phút; 100dB: dưới 15 phút; 95dB: dưới 30 phút; 90dB: dưới 1 giờ; 85dB: dưới 2 giờ; 80dB: dưới 4 giờ; 75dB: dưới 8 giờ; 70dB: dưới 16 – 24 giờ.


Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814