31/5/2016 | 8:33:43 PM

Sự nguy hiểm của bệnh liên cầu lợn

Bạn đọc Đinh Văn Việt, xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà (địa chỉ mail: vietvan80@yahoo.com) hỏi: “Thời gian gần đây các báo đăng tin có trường hợp tử vong vì bệnh liên cầu lợn. Gia đình tôi thích ăn thịt lợn nên rất lo. Qua Báo Quảng Ninh, nhờ bác sĩ tư vấn giúp tôi hiểu rõ hơn về bệnh liên cầu lợn? Bệnh dễ lây không?”. Dưới đây là cuộc trao đổi của bác sĩ Ninh Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh với PV Báo Quảng Ninh về bệnh này.


Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh xét nghiệm tìm vi rút S.Suis gây bệnh liên cầu khuẩn qua mẫu bệnh phẩm.
Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh xét nghiệm tìm vi rút S.Suis gây bệnh liên cầu khuẩn qua mẫu bệnh phẩm.

- Xin bác sĩ cho biết tình hình bệnh liên cầu lợn hiện nay?

+ Bệnh liên cầu lợn do vi khuẩn Streptococcus suis (S.suis) gây nên. Vi khuẩn này thường cư trú ở đường hô hấp trên (đặc biệt là ở mũi), ở đường tiêu hoá và sinh dục của lợn. S.suis hiện có týp I và týp II, trong đó, S.suis týp II thường gây bệnh cho người. Năm 2015, nước ta ghi nhận 96 ca mắc liên cầu lợn, trong đó 13 người tử vong; tăng 51 ca và tăng 5 người tử vong so với năm 2014. Từ đầu năm 2016 đến nay, cả nước cũng xuất hiện khá nhiều bệnh nhân mắc liên cầu lợn, trong đó có trường hợp 67 tuổi ở tỉnh Phú Thọ đã tử vong vào ngày 22-5-2016. Trên địa bàn tỉnh, những năm trước cũng có một vài trường hợp nhiễm liên cầu khuẩn lợn, tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay chưa có người nào mắc bệnh này.

- Bệnh có dễ lây không và triệu chứng của người bệnh ra sao, thưa bác sĩ?

+ Vi khuẩn S.suis chủ yếu sống ở lợn nhà nhưng đôi khi cũng tìm thấy ở các loài lợn rừng, ngựa, chó, mèo, chim... Nhiễm S.suis ít gặp ở người, nhưng người có thể bị nhiễm vi khuẩn này khi tiếp xúc với lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn qua các tổn thương nhỏ, vết trầy xước trên da trong quá trình giết mổ, chế biến và ăn thịt lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn nhưng nấu không chín. Hiện nay, chưa có bằng chứng bệnh liên cầu lợn lây trực tiếp từ người sang người.

Khi bị bệnh liên cầu lợn, người bệnh thường sốt cao, đau đầu, ù tai, xuất huyết dưới nhiều dạng khác nhau, như: Xuất huyết dưới da từng mảng, đôi khi gây hoại tử, xuất huyết tiêu hoá. Trong bệnh liên cầu lợn hay gặp là nhiễm khuẩn huyết (vi khuẩn liên cầu lợn vào máu, nhân lên nhanh chóng và đồng thời tiết ra nhiều độc tố). Khi nhiễm khuẩn huyết, ngoài các triệu chứng trên, người bệnh có thể bị nhiễm độc rất nặng, biểu hiện như: Tụt huyết áp, mạch nhanh, nhỏ, trụy tim mạch, suy hô hấp và có thể tử vong nếu không phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Một số trường hợp xuất hiện nhiễm độc đường tiêu hoá (đi ngoài nhiều lần, phân lỏng, có máu). Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể bị viêm màng não do vi khuẩn liên cầu lợn với các biểu hiện như: Sốt cao, co giật, nôn vọt, sợ ánh sáng... Nếu phát hiện sớm có thể cứu chữa được, nếu không thì có thể gây phù não, hôn mê và tử vong. Bệnh diễn biến rất nhanh, từ khi phơi nhiễm đến khi có triệu chứng đầu tiên khoảng 3 ngày và từ khi bệnh khởi phát đến lúc toàn phát (nặng) khoảng 1 ngày.

Để xác định ca bệnh, mẫu bệnh phẩm của người bệnh sẽ được xét nghiệm nuôi cấy tìm S.suis gây bệnh hoặc tiến hành làm xét nghiệm huyết thanh học hay làm phương pháp sinh học phân tử (RT-PCR; máy giải trình tự gen). Hiện Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã làm được tất cả các xét nghiệm này.

- Thưa bác sĩ, bệnh có điều trị được không và cách phòng bệnh ra sao?

+ Khả năng cứu chữa bệnh này phụ thuộc nhiều vào thời gian vào viện điều trị sớm hay muộn. Việc điều trị ở bệnh nhân được áp dụng liên tục các biện pháp hồi sức tích cực nên chi phí điều trị khá cao.

Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh liên cầu lợn. Vi khuẩn S.suis gây bệnh liên cầu lợn có thể tồn tại lâu trong phân, nước, rác; tuy nhiên, vi khuẩn này dễ bị tiêu diệt bởi các chất sát khuẩn và tẩy rửa. Do đó, cần chú trọng giữ gìn vệ sinh môi trường, tiêu trùng, khử độc chuồng trại trong chăn nuôi. Nên chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y.

Bộ Y tế đã đưa ra 5 khuyến cáo để phòng bệnh liên cầu lợn: Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không ăn tiết canh, nội tạng lợn, và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng; không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, lợn chết, tiêu huỷ lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định; người khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

- Xin cám ơn bác sĩ!


Nguồn tin: baoquangninh.com.vn
Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2024, bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814