Đường hóa học: Hiểu đúng để dùng
Cập nhật: 4/7/2017 | 12:16:49 PM
Ngay cả những loại sản phẩm được phép dùng đường hóa học cũng rất cần quản lý và hướng dẫn trên nguyên tắc bảo đảm an toàn khi sử dụng
Mới đây, một tờ báo đã đăng bài về công ty hóa chất M. (của nước ngoài) từ năm 2000 tuyên bố dừng sản xuất chất tạo ngọt aspartame (đường hóa học) nhưng lại cho rằng chất này không gây ra bất kỳ bệnh gì hay tác hại gì đến sức khỏe người sử dụng. Dù vậy, một số công trình nghiên cứu cho thấy các sản phụ khi dùng chất tạo ngọt này sẽ có nguy cơ bị sinh sớm.
Rất ít năng lượng
Chất tạo ngọt aspartame đã và đang được một công ty dược ở TP HCM dùng để sản xuất đường cho người ăn kiêng như người mắc bệnh đái tháo đường. Liệu aspartame có phải là độc chất, dùng có an toàn hay không? Đây là câu hỏi mà nhiều bạn đọc đã nêu cho chúng tôi.
Đường hóa học còn được gọi là chất tạo ngọt nhân tạo. Chất thay thế đường thường là hóa chất tổng hợp dùng thay thế đường mía (đường cát, sucrose) vì có độ ngọt gấp trăm lần (và có thể hơn thế nữa) so với vị ngọt của đường tự nhiên. Đặc biệt, đường hóa học không cung cấp hoặc cung cấp rất ít năng lượng.
Những đường hóa học đang được phép sử dụng là saccharine, acesulfam K, aspartame, isomalt, sorbitol, sucralose, maltitol, lactitol, xylitol nhưng vẫn phải dùng trong giới hạn cho phép.
"Ba chìm bảy nổi"
Trước hết là saccharine. Chất tạo ngọt này được sử dụng rất phổ biến bởi giá thành rẻ, độ ngọt cao (gấp 200-700 lần đường kính). Saccharine có một thời gian dài bị Cơ quan Quản lý Thực phẩm - Dược phẩm Mỹ (FDA) cấm lưu hành. Sau nhiều năm tiếp tục được nghiên cứu, cuối cùng, chất tạo ngọt nhân tạo này "được minh oan" và lệnh cấm đã được gỡ bỏ. Liều dùng hằng ngày không ảnh hưởng đến sức khỏe của đường hóa học này là 5 mg/kg/ngày.
Còn cyclamate? Ở nước ta, trong một thời gian dài, cyclamate nằm trong danh mục cấm sử dụng. Mới đây, có nguồn tin Cục Quản lý An toàn thực phẩm đã cho phép đưa cyclamate vào danh sách dùng trong thực phẩm. Nếu Cục Quản lý An toàn thực phẩm cho phép đưa cyclamate vào danh sách dùng trong thực phẩm thì có nghĩa là cơ quan chức năng đã có đủ chứng cứ khoa học để chấp nhận sử dụng chất phụ gia từng bị cấm này. Cyclamate có độ ngọt thấp nhất trong các chất tạo ngọt nhân tạo, gấp 30-50 lần đường kính.
Thứ ba là aspartame và tai tiếng gán cho nó hơi bị oan. Ra đời sau saccharine và có độ ngọt thấp hơn nhưng aspartame vẫn là một chất tạo ngọt nhân tạo được dùng khá phổ biến, nhất là trong dược phẩm (đang được một công ty dược ở TP HCM dùng để sản xuất đường cho người ăn kiêng như người mắc bệnh đái tháo đường mà bạn đọc đã ghi nhận) và các loại đồ uống cho người ăn kiêng. Aspartame ngọt hơn đường 160-220 lần. Bản thân aspartame không tồn tại trong tự nhiên. Nó được điều chế thông qua các quá trình lên men và tổng hợp.
Aspatame được hơn 350 triệu người trên thế giới tiêu thụ đều đặn và chiếm khoảng 62% thị trường các chất tạo ngọt nhân tạo. Quan điểm của nhiều tổ chức uy tín hiện nay ủng hộ việc sử dụng aspartame trong hạn mức cho phép, bao gồm Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), FDA... Liều dùng cho phép của aspartame mỗi ngày (ADI) là nhỏ hơn hoặc bằng 40 mg/kg thể trọng.
Câu trả lời về aspartame
Có nhiều sản phẩm được phép sử dụng đường hóa học (tất nhiên là với hàm lượng nhỏ, không vượt quá mức cho phép). Lợi ích của đường hóa học là chất tạo vị ngọt nhưng lại không cung cấp năng lượng (rất hữu ích cho những người béo phì), không cung cấp glucose vào máu (có lợi cho người bị bệnh đái tháo đường), không hỗ trợ vi khuẩn hại men răng (tính chất này được tận dụng cho các sản phẩm chăm sóc răng miệng). Ngay cả những loại sản phẩm được phép sử dụng đường hóa học cũng rất cần quản lý và hướng dẫn trên nguyên tắc bảo đảm an toàn khi sử dụng, vì nếu dùng quá liều (đối với loại được phép sử dụng) cũng có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe.
Như vậy, đối với câu hỏi của bạn đọc, aspartame có phải là độc chất không, dùng có an toàn không thì có thể trả lời rằng nó không phải là độc chất nếu dùng đúng liều để hỗ trợ chữa bệnh béo phì, đái tháo đường. Aspartame có ADI là 40 mg thì mức tiêu thụ tối đa nếu bạn 60 kg là 60×40 = 2.400 mg. Tuy nhiên, WHO vẫn khuyên bạn chỉ nên sử dụng 30% liều lượng cho phép, tức 800 mg/ngày để bảo đảm an toàn.
Lạm dụng sẽ nguy hiểm
Do bản chất là chất tạo vị ngọt, đường hóa học không mang lại bất cứ lợi ích nào cho cơ thể nên việc ăn nó không giúp chúng ta khỏe lên được. Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân đái tháo đường, dư cân, béo phì thì nó có lợi bởi vừa bảo đảm mức đường huyết ở mức ổn định, giúp giảm cân vừa tạo khẩu vị khi ăn uống (dùng một cách bất khả kháng). Riêng đối với giới sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngọt, vì lợi nhuận bất chính, họ có thể sẽ lạm dụng đường hóa học vô tội vạ.
(Nguồn: dantri.com.vn)