Viêm đại tràng ở người cao tuổi và cách trị
Cập nhật: 19/3/2012 | 2:32:59 PM
Ở người cao tuổi biểu hiện của bệnh thường không điển hình. Người bệnh đau bụng âm ỉ, có khi đau nhiều thành cơn...
Ảnh minh họa
Khác với tuổi trẻ các bệnh thường gặp ở người cao tuổi chủ yếu là bệnh cấp tính, bệnh nhiễm khuẩn thường gặp là các bệnh mạn tính, thoái hóa, các bệnh không lây nhiễm xảy ra ở các cơ quan trong cơ thể. Trong khuôn khổ bài này chúng tôi xin đề cập đến cơ quan tiêu hóa, đặc biệt là bệnh viêm đại tràng mạn.
Đại tràng là phần cuối của ống tiêu hóa, thường dài từ 1,5m đến 2m nằm trong ổ bụng thành hình chữ U úp ngược. Chức năng của đại tràng là tiếp tục tiêu hóa phần còn lại của bã thức ăn đã được ruột non hấp phụ hết dưỡng chấp nhằm thu lại một phần nước, đường và vitamin nhóm B còn lại. Đồng thời nhào nặn, cô đặc và lên men để tạo ra phân đưa xuống trực tràng thải ra ngoài. Có thể nói đây là nơi tích tụ các chất bẩn, vi khuẩn của ống tiêu hóa thải ra nên dễ viêm nhiễm, nhất là trong tình hình ô nhiễm môi trường thức ăn hiện nay. Theo năm tháng và ảnh hưởng của các yếu tố bệnh lý như lỵ amip, lỵ trực trùng, polip đại tràng hoặc sử dụng kháng sinh kéo dài.
Biểu hiện
Ở người cao tuổi biểu hiện của bệnh thường không điển hình. Khi tuổi cao hằng định nội môi ở nhiều cơ quan có xu hướng giảm. Do đó khi một bệnh mới khởi phát các biểu hiện cơ thể không điển hình như ở người trẻ. Nhiều khi bệnh ở cơ quan này nhưng lại biểu hiện các triệu chứng ở cơ quan khác, nhất là những cơ quan đã có bệnh từ trước.
- Bệnh nhân đau bụng âm ỉ, có khi đau nhiều thành cơn không liên quan đến ăn uống. Cảm giác đầy bụng, sôi, nóng ruột.
- Rối loạn đại tiện: có khi bị táo bón 4 - 5 ngày mới đi một lần, phân lổn nhổn như phân dê. Có khi đi lỏng 3 - 4 lần trong ngày. Có trường hợp xen kẽ vừa táo vừa lỏng. Do các biểu hiện của bệnh thường không điển hình như vậy nên khám bệnh cho người cao tuổi cần hết sức thận trọng. Phải khám một cách tỉ mỉ, toàn diện để tránh bỏ sót chẩn đoán hoặc chẩn đoán nhầm.
Ngoài các xét nghiệm cơ bản. Cần làm các xét nghiệm sau: xét nghiệm phân, cấy phân.
Cần thiết phải soi trực tràng, soi toàn bộ đại tràng để phát hiện đầy đủ tổn thương giúp chẩn đoán chính xác hơn.
Khi người cao tuổi có rối loạn đại tiện kéo dài (có thể táo bón hoặc đại tiện lỏng) đã điều trị nhưng không đỡ. Hoặc đại tiện phân có lẫn nhày máu cá. Hoặc rối loạn đại tiện kèm theo gầy sút nhanh. Bắt buộc phải được soi đại tràng toàn bộ để loại trừ ung thư đại trực tràng.
Do bị mắc nhiều bệnh cùng một lúc, người cao tuổi thường phải dùng nhiều loại thuốc khác nhau nên đặc biệt phải lưu ý vấn đề tương tác thuốc. Mặt khác chức năng thận và gan cũng thường bị suy giảm cộng với sự suy giảm trí nhớ của người già. Tất cả những điều này làm tăng rõ rệt nguy cơ dùng thuốc không có hiệu quả ở người cao tuổi.
Điều trị
- Thể táo bón: khi táo bón kéo dài chúng ta hay sử dụng thuốc nhuận tràng. Trước tiên phải hiểu thuật ngữ thuốc nhuận tràng được dùng để chỉ những chất làm tăng khả năng bài tiết phân, không đồng nghĩa với việc điều trị táo bón mà chỉ là một trong những phương tiện chống táo bón bằng thuốc. Việc điều trị táo bón thường phải kết hợp trước tiên những biện pháp không dùng thuốc như:
+ Thói quen đi vệ sinh đúng giờ.
+ Chế độ ăn nhiều chất xơ thực vật.
+ Không uống rượu bia, không hút thuốc.
+ Uống nhiều nước (trên 1 lít/ngày).
+ Tăng hoạt động thể lực – thể dục điều độ.
Các thuốc nhuận tràng chỉ là phương tiện dùng để tăng cường tác dụng của các biện pháp trên.
- Thể lỏng: Dùng nhóm thuốc giảm co thắt – kết hợp các loại men tiêu hóa. Không dùng và lạm dụng thuốc kháng sinh.
Việc dùng các thuốc này cần phải được các thầy thuốc chuyên khoa chỉ định, theo dõi sát vì có thể có những tác dụng không mong muốn xảy ra.
Bệnh của người cao tuổi là bệnh mạn tính, do đó bên cạnh việc điều trị các đợt cấp của bệnh cần phải khám, theo dõi cẩn thận để chẩn đoán đúng, chính xác tránh chẩn đoán nhầm. Cần chú trọng các biện pháp nâng cao thể trạng phục hồi chức năng cho người bệnh. Do vậy quản lý sức khỏe, khám định kỳ là vấn đề rất cần thiết.
(Nguồn: suckhoedoisong.net)