Người cao tuổi cần cảnh giác khi đi tiểu ra máu
Cập nhật: 17/1/2012 | 8:36:01 PM
Đối vơi người cao tuổi, khi thấy nước tiểu có máu nên đi khám ngay để loại trừ các bệnh lý tiểu máu do ung thư.
Dấu hiệu nhận biết nước tiểu có máu:
Tiểu máu đại thể là tiểu máu mà mắt thường mình nhìn thấy được, là tình trạng có sự hiện diện bất thường của hồng cầu trong nước tiểu. Khi số lượng hồng cầu nhiều, nước tiểu có màu đỏ hồng hoặc đỏ tươi.
Tiểu máu vi thể là tiểu máu mà mắt thường không nhìn thấy được chỉ phát hiện khi làm xét nghiệm nước tiểu .
Nguyên nhân tiểu máu ở người cao tuổi
- Chấn thương: vùng bụng làm tổn thương hệ tiết niệu như thận, niệu quản, bàng quang.
- Nhiễm trùng hệ tiết niệu; viêm cầu thận, viêm bàng quang, nhiễm trùng tiểu, sỏi hệ niệu.
- Do thuốc lao rifamicin hoặc cyclophosphamide.
- Bệnh lý khác:các bệnh về máu, suy thận, u thận, u bàng quang, u tiền liệt tuyến.
Ung thư thận
UT thận thường có khởi bệnh là tiểu có máu, đau hông lưng, kèm sụt cân, mệt mỏi, đôi khi có sốt, có u ở vùng hông bệnh thường gặp ở đàn ông trên 50 tuổi, nhiều hơn phụ nữ .
UT thận thường thấy ở cực trên của thận, sau đó xâm lấn vỏ bao thận, di căn đến các hạch vùng rốn thận. Ở giai đoạn trễ, bệnh lan tràn di căn xa đến gan, phổi, xương.
Việc định bệnh UT thận dựa vào các chẩn đoán hình ảnh như: siêu âm bụng, chụp CT-scan bụng, chụp X-quang bụng, chụp hệ tiết niệu có cản quang (UIV).
Đôi khi, kỹ thuật chọc hút sinh thiết khối u bằng kim nhỏ (FNA) cũng được thực hiện để xác định chính xác tính chất ác tính của khối u thận.
Ung thư bàng quang
Đây là dạng UT hay gặp ở các ông trên 50 tuổi và có tiếp xúc với các hóa chất công việc, những người nghiện thuốc lá, các triệu chứng như: tiểu máu, tiểu gắt đau, tiểu lắt nhắt hoặc tiểu khó, không đi tiểu được do u chèn ép.
Việc chẩn đoán xác định bệnh dựa trên: siêu âm bụng chậu, chụp X-quang bàng quang có cản quang, chụp Ctscan bụng chậu, nội soi bàng quang và sinh thiết khối u.
Ung thư tiền liệt tuyến (TLT)
UT rất phổ biến ở các ông trên 60 tuổi . Đa số bệnh khởi phát âm thầm với một khối u cứng ở vùng ngoại biên thùy sau của TLT. Khối u to dần, chèn ép các cơ quan lân cận như: niệu quản, bàng quang, trực tràng. Các triệu chứng có thể tiểu gắt, tiểu nhiều lần, tiểu có máu hoặc bí tiểu. trường hợp muộn bệnh di căn đến vùng chậu và các cơ quan khác gây đau nhức nhiều.
Việc chẩn đoán bệnh dựa trên: siêu âm và chọc hút sinh thiết khối u qua ngả trực tràng, chụp X-quang xương, xạ hình xương. Định lượng PSA trong máu có giá trị tầm soát, chẩn đoán và theo dõi điều trị UT TLT.
Tóm lại tiểu máu ở người cao tuổi có nhiều nguyên nhân có thể lành tính hoặc ác tính nên cần đi khám sức khỏe định kỳ hoặc khi có tiểu máu ở người già để phát hiện và điều trị kịp thời.
(Nguồn: nhipcausuckhoe.com.vn)