Hạn chế thói quen ăn uống xấu của trẻ vào dịp Tết
Cập nhật: 18/1/2012 | 7:49:30 PM
Tết đến là dịp để trẻ vui chơi, ăn uống thỏa thích. Bố mẹ sẽ chuẩn bị cho các bé những món ăn thật ngon, những cuộc vui chơi Tết. Nhưng hãy cẩn thận, có thể cách ăn uống vui chơi của bé trong dịp Tết sẽ hình thành thói quen xấu, gây hại cho sức khỏe của bé.
Bữa sáng nên đầy đủ dưỡng chất cho trẻ.
Bữa ăn sáng là rất quan trọng, vì vậy dù cho ngày Tết có bận rộn bố mẹ cố gắng để trẻ có đầy đủ dưỡng chất cần thiết bằng: 1 tô cháo thập cẩm thịt, 1 trứng ốp la, bánh mỳ và 1 ly sữa hoặc 1 ly nước ép trái cây…
Ăn nhiều đạm và béo, ít vitamin và xơ
Các bà mẹ hay quan niệm rằng, Tết là dịp cho trẻ thưởng thức hết những món ngon, trẻ ăn nhiều bố mẹ còn vui mừng. Nhưng đó chưa phải là hoàn toàn đúng vì những món ăn trong mâm cổ ngày Tết thường chứa nhiều đạm và chất béo động vật như: thịt kho tàu, bánh chưng, gà luộc… sẽ làm cho trẻ khó tiêu hóa dẫn đến táo bón. Quá nhiều đạm khi vào cơ thể còn tạo những sản phẩm trung gian không tốt cho cơ thể trẻ, tạo gánh nặng cho gan và thận, quá nhiều béo khiến trẻ có nguy béo phì. Hơn nữa, khi ăn quá no lượng thức ăn chưa kịp tiêu hóa sẽ gây nôn, mệt mỏi cho trẻ. Vì vậy, bố mẹ cần phải cân bằng đầy đủ dưỡng chất trong mỗi bữa ăn cho trẻ, cho ăn vừa phải những thực phẩm nhiều đạm, béo, bổ sung thêm chất đường bột, vitamin và chất xơ cho trẻ thông qua: cơm, canh rau củ, canh cải xanh, trái cây, nước ép hoa quả.
Bánh kẹo – nước giải khát
Ngày tết mỗi nhà đều đầy ấp bánh mứt, kẹo dẻo và nước giải khát có gas. Đây là những thực phẩm chứa hàm lượng đường cao, dễ gây tăng cân dẫn đến béo phì ở trẻ. Bên cạnh đó, những thực phẩm này còn làm cho vi khuẩn có hại trong khoang miệng hoạt động mạnh gây hại cho răng của trẻ, dễ dẫn đến bị sâu răng. Ngoài ra, ăn ngọt trước bữa ăn còn là nguyên nhân làm mất cảm giác ngon miệng khi đến bữa chính, dẫn đến bỏ bữa gây thừa gluxit và thiếu các dưỡng chất quan trọng trong bữa ăn chính.
Vì thế, bố mẹ đừng quên hạn chế những thực phẩm ngọt không có lợi cho sức khỏe của trẻ bằng cách không để nước ngọt trên bàn ăn ngày Tết và chỉ nên bày bánh kẹo ra sau bữa ăn chính để hạn chế lượng bánh kẹo trẻ ăn vào. Nên khuyến khích trẻ uống nước và ăn nhiều rau quả ngọt thay cho bánh kẹo như: dưa hấu, táo, xoài… giúp trẻ bổ sung thêm các vitamin cần thiết cho cơ thể.
Ăn vặt ngoài đường phố
Tết thường là dịp bố mẹ thường dắt trẻ ra ngoài vui chơi và ăn uống. Tuy nhiên, cần phải cẩn thận khi cho trẻ ăn ngoài, nên tìm những chỗ ăn đáng tin cậy, hợp vệ sinh để tránh các vấn đề về VSATTP và những vi khuẩn gây hại xâm nhập vào cơ thể trẻ gây các bệnh về đường tiêu hóa cho trẻ.
Những thói quen xấu của trẻ vào dịp Tết có thể kéo dài qua hết Tết và gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Hãy bảo vệ sức khỏe của trẻ bằng cách cho trẻ ăn đầy đủ dinh dưỡng, ăn đủ bữa và đúng giờ giấc để trẻ luôn khỏe mạnh quanh năm.
(Nguồn: nhipcausuckhoe.com.vn)