Lưu ý phòng bệnh mùa hè cho trẻ

Cập nhật: 16/5/2016 | 9:45:05 AM

Thời tiết nóng ẩm cùng với tình trạng ô nhiễm môi trường trong mùa hè có thể gây ra một số bệnh nguy hiểm, đáng lưu ý là các bệnh do nhiễm virus, vi khuẩn, ký sinh trùng. Ở trẻ em, do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, sức đề kháng kém nên vào mùa nắng nóng, trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh.

Các bậc phụ huynh nên lưu ý phòng bệnh cho trẻ trong thời điểm này.

Sốt virus

Trẻ thường sốt cao, đau mỏi người, đau đầu, có thể có triệu chứng của viêm đường hô hấp trên như: hắt hơi, sổ mũi, ho (thường có ít đờm trắng trong không có màu vàng, xanh). Trẻ có thể phát ban hay gặp nhất là do virus Rubella, sởi gây ra. Biểu hiện chủ yếu là các ban đỏ mịn, thường xuất hiện vào ngày thứ 2-4 của bệnh, ban thường tuần tự từ đầu mặt xuống thân mình, chân và khi mất đi cũng theo tuần tự như vậy. Ngoài ra trẻ thường có nổi hạch ở cổ, gáy, các hạch này có thể đau và tồn tại lâu mới mất đi.


Bệnh thường diễn biến lành tính trong 3-5 ngày, điều trị theo hướng dẫn và chỉ định của thầy thuốc, chủ yếu là hạ sốt, bù nước điện giải bằng đường uống, vệ sinh mũi họng bằng nước muối vô trùng để hạn chế bội nhiễm. Bổ sung chất tăng cường miễn dịch “trực tiếp” như beta 1.3/1.6-D- glucan… giúp trẻ tăng khả năng phòng bệnh do virus và nhanh lành bệnh hơn nếu trẻ đã bị nhiễm. Một số trường hợp bệnh nặng có biến chứng như nôn, co giật, hôn mê cần đưa trẻ tới cơ sở y tế ngay để có biện pháp xử trí kịp thời.

Tiêu chảy cấp

Nguyên nhân gây tiêu chảy có thể là vi sinh vật gây bệnh như vi khuẩn (lỵ, thương hàn, tả...) hoặc virus, nấm, ký sinh trùng đường ruột. Cơ chế gây bệnh có thể do độc tố của vi khuẩn gây ra, triệu chứng thường xuất hiện sớm (dưới 6 giờ sau khi nhiễm bệnh), hoặc do vi khuẩn trực tiếp gây tổn thương hệ thống tiêu hóa, triệu chứng rối loạn tiêu hóa thường xuất hiện muộn hơn.

Khi trẻ bị tiêu chảy cấp, việc quan trọng nhất là đánh giá mức độ mất nước và bù nước điện giải bằng đường uống dung dịch oresol, truyền dịch chỉ thực hiện khi mất nước nặng, trẻ nôn nhiều, không thể uống được hoặc đi ngoài rất nhiều không thể bù kịp bằng đường uống. Việc sử dụng kháng sinh và các men tiêu hóa vi sinh cần phải theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không nên tự ý dùng thuốc trị tiêu chảy.

Viêm não Nhật Bản B

Đây là một bệnh nhiễm khuẩn thần kinh gây dịch về mùa hè do một loại Arbovirus nhóm B gây nên. Virus gây bệnh được muỗi truyền từ súc vật sang người. Bệnh viêm não Nhật Bản có tỉ lệ tử vong khá cao hoặc để lại di chứng thần kinh nặng nề. Biểu hiện thường gặp là: sốt cao, đau đầu, nôn, rối loạn ý thức, co giật rồi đi vào hôn mê nhanh chóng. Một số trường hợp có biểu hiện liệt thần kinh. Khi trẻ có những biểu hiện trên, cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị nhằm hạn chế tỷ lệ tử vong và di chứng sau này.

Phòng ngừa bệnh cần phải giữ môi trường trong sạch, nhà ở thoáng mát, nằm màn khi ngủ, phun thuốc diệt muỗi và côn trùng, tăng cường miễn dịch cho trẻ và tiêm phòng vacxin viêm não Nhật Bản cho trẻ đúng lịch.

Say nắng

Đây hiện tượng do nhiệt độ và tia cực tím (tia tử ngoại) của mặt trời gây ra. Nhiệt độ cao làm giãn mạch não gây ra tăng áp lực sọ và làm nhức đầu, có thể kèm theo nôn mửa hay hôn mê, co giật do ức chế vỏ não - làm tăng các hoạt động thần kinh tự động dưới vỏ.


Phòng say nắng cho trẻ bằng cách không cho trẻ chơi ngoài trời nắng quá lâu hoặc tắm biển khi trời nắng gắt. Nên cho trẻ uống nhiều nước, tăng cường các thức ăn có thể hỗ trợ giúp cơ thể chống lại các ảnh hưởng của ánh nắng, chống sự ôxy hóa và tăng cường miễn dịch như: các thức ăn giàu caroten (dưa hấu, dưa vàng, rau ngò, cải bó xôi...); vitamin E (dầu đậu nành, hạt điều, hạt dẻ...); vitamin C (trà xanh, trái cây tươi, rau cải xanh...); chiết xuất từ nấm bào ngư (Pleurotus ostreatus) giúp tăng sức đề kháng …

(Nguồn: afamily.vn)

In bản tin